Các lực lượng thân Nga đánh một người lính Ukraine ở Crimea
Tư lệnh Nato ở châu Âu đã cảnh báo về việc Nga tập trung lực lượng tại biên giới với Ukraine.
Tướng Philip Breedlove, tư lệnh tối cao đồng minh, nói Nato đặc biệt quan ngại về mối đe dọa đối với vùng Trans-Dniester của Moldova.
Nga thì nói quân đội của họ ở Đông Ukraine là ‘tuân theo các thỏa thuận quốc tế’.
‘Hùng hậu và sẵn sàng’
Phát biểu tại một sự kiện ở Brussels, Tướng Breedlove mô tả lực lượng Nga ở biên giới với Ukraine là ‘rất, rất hùng hậu và rất sẵn sàng’.
“Lực lượng đóng ở biên giới phía đông Ukraine này hoàn toàn đủ để triển khai đến vùng Trans-Dniester nếu quyết định được đưa ra, và đây là điều hết sức đáng lo,” ông nói.
“Nga đang hành động giống như là kẻ địch hơn là bạn hữu.”
Trans-Dniester là một dải đất hẹp nằm giữa sông Dniester và biên giới tây nam Ukraine. Vùng đất này đã tuyên bố độc lập khỏi Moldova hồi năm 1990.
Cộng đồng quốc tế không công nhận quy chế độc lập của vùng đất này.
“Nga đang hành động giống như là kẻ địch hơn là bạn hữu.”
Tướng Philip Breedlove, tư lệnh tối cao đồng minh Nato ở châu Âu
Vào lúc Crimea bị sáp nhật, chính quyền Trans-Dniester cũng đã yêu cầu được gia nhập vào Liên bang Nga.
Trong lúc này, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Deshchytsia đã cảnh báo nguy cơ chiến tranh với Nga đang gia tăng.
“Vấn đề với Tổng thống Nga Vladimir Putin là ông ấy không muốn nói chuyện không chỉ với Chính phủ Ukraine mà còn cả các nhà lãnh đạo phương Tây,” ông Deshchytsia nói với BBC.
“Và đây thật sự là mối nguy hiểm trong tiến trình ra quyết định. Chúng tôi chỉ có thể nghĩ là ông ấy có thể xâm lược.”
Trong lúc này, một vài khu vực của Crimea đã bị mất điện mà lý do được cho là trục trặc kỹ thuật ở một đường tải điện từ đại lục ra bán đảo nằm trên Biển Đen này.
Công ty Krymenergo, nhà cung cấp điện cho Crimea, thông báo trên trang mạng của họ rằng họ phải cắt điện một phần sau khi một đường dây do công ty điện lực quốc gia Ukraine quản lý bị trục trặc kỹ thuật và cần được sửa chữa.
Phần lớn lượng điện tiêu thụ ở Crimea, cùng với nước sạch và thực phẩm, được cung cấp từ đất liền Ukraine.
‘Không bành trướng’
Ở Washington, ông Tony Blinken, một quan chức an ninh, nói với Đài CNN rằng Mỹ đang xem xét tất cả các yêu cầu giúp đỡ từ phía Ukraine.
Tuy nhiên ông cũng bày tỏ thận trọng rằng ngay cả khi Mỹ giúp đỡ thì cũng rất khó có khả năng thay đổi tính toán của người Nga cũng như ngăn chặn được bất kỳ hành động xâm lược nào.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã loại trừ khả năng đưa quân đến Ukraine.
Trong một diễn biến khác, cờ Nga đã được treo trên 189 đơn vị và cơ sở quân sự của Ukraine ở Crimea, hãng tin Nga Interfax tường thuật.
Đại sứ của Moscow ở Liên minh châu Âu nói với BBC rằng ‘sự thống nhất’ này không hề được định trước mà chỉ là kết thúc một ‘sự bất thường’ vốn đã kéo dài 60 năm qua.
“Mục đích của Putin không phải là Crimea mà là toàn bộ Ukraine. Quân đội của ông ấy tập hợp ở biên giới và ông ấy sẵn sàng phát lệnh tấn công bất cứ lúc nào.”
Andriy Parubiy, người đứng đầu bộ máy an ninh Ukraine
Ông Vladimir Chizhov nói Moscow ‘không hề có quan điểm bành trướng’ và rằng ‘không ai phải sợ Nga cả’.
Tuy nhiên, ông Andriy Parubiy, người đứng đầu bộ máy an ninh Ukraine, phát biểu trước một cuộc tập hợp ở Kiev: “ Mục đích của Putin không phải là Crimea mà là toàn bộ Ukraine. Quân đội của ông ấy tập hợp ở biên giới và ông ấy sẵn sàng phát lệnh tấn công bất cứ lúc nào.”
Các phóng viên cho biết quân đội Nga dường như đang tăng cường nỗ lực để kiểm soát hoàn toàn Crimea về mặt quân sự.
Phóng viên BBC Ian Pannell ở Belbek cho biết quân lính Ukraine còn lại ở Crimea đang cảm thấy đối diện với nguy hiểm và bị các tư lệnh của họ bỏ rơi.
Phóng viên này đã thấy quân Nga sử dụng lựu đạn gây choáng và vũ khí tự động trong một cuộc đột kích vào căn cứ không quân Belbek ở gần Sevastopol hôm 22/3.
Một phóng viên BBC khác đã chứng kiến quân Nga giành quyền kiểm soát căn cứ hải quân Novofedorivk ở miền Tây Crimea.
Binh lính Nga và các lực lượng thân Nga đã tấn công căn cứ và buộc quân đội Ukraine phải rút lui.