Cuộc gặp được coi là nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn khủng hoảng Ukraine trước trưng cầu dân ý Crimea
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đang có cuộc đàm phán với người tương nhiệm phía Nga, Sergei Lavrov nhằm cố gắng giải tỏa căng thẳng Ukraine ở London trước khi cuộc trưng cầu dân ý Crimea diễn ra.
Ông Kerry sẽ đưa ra cảnh báo tới ông Lavrov rằng can thiệp quân sự của Nga và cuộc trưng cầu dân ý sẽ khiến Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu (EU) áp dụng cấm vận.
Ngoại trưởng Mỹ trước đó đã nói sẽ áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt nếu Nga sát nhập vùng Crimea.
Nga vẫn khẳng định trước Liên Hiệp Quốc (UN) hôm thứ Năm 13/03 rằng nước này “không muốn chiến tranh” với Ukraine.
Trong một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an, đại sứ Nga tại UN, ông Vitaly Churkin bênh vực quyền của Crimea – khu vực đa số người dân có gốc Nga – trong việc quyết định có sát nhập với Nga hay không.
Phóng viên BBC nhận định, mặc dù ông Kerry có thể cho rằng cuộc trưng cầu dân ý có lẽ không thể dừng lại được nữa, ông nhấn mạnh điều quan trọng là Nga sẽ hành động ra sao sau kết quả bỏ phiếu – và vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine không thể bị vi phạm vĩnh viễn.
Cuộc đàm phán là cơ hội cuối cùng cho đối thoại trực tiếp cấp cao trước khi trưng cầu dân ý Crimea diễn ra, phóng viên BBC nói, và có thể sẽ quyết định xem bước tiếp theo là gì, liệu nó có giúp Ukraine tránh được hay lấn sâu hơn vào cuộc khủng hoảng nguy hiểm.
Nga tiến hành can thiệp quân sự sau khi Tổng thống Ukraine thân Moscow Viktor Yanukovych bị lật đổ hôm 22/02.
‘Chiến tranh lạnh’
Phóng viên Ngoại giao của BBC, James Robbins cho rằng London nay trở thành diễn đàn cho sự trở lại của căng thẳng chiến tranh lạnh.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ và Nga sẽ gặp nhau tại phủ đại sứ Mỹ ở trung tâm London.
Phóng viên của BBC nói hai phía có quan điểm rất khác nhau về diễn biến Ukraine.
Ông Kerry sẽ cố gắng thuyết phục Nga rằng nước này phải trả giá nặng nề do các biện pháp của châu Âu và Hoa Kỳ đối với cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.
“Nếu không có dấu hiệu nào cho thấy vấn đề này có tiến triển và được giải quyết, một loạt biện pháp rất nghiêm ngặt sẽ được thực hiện vào thứ Hai 17/03 ở châu Âu và ở đây [Washington],” ông Kerry nói trước khi tới London vào thứ Sáu 14/03.
Ông Kerry nói trước các nhà lập pháp trước khi bay sang London rằng Hoa Kỳ không hề muốn áp dụng thêm cấm vận lên Nga.
“Chúng tôi không muốn bị đặt vào tình thế phải quyết định như vậy. Lựa chọn của chúng tôi là tôn trọng chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”
Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho biết ông đã nói chuyện qua điện thoại với ông Lavrov trước cuộc gặp hôm thứ Sáu, và hai bên cũng liên hệ gần như hàng ngày trong hai tuần qua.
Ông Kerry có ý nói rằng có khả năng xảy ra thỏa hiệp nếu quốc hội Ukraine cho Crimea có quyền tự quyết tương lai độc lập của bán đảo dựa trên trưng cầu dân ý – tương tự như cuộc bỏ phiếu vào tháng Chín tới của Scotland, sau 300 năm sát nhập với Anh.
“Hiến pháp Ukraine quy định, mọi nỗ lực ly khai khỏi Ukraine phải được thực hiện theo quá trình lập hiến,” ông Kerry nói.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ cho rằng hiện nay Nga “không có những điều kiện… cần thiết để đưa quân vào chiếm Ukriane”, mặc dù ông cũng thừa nhận điều này có thể thay đổi trong tương lai.
Nhưng phóng viên BBC nhận định rằng các dấu hiệu không được thuận lợi lắm cho cuộc đàm phán vào thứ Sáu, do cả hai phía đã va chạm trong thời gian gần đây và không tìm được đồng thuận đối với các đề nghị của Hoa Kỳ.
Nga từ chối công nhận chính quyền lâm thời của Ukraine cũng như tham gia vào nhóm liên hệ trung gian nhằm mang lại đàm phán trực tiếp giữa hai quốc gia.
‘Chia cắt đất nước’
Trong lần xuất hiện ở UN hôm thứ Năm, ông Churkin nói chính Kiev “chia cắt đất nước làm hai phần”, không phải Moscow.
Cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea, ông nói, xảy ra do “sức hút pháp lý” trong đất nước này, và đặt ra câu hỏi vì sao người dân Crimea không thể “có cơ hội” tự quyết tương lai của chính họ.
Thủ tướng lâm thời Ukraine, Arseniy Yatsenyuk nói với Hội đồng Bảo an rằng Ukraine là nạn nhân bị Nga xâm lược, và đưa ra bản sao Hiến chương Liên Hiệp Quốc nhằm chứng minh luận điểm Moscow vi phạm bản hiến chương và một số hiệp ước quốc tế khác.
Phóng viên Nick Bryant của BBC từ New York nói rằng một nghị quyết của Hoa Kỳ đang được lưu hành nói rằng cuộc trưng cầu dân ý ở Crimea không có giá trị.
Nick Bryant nói Hoa Kỳ biết Nga sẽ thi hành quyền phủ quyết nhưng hy vọng rằng Trung Quốc sẽ không chặn văn bản này lại, để nhấn mạnh cô lập ngoại giao Nga.