Chính phủ Myanmar vừa ký cái mà giới chức gọi là thỏa thuận ngừng bắn trên toàn quốc với tám nhóm sắc tộc có vũ trang.
Lễ ký tại thủ đô Nay Pyi Taw là đỉnh điểm của hai năm có các cuộc đàm phán hòa bình.
Tuy nhiên hầu hết các nhóm phiến quân hoạt động mạnh, gồm bảy trong số 15 nhóm tham gia đàm phán, đã không ký.
Myanmar, còn được gọi là Miến Điện, đã có cuộc xung đột có vũ trang với các nhóm khác nhau vốn muốn đòi quyền tự trị lớn hơn kể từ sau khi giành được độc lập từ Anh hồi 1948.
Chính phủ hy vọng là thỏa thuận được ký kết hôm thứ Năm sẽ là bước đi đầu tiên mở đường cho một thỏa thuận chính trị lâu bền.
Trong số các nhóm không ký gồm cả nhóm có vũ trang lớn nhất, Quân đội bang Wa Thống nhất (United Wa State Army – UWSA), và Tổ chức Kachin Độc lập (KIO) sở hữu Quân đội Kachin Độc lập (KIA) vốn kiểm soát những khu vực rộng lớn ở bang Kachin ở miền đông bắc và thường đụng độ với quân đội Myanmar.
Các thảo luận chính trị sẽ bắt đầu trong vòng vài tháng tới về cơ cấu một chính phủ mới, nhiều khả năng sẽ là chính phủ liên bang, phóng viên BBC nói.
Tuy nhiên hiện vẫn còn những quan ngại về việc tình trạng hòa bình đạt được với các nhóm tham gia ký kết hôm thứ Năm sẽ chỉ tồn tại ngắn hạn, nếu như quân đội Myanmar phớt lờ lệnh ngừng bắn, điều đã từng xảy ra trước đây.
Trước đó, hồi đầu tuần, toàn bộ các nhóm tham gia ký kết đã được đưa ra khỏi danh sách “các tổ chức bất hợp pháp” của chính phủ, một bước đi tiến tới việc đưa họ trở thành các nhóm chính trị chính thống.
Hội đồng Hòa bình của Đội quân Giải phóng Dân tộc Karen (KNLA), Đảng Giải phóng Arakan (ALP), Mặt trận Dân tộc Chin (CNF), Tổ chức Giải phóng Dân tộc Pa-O (PNLO), và Đội quân Nhân đức Karen Dân chủ (DKBA) đã được đưa ra khỏi danh sách hôm thứ Ba.
Hôm thứ Hai, đã có ba nhóm khác được xóa tên khỏi danh sách là Mặt trận Dân chủ Sinh viên Toàn Miến Điện (ABSDF), Hội đồng Khôi phục Bang Shan (RCSS), và Hiệp hội Dân tộc Karen (KNU) – nhóm có vũ trang lâu đời nhất ở Myanmar, vốn đã chiến đấu từ gần 70 năm qua.
Các nhà thương thuyết nói với phóng viên BBC bảy nhóm chưa ký thỏa thuận hiện cũng không còn quá nhiều khoảng cách, và họ đã đồng ý về một thỏa thuận dự thảo.
Lãnh tụ đối lập, bà Aung San Suu Kiy, người từng thúc giục các nhóm phiến quân hãy tập trung vào một thỏa thuận dài hạn thay vì ngắn hạn, đã không có mặt tại lễ ký kết.