Tổng thống Barack Obama vạch kế hoạch toàn diện nhằm “làm suy yếu và rốt cuộc tiêu diệt” IS.

obamaLập trường của Tổng thống Barack Obama theo thời gian – Đồ họa: S.D 

Trong bài phát biểu dài 15 phút về chiến lược đối phó Nhà nước Hồi giáo (IS) tại Iraq và Syria đêm 10.9 (sáng 11.9, giờ VN), Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết ông đã phê chuẩn việc mở rộng chiến dịch quân sự chống lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Trung Đông, bao gồm không kích ở Syria và triển khai thêm 475 cố vấn quân sự đến Iraq. Tuy nhiên, ông Obama cũng đồng thời trấn an người dân rằng quân đội Mỹ sẽ không tái diễn cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan.

Toàn bộ chiến lược được thiết kế nhằm làm suy yếu và tiêu diệt IS cấu thành từ 4 điểm chủ chốt: không kích có hệ thống IS ở bất kỳ nơi đâu, kể cả ở Syria; tăng cường ủng hộ các lực lượng tại chỗ đang chiến đấu với IS, ngoại trừ Tổng thống Syria Bashar al-Assad; đẩy mạnh các nỗ lực chống khủng bố nhằm chặn nguồn tài chính của IS và cuối cùng là tiếp tục hỗ trợ nhân đạo cho nạn nhân ở những khu vực bị IS chiếm đóng. “Tôi đã nói rõ chúng ta sẽ săn lùng những tên khủng bố đe dọa đất nước, bất kể nơi đâu. Nghĩa là tôi sẽ không do dự thực hiện hành động chống lại ISIL ở Syria, cũng như ở Iraq. Đây là nguyên tắc cốt lõi trong nhiệm kỳ tổng thống của tôi: nếu các người đe dọa nước Mỹ, các người sẽ không có chốn dung thân”, ông Obama phát biểu, sử dụng tên gọi trước đây của IS.

Thay đổi lập trường

Có thể nói điểm khác biệt lớn nhất trong chính sách cũ và mới của Tổng thống Obama chính là khởi động chiến dịch không kích Syria, đánh dấu sự thay đổi mạnh về lập trường về vấn đề Trung Đông. Bên cạnh đó, một điểm hết sức quan trọng trong chiến lược mới của Mỹ là làm sao lôi kéo các thế lực khu vực vào cùng chiến tuyến. Theo Reuters dẫn các nguồn phân tích, các chính quyền Sunni trong khu vực được đánh giá đóng vai trò quan trọng đối với sự trỗi dậy của IS, đặc biệt là các nền quân chủ tại Ả Rập Xê Út, Kuwait và Qatar. Đây là những nước bị tố cung cấp tài chính và vũ khí cho IS khi tổ chức này vẫn còn thiếu nguồn lực. Giờ đây các quốc gia vùng Vịnh đang ngày càng lo ngại hơn về sự lớn mạnh và mức độ tàn ác của IS. Trước khi phát biểu trên truyền hình, tổng thống Mỹ đã trao đổi với những nhà lãnh đạo ở Ả Rập Xê Út và nhận được cam kết của đồng minh trong nỗ lực trang bị vũ khí, huấn luyện và cung cấp tài chính cho phe nổi dậy tại Syria.

Tuy nhiên, Tổng thống Obama nhấn mạnh chiến lược lần này khác với một cuộc chiến toàn diện ở Iraq mà ông vừa khép lại cách đây chưa đầy 3 năm. “Sẽ không có lực lượng chiến đấu được triển khai trên lãnh thổ nước ngoài”, ông Obama nói. Đồng thời, ông cũng nêu rõ sẽ không hợp tác chính quyền Syria để giải quyết cuộc khủng hoảng. Đây cũng được xem là 2 giới hạn quan trọng trong chiến lược của ông Obama. Không có sự hiện diện của quân đội Mỹ tại tiền tuyến, nỗ lực quân sự sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào các lực lượng tại Iraq và Syria. Nếu những nhóm này tiếp tục bị yếu thế trước IS bất chấp sự hỗ trợ về tài chính lẫn vũ khí từ Mỹ, ông Obama có thể phải đối mặt với áp lực phải đưa quân đến hai mặt trận này. Do vậy, vẫn còn quá sớm để nói rằng liệu chính quyền Washington sẽ giữ vững chính sách “không triển khai bộ binh” hay không.

Sau bài phát biểu của ông Obama, Chủ tịch Hạ viện John Boehner và lãnh đạo phe đa số Kevin McCarthy bày tỏ sự ủng hộ với việc cung cấp vũ khí cho các tay súng nổi dậy thân phương Tây, dù vẫn chỉ trích chiến lược mới không đủ sức trấn áp khủng bố. Chủ tịch Ủy ban An ninh nội địa Hạ viện Michael McCaul nhận xét bài phát biểu đánh dấu sự chuyển biến đối với ông Obama: “Tối nay, dường như ngài tổng thống cuối cùng đã đối mặt với thực tế”. Tựu trung, quan điểm của phe Cộng hòa là chiến lược được vạch ra quá trễ và không đi sâu đến mức có thể ngăn chặn được nguy cơ khủng bố của các lực lượng Hồi giáo cực đoan.

Phản ứng qu­­ốc tế

Phản ứng trước động thái của Mỹ, Bộ Ngoại giao Nga hôm qua tuyên bố mọi cuộc không kích chống lại IS ở Syria mà không có sự chuẩn thuận của HĐBA LHQ là hành động xâm lược và vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, theo Interfax.

Còn Bộ trưởng Hòa giải dân tộc Syria Ali Haidar nói: “Mọi hành động không có sự đồng thuận của chính phủ Syria sẽ là cuộc tấn công vào Syria”. Ngược lại, phe đối lập Liên minh dân tộc ở Syria hoan nghênh kế hoạch của tổng thống Mỹ. Anh và Đức cho biết họ sẽ không tham gia không kích ở Syria.

Tính đến hôm qua, ít nhất 3 đồng minh tại châu Á – Thái Bình Dương gồm Úc, Nhật và Hàn Quốc đã lên tiếng ủng hộ Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc lảng tránh vấn đề khi được hỏi về quan điểm đối với bài phát biểu của ông Obama.

Thụy Miên

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!