(TNO) Việc Mỹ bình thường hóa quan hệ với Cuba có thể là cách “gợi ý” cho Nga trong vụ Ukraine, nhưng phản ứng của Moscow cho thấy họ sẽ không nhân nhượng.
Ông Alan Gross đóng vai trò cầu nối quan hệ Cuba – Mỹ – Ảnh: Reuters
Từ động thái thả tự do cho công dân Mỹ Alan Gross sau 5 năm giam cầm, và Cuba đã tiến một bước lớn đến việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ hôm 17.12.
Lệnh cấm vận nửa thế kỷ của Nhà Trắng dành cho Havana đã bắt đầu chấm dứt với nhiều hứa hẹn phát triển song phương. Ngược lại người Nga lại tiếp tục phải đối mặt với một đợt trừng phạt mới mà Mỹ và châu Âu áp lên Moscow, trong bối cảnh kinh tế nước này đang lao đao vì giá dầu và đồng rúp tụt giá.
Ukraine có là một “Alan Gross” của Nga
Ai cũng thấy ở bề nổi, việc Cuba và Mỹ chấp nhận tiến lại với nhau có lý do trực tiếp là việc Cuba phóng thích ông Alan Gross trước hạn, tức đáp ứng yêu cầu của Mỹ trong 5 năm qua.
Tuy vậy những cơ quan truyền thông như CBS News, Business Insider hay The New York Times đều lưu ý sức khỏe của ông Alan, năm nay 65 tuổi, không tốt. Điều này có nghĩa, dù có thả ông Gross, phía Cuba vẫn chưa thể nói đã làm hài lòng người dân Mỹ, những người thậm chí lập cả một trang web có bringalanhome.org (Đưa Alan về nhà).
Thế nhưng, việc thả người là một hành động mang ý nghĩa biểu tượng, rằng Cuba đã chấp nhận nhân nhượng, làm cái cớ để hai bên xích lại gần nhau.
Ngay trước ngày Cuba và Mỹ tuyên bố bình thường hóa quan hệ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã có động thái “mở đường” cho Nga thoát lệnh cấm vận mới của phương Tây. Reuters cho biết ông Kerry đã nói rằng thái độ của Nga trong vấn đề Ukraine sẽ ảnh hưởng đến quyết định gia hạn trừng phạt của châu Âu.
Việc Cuba và Mỹ nối lại quan hệ ngay đúng vào thời điểm then chốt của lệnh cấm vận mới dành cho Nga và kinh tế Nga suy sụp, không hẳn trùng hợp ngẫu nhiên.
Đó là một “gợi ý” mà Washington gửi Moscow? Rất có thể. Bằng một động thái nhượng bộ, Nga có thể nối lại quan hệ với châu Âu, và trường hợp này miền đông Ukraine đang là “Alan Gross” của Moscow.
Khó hòa hoãn
Ngày 18.12, trong tuyên bố chúc mừng mối quan hệ Cuba – Mỹ bình thường trở lại, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov đã gửi kèm thông điệp rõ ràng: Ông không nghĩ việc Mỹ cấm vận Cuba hay “các nước khác” là việc làm có cơ sở pháp lý, Interfax cho biết.
Mặc dù phát ngôn viên Bộ ngoại giao Mỹ Jen Psaki sau đó đáp trả rằng trường hợp Cuba và Nga “khác nhau”, điều quan trọng vẫn là phía Nga có vẻ không chấp nhận cách xử lý vấn đề theo kiểu hòa hoãn hay nhượng bộ.
Ngày 18.12 tờ Russia Today dẫn bài phỏng vấn chuyên viên đối ngoại Nebojsa Malic, trong đó cho rằng dù là Cuba hay Nga, cái người Mỹ hướng tới vẫn là một sự thay đổi chế độ. Điều này hợp với các cáo buộc hồi giữa tháng của điện Kremlin khi họ nói Tổng thống Mỹ Obama muốn “hạ bệ ông Putin”.
Hồi tháng 7, The Guardian dẫn tin Nga đã lặng lẽ thỏa thuận với Cuba để mở lại các căn cứ quân sự Lourdes, một cơ sở điệp viên từ thời Xô Viết và cơ sở quân sự đó là cơ sở nước ngoài lớn nhất của Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
Vào tháng 8, ông Putin đã đến thăm Cuba, nơi ông được cho đã giảm tới 90% các khoản nợ chưa thanh toán của Cuba từ thời Liên Xô, tổng cộng 32 tỉ USD.
Ông cũng đã ký kết thỏa thuận công nghiệp, năng lượng và thương mại với Cuba trong đó bao gồm việc tìm kiếm dầu trong vùng biển Cuba.
Nói cách khác, Nga đã đi trước Mỹ một bước, và xem Cuba là địa bàn chiến lược mới cho mối quan hệ không tốt với Mỹ. Và chuyện nhượng bộ xung quanh vấn đề Ukraine, xem ra tùy thuộc vào sự tự tin của ông Putin.