‘Các em trẻ nếu có khả năng đi học thì hãy theo con đường đại học, tốt nghiệp ra làm việc có tương lai hơn. Nghề nail mục đích tốt, nhanh lẹ kiếm tiền, nhưng chỉ tới đó mà thôi.’

Chúng ta đang nghe ca khúc nói về nghề làm móng của người Việt tại Mỹ, nhan đề Nail Nail Nail, nhạc và lời của Phạm Hoàng Dũng, do Vân Sơn trình bày.

Ai đó đã nói rằng người Việt đã thống lĩnh nghề nail tại Mỹ. Thật không sai. Trong khi người Hàn Quốc trên đất Mỹ thành công trong ngành giặt ủi hay kinh doanh siêu thị, cộng đồng người Hoa được nhiều người biết đến về tiệm ăn hay nhà hàng, thì người Việt nổi tiếng với nghề nail. Hầu hết các tiệm làm móng tay-móng chân ở đây đều có chủ nhân hay nhân viên là người Việt. Trong đội ngũ này có không ít người trẻ.

Tại sao các bạn trẻ chọn nghề nail? Những vui buồn trong nghề ra sao? Những thuận lợi và khó khăn như thế nào? Mời quý vị nghe tâm tình của 4 người trẻ bao gồm cả nhân viên và chủ tiệm nail đã hành nghề trong lĩnh vực này nhiều năm nay.

Hải Đăng: Em là Hải Đăng ở California, 27 tuổi.

Vi Khanh: Em là Vi Khanh, ở California, 28 tuổi.
Ngọc Thu: Mình là Ngọc Thu Lê, ở Riverside, California.

Kiệt: Kiệt ở Fresno, Cali, năm nay 35 tuổi.

Trà Mi: Cơ duyên nào đưa đẩy các anh chị đến với nghề nail? Chị Thu dày dặn nhất trong nghề, chị có thể cho thính giả và độc giả của đài VOA biết được không?

Ngọc Thu: Kinh tế, đời sống gia đình đưa đẩy mình phải chọn nghề này vì làm ra tiền nhanh mà không đòi hỏi nhiều ở khả năng.

Vi Khanh: Em qua Mỹ 8 năm trước, thấy nghề nail dễ, thời gian học ít, mà cũng kiếm tiền dễ cho nên làm tới bây giờ luôn.

Kiệt: Là đàn ông mình không nghĩ tới nghề này, nhưng khi đang học đại học thấy bạn bè làm nghề này khá hơn đi làm hãng xưởng. Cho nên mình chọn nghề này.

Hải Đăng: Chị mình có tiệm. Lúc mình đang đi học đại học, mình cũng đến phụ giúp chị quản lý tiệm. Mình thấy làm có tiền nên cũng ham. Hiện giờ mình cũng đã mở tiệm riêng.

Trà Mi: Các anh chị đều có một nguyên do tương tự là vì nghề này nhanh, nhẹ, dễ kiếm tiền, nên đã đến với nó như một cơ duyên đưa đẩy. Trước đây ở Việt Nam, có bao giờ các anh chị viễn kiến trước là qua đây mình sẽ theo nghề này không?

Ngọc Thu: Mình không có dự tính gì hết vì trước đó không biết nghề này bên Mỹ như thế nào. Qua đây, đời sống đưa đẩy mình tới với nó, và mình cũng không nghĩ là dính trong nghề này lâu tới như vậy.

Kiệt: Là đàn ông, thật sự qua tới Mỹ mới biết rằng đàn ông cũng làm nghề này. Trước đó, tư tưởng mình khác. Nhưng nhờ nghề này mà mình học xong đại học, ra đi làm một thời gian rồi cũng vướng lại nghề này, rồi đi mở tiệm. Bởi vì thật sự nó tương đối dễ dàng hơn là những cái nghề khác.

Trà Mi: Như vậy mới thấy sức thu hút của nghề này đối với người Việt ở đây mãnh liệt như thế nào…

Kiệt: Hồi xưa thôi (cười).

Trà Mi: Những tiêu chuẩn của nghề này như thế nào? Để trở thành một người thợ nail, theo được với nghề, cần bước qua những giai đoạn nào?

Hải Đăng: Khi vào nghề không dễ như mình tưởng. Thứ nhất là kinh nghiệm của em khi làm thợ. Còn khi ra mở tiệm còn khó khăn hơn làm thợ nhiều. Cái khó của người thợ là sự cạnh tranh trong nghề. Còn cái khó của người chủ tiệm là phải cố gắng vượt qua những sự khó khăn về kinh tế trong kinh doanh.

Ngọc Thu: Kinh tế thay đổi, trào lưu dòng nail cũng thay đổi theo. Ngày xưa làm nail vất vả và bon chen lắm, và nghề nail có giai tầng thấp lắm. Nhưng khoảng 7-8 năm gần đây, nghề này được đưa lên một trình độ mới, khá hơn, không bị coi thấp, coi thường như ngày xưa. Bây giờ mỗi tiệm của mình khoảng ba mươi mấy thợ.

Trà Mi: Vào nghề này cần phải qua những giai đoạn nào, thưa anh Kiệt?

Kiệt: Phải đi học trước. Ở Cali họ yêu cầu 400 giờ học, rồi thi. Có bằng có thể đi làm. Tùy khả năng làm việc như thế nào thì kiếm được tiền như thế đó.

Trà Mi: 400 giờ đó học trong bao lâu?

Kiệt: Từ 3-6 tháng, tùy mỗi người.

Trà Mi: Từ khi có bằng đến khi chính thức vào nghề có khó khăn không? Kiếm việc có dễ không?

Kiệt: Tùy theo làm tay-chân nước hay làm bột. Làm tay-chân nước thì không cần kinh nghiệm nhiều, có bằng có thể làm được ngay. Còn làm bột thì phải trải qua một thời gian ngắn nữa. Nhiều người chỉ 1 tháng đã bắt đầu làm được, làm đẹp, và có khách. Nhưng nhiều người phải từ 6 tháng đến 1 năm.

Trà Mi: Về tính dễ làm ra tiền của nghề này, xin được hỏi một câu tế nhị. Mức lương trung bình của một người rành nghề một tháng là bao nhiêu?

Ngọc Thu: Trung bình một tuần 500 đô la, tiền tip khoảng 70-80 đô. Kinh tế hiện giờ, người mới ra nghề kiếm khoảng 350 đô/tuần.

Kiệt: Bảy, tám năm trước thì khác, bây giờ khác. Sau này, người Việt qua càng nhiều, càng đông thợ, càng nhiều tiệm, nên giá cả xuống chút đỉnh. Lương không được như ngày xưa nữa. Ngày xưa có thể làm giàu bằng nghề này. Còn bây giờ, nếu làm thợ cũng chỉ đủ sống qua ngày thôi (cười). Còn làm chủ thì mỗi người có cơ duyên riêng.

Trà Mi: Các anh chị nói “qua ngày”, nhưng Trà Mi nghe người ta nói rằng “làm nail không sợ nghèo” đó nha.

Kiệt, Thu, Khanh, Đăng: Cái đó là 10 năm về trước, hồi xưa thôi chị ơi (cười).

Trà Mi: Bây giờ thì cũng đâu thấy ai nghèo vì nghề nail đâu ạ? Chưa mấy ai bỏ nghề nail theo nghề khác phải không?

Kiệt: Nói nghèo thì không nghèo, nhưng không dám xưng là giàu được nữa.

Trà Mi: Không giàu bằng hồi xưa. Hiện giá một bộ móng tay khoảng bao nhiêu?

Vy Khanh: Tùy theo khu. Khu sang làm có giá hơn. Còn khu thường thì từ 20-25 đô la.

Ngọc Thu: Đó là chỉ làm bột thôi, nếu sơn nước lên thì trung bình 30 đô/bộ.

Trà Mi: Như vậy cũng đủ thấy là làm một bộ móng tay ở đây đâu phải rẻ, phải không ạ?

Hải Đăng: Dạ đúng rồi.

Trà Mi: Ở Mỹ rất nhiều ngành nghề, lĩnh vực, nhưng người Việt mình hầu như chiếm lĩnh, thống lĩnh luôn nghề nail. Vì sao người Việt có thể chiếm được vị trí ưu thế trong nghề này như vậy?

Ngọc Thu: Thứ nhất, người Việt mình cần cù làm việc, kiên nhẫn, và chịu khó, quyết tâm đi làm kiếm tiền nuôi gia đình. Nghề nail này không đòi hỏi khả năng Anh văn, vốn liếng bỏ ra, và thời gian đi học. Cho nên nó rất thích hợp cho người Việt Nam mình, mọi lứa tuổi, đàn ông hay đàn bà. Ngay cả những người mới qua sau này vẫn có thể vào nghề một cách dễ dàng.

Trà Mi: Ngoài sự khéo léo, còn có đặc điểm nào khiến người Việt có tính cạnh tranh cao hơn trong nghề này?

Ngọc Thu: Giá của mình so với các salon của Mỹ thì tương đối thấp hơn nhiều và mình chịu khó chiều chuộng khách hơn. Ví dụ tiệm Mỹ tính một bộ nail 65-70 đô la, mình chỉ lấy 30 đô thôi.

Trà Mi: Tức là mình cạnh tranh về mặt giá cả lẫn sự khéo léo. Để học ra nghề, chi phí có mắc không?

Kiệt: Thời giá bây giờ chắc khoảng 600-800 đô la.

Trà Mi: Một số người cho rằng nghề nail có nhiều cái lợi, cái hại. Xin được hỏi các anh chị, những người trong nghề, về sự bất tiện hoặc tác hại của nghề nail như thế nào?

Ngọc Thu: Tác hại của nó là có nhiều người bị dị ứng vì các hóa chất, bị mũi, bị hư da, nhức đầu, nhiều nhất là bị đau vai, và đau cổ tay.

Trà Mi: Còn về sự bất tiện của nghề này, nếu có, mời chị Khanh hoặc chị Đăng chia sẻ thêm. Vào nghề này chị thấy có gì bất tiện không?

Vy Khanh: Cũng không có gì bất tiện lắm. Chỉ thấy là khi đi làm có sự cạnh tranh nên nhiều lúc mình cũng không thấy vui thôi.

Trà Mi: Nói về vui buồn trong nghề nail, các anh chị có gì chia sẻ không?

Ngọc Thu: Khi khách đông, mình mệt, nhưng vui. Còn khi không có khách, mình ngồi bỏ cả ngày thì buồn. Đó là cái chung.

Trà Mi: Rất là thực tế.

Ngọc Thu: Dạ, có ngày ngồi từ 10-11 tiếng đồng hồ mà không có khách. Có nhiều chị em không có tiền chi trả tiền giữ con trong lúc kinh tế đang xuống.

Trà Mi: Nhưng các anh chị có suy nghĩ gì về những thành kiến đối với nghề này không?

Kiệt: Ở Việt Nam mình nói về nghề nail đúng ra là “làm móng tay-móng chân”. Đúng tâm lý ngày xưa thì quả thật đây không phải là một nghề cao cấp. Đối với đàn ông mà làm nghề này thì còn thấp hơn nữa. Khi qua Mỹ thì cách nhìn của tôi mới khác. Người khách đầu tiên mà tôi phải ngồi làm móng chân, lúc đó phải đi kiếm tiền nuôi gia đình mà, thành ra mình tủi thân, còn rơi nước mắt nữa. Nhưng làm một thời gian, mấy tháng sau thì cách nghĩ mình khác. Vì mình lấy công sức mình đi làm thì tại sao mình phải mắc cỡ? Không có nghề nào bần tiện cả. Mình không ăn cắp, ăn trộm của ai thì không có gì phải mắc cỡ. Người Mỹ họ không khinh thường người làm nail. Họ gọi và so sánh người làm nail là một “professional”, tức là người có nghề chuyên môn. Cho nên mình cảm thấy mình được coi trọng.

Trà Mi: Anh đã vượt qua được mặc cảm đó. Anh đến với nghề này trước khi hay sau khi lập gia đình?

Kiệt: Trước khi lập gia đình.

Trà Mi: Con đường đi đến nghề nail có ảnh hưởng đến con đường tình cảm của anh không?

Kiệt: Thật sự thì tùy theo, người cùng nghề thì khác, rồi mỗi người có ý thức riêng.

Trà Mi: Nhưng đối với bản thân anh trong nghề này trước khi anh lập gia đình thì anh có dễ kiếm người yêu không?

Kiệt: Đúng ra ở Cali thì khác, ở tiểu bang khác thì nó khác. Bây giờ mình nói xa xa không có bà xã ở đây chứ lúc đó ở tiểu bang khác lạnh quá thì kiếm vợ đại. (cười)

Trà Mi: Nếu ngược lại thì sao? Anh có nghĩ là anh có cơ hội dễ dàng không?

Kiệt: Thật sự mình không nghĩ tới chuyện đó Trà Mi ơi.

Trà Mi: Trà Mi hỏi câu này là vì người Việt mình có ánh mắt hơi khác so với người Mỹ khi nhìn vào nghề này. Ví dụ một phụ nữ Việt nhìn người chồng hoặc người yêu của mình suốt ngày cầm tay một người khác giới chắc là cũng không mấy yên tâm, phải không ạ?

Kiệt: Lúc đầu thôi.

Trà Mi: Vừa rồi là chia sẻ của một nam giới trong nghề nail. Thế còn các chị Thu, Khanh, Đăng thì sao? Nếu có cơ hội đi lại từ đầu, các chị có quyết định đi theo nghề nail không?

Hải Đăng: Nếu trở lại từ đầu, em muốn đi học hơn.

Trà Mi: Nếu con cái các anh chị sau này muốn đi theo nghề này, thì các anh chị có ý kiến như thế nào?

Vy Khanh: Chắc sẽ không cho, để nó đi học cho có tương lai hơn.

Trà Mi: Nghề nail cũng có tương lai vậy, phải không ạ? Không thể nói nghề này không có tương lai khi nó giúp dễ kiếm tiền và có một cuộc sống ổn định, phải không?

Hải Đăng: Em chỉ nghĩ đơn giản là vì mình làm rồi mình biết mấy cái hóa chất nó không tốt.

Ngọc Thu: Xã hội bên đây có nhiều điều kiện hơn để con mình phát triển khả năng và tương lai của nó hơn. Còn nghề này rất tốt, không có gì xấu hết, nhưng nó chỉ tới mức độ là làm kiếm tiền. Nó hơn chỗ “có tiền” thôi, chứ không có gì sáng sủa hơn nữa.

Trà Mi: Khi đến với nghề nail, các anh chị mang theo cho mình những kỳ vọng gì?

Vy Khanh: Cũng không có kỳ vọng gì đâu, chỉ suy nghĩ là kiếm tiền thôi.

Trà Mi: Với những kỳ vọng ngắn hạn như vậy, vì sao các anh chị ở lại với nghề lâu như vậy?

Kiệt: Phải vỗ tay khen ngợi người Việt của mình chứ. Đúng ra nhờ nghề nail này đã nuôi sống rất nhiều gia đình ở Việt Nam. Cái đó mình cũng phải hãnh diện về mình là mình đã làm được những chuyện đó. Còn đối với con cái của mình, nó có cơ hội học hành ở đây. Ngoài chuyện kiếm tiền ra, nó còn góp sức cho xã hội nữa. Nhưng mà nghề nail của mình cũng vậy, cũng góp sức được nhiều lắm chứ, vừa về mặt xã hội và gia đình nữa. Người làm nail, thợ cũng như chủ, dễ giúp gia đình hơn.

Trà Mi: Các anh chị nói rằng nghề nail này, cơ hội của nó chỉ dừng lại ở mức là kiếm được tiền, chứ không đi xa hơn nữa. Với kỳ vọng vào nghề này để kiếm đồng tiền ổn định, vì sao, là những người trẻ, sau một thời gian kiếm được một chút tiền rồi, các anh chị không bỏ nghề để đi theo một nghề nào có sự phát triển thăng tiến hơn?

Kiệt: (cười) Nói chung mình cũng nhờ nghề này học xong đại học. Khi ra đời, tùy theo bằng bác sĩ hay kỹ sư thì khác, làm cho các hãng lớn như Boeing thì khác, những người làm lương trên 100 ngàn đô/năm thì tốt hơn nghề nail. Chứ thật sự cái bằng đại học các ngành như tài chánh hay kế toán thì đi làm tiền không bằng nghề nail.

Ngọc Thu: 75% những người làm nail không phải ai cũng có khả năng làm một việc khác như anh đã nói.

Kiệt: Đúng, mình hiểu.

Ngọc Thu: Họ không thể làm gì khác. Họ không có Anh văn, không có trình độ, không có khả năng, và không có nghề gì khác để đi ra khỏi nghề nail này để với qua một nghề khác được. Họ chỉ rất an phận để làm nghề này kiếm tiền nuôi gia đình. Người nào có cơ hội hơn hoặc có trình độ tốt hơn thì đã bỏ nghề nail rồi, nhất là những người trẻ. Họ làm để tạm thời kiếm tiền trong thời gian đi học hoặc nuôi gia đình lúc đó. Tới mức độ nào đó thì họ bỏ nghề, hoặc đi làm chủ, hoặc làm hãng khác.

Trà Mi: Lúc nãy anh Kiệt và chị Đăng có cho biết đang đi học đại học rồi theo nghề này. Nhưng sau đó, vì sao các bạn không thăng tiến tiếp trên con đường học vấn với trình độ của mình ạ?

Kiệt: Có chứ chị, nhưng mình có tiệm để gia đình coi, mình cũng có việc khác làm riêng ở ngoài.

Hải Đăng: Bản thân em, em nghĩ có thể em sẽ đổi nghề. (cười)

Trà Mi: Nghề này có nhiều vui-buồn, có vị ngọt, vị đắng, nhưng niềm an ủi là nó cho mình một mức thu nhập ổn định để có thể tính toán những chuyện khác cho tương lai sau này. Đó cũng là một trong những lý do mà những người trẻ Việt Nam ở Mỹ chọn và đi theo nghề nail. Trước khi kết thúc chương trình, là những người trẻ theo nghề nail mà người Việt thống lĩnh thị trường ở Mỹ, các anh chị có tâm tình hay trăn trở gì muốn chia sẻ không?

Ngọc Thu: Khoảng 10 năm gần đây, cách làm việc của người Việt mình đã đưa trình độ tiệm nail lên một mức mới, không còn bị nhìn thấp. Người ta quý nó hơn chút xíu. Mình khuyên các bạn trong nghề hãy yêu nghề, vì dù sao nó cũng giúp được gia đình rất nhiều. Nhưng các em trẻ nếu có khả năng đi học thì hãy theo con đường đại học, tốt nghiệp ra làm việc có tương lai hơn. Nghề nail mục đích tốt, nhanh lẹ kiếm tiền, nhưng chỉ tới đó mà thôi.

Kiệt: Nghề này tốt cho những người trẻ mới qua muốn vừa kiếm tiền vừa đi học.

Trà Mi: Thay mặt các thính giả và độc giả của chương trình Tạp chí thanh niên của đài VOA, Trà Mi xin cảm ơn các anh chị rất nhiều đã dành thời gian và những chia sẻ rất chân tình trong cuộc nói chuyện hôm nay.

Tạp chí Thanh Niên và Trà Mi xin chào tạm biệt và hẹn tái ngộ quý vị trong chương trình 10 giờ tối thứ ba hằng tuần của đài VOA.

 Nguồn: http://www.voatiengviet.com

VuNguyen

Vu Nguyen

VuNguyen

Posted by VuNguyen

: