Nikolai Solntsev, cha đẻ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk mới thành lập, đã chờ đợi điều này 22 năm qua. Chính phủ non nớt của ông khó mà tồn tại, nhưng nó là hiện thân của cảm giác lo lắng và tức giận từ những người nói tiếng Nga ở đông Ukraine.

Những người thuộc Mặt trận miền Đông giương cờ Nga trong tòa nhà chiếm giữ được hôm 6/4. Ảnh: News.vice

Tự nhận là một ủy viên nhân dân của Mặt trận miền đông, ông Nikolai Solntsev kể rằng mình đã phải chịu đựng một thời gian dài từ khi Liên Xô sụp đổ. Khi ấy ông là cựu thủy thủ tàu ngầm thuộc Hải quân Xô Viết. Ông phải sống ở một đất nước mà ông không coi là quê hương để có thể cống hiến với niềm tự hào.

“Liên bang Xô Viết không còn nữa, nhưng lời tuyên thệ của tôi vẫn còn. Tôi không bao giờ tuyên thệ với Ukraine”, ông Solntsev nói. Ông lý giải vì sao ông cảm thấy không kiên trung với đất nước ông đang sống, mà thực sự muốn cống hiến cho một quốc gia mới mà không ai, kể cả Nga, công nhận.

Chiến lược mơ hồ

Ngoài đời, Cộng hòa Nhân dân Donetsk, được tuyên bố thành lập đầu tuần này, chỉ là con số 0. Nó chỉ tồn tại bên trong một tòa nhà cao 11 tầng của Ukraine. Tòa công sở này do những người nói tiếng Nga ở Donetsk chiếm giữ hôm 6/4. Các nhà chức Ukraine đã cắt mất nguồn điện của tòa nhà ngay khi Cộng hòa này tuyên bố độc lập.

Cuộc đấu tranh ở Donetsk là một phần thực tế đầy sự chia rẽ của Ukraine. Sự chia rẽ đó bắt nguồn từ những khác biệt về ngôn ngữ, văn hóa, chính trị và kinh tế, đeo đẳng đất nước này từ khi tuyên bố độc lập hồi năm 1991, đến nay vẫn chưa lắng dịu.

Ông Solntsev hiểu rằng, Cộng hòa nhân dân Donetsk còn non trẻ phải đối mặt với cuộc đấu tranh đầy gian nan. Ngày 9/4, chính phủ  tạm quyền Ukraine thề sẽ chấm dứt việc chiếm giữ các tòa nhà trong vòng 48h, bằng thương lượng hoặc sử dụng vũ lực. Thậm chí các quan chức của đảng Các khu vực, đảng của tổng thống bị lật đổ Viktor Yanukovych, cũng lên án việc chiếm giữ dinh cơ của chính quyền và kêu gọi người biểu tình chấp nhận Donetsk là một phần của Ukraine.

Nhóm những người thân Nga ủng hộ một nước Cộng hòa Nhân dân Donetsk lại không nhất trí về mục tiêu cuối cùng của họ. Họ vẫn chưa quyết định có dấn lên gia nhập Nga, ;lập một quốc gia mới, hay đơn giản hơn là đòi nhiều quyền tự trị và vẫn duy trì là một phần của Ukraine.

Cộng hòa nhân dân có hội đồng điều hành 12 thành viên, thường họp ở tầng 11 của tòa nhà, ông Solntsev cho biết. Trước đó căn phòng thuộc về tỉnh trưởng Donetsk Sergei A. Taruta do Kiev chỉ định. Ông Taruta là một tỷ phú ngành đường sắt, hiện đang làm việc tại một khách sạn của địa phương.

Với tòa nhà bị cắt điện, thang máy cũng không hoạt động, ông Solntsev bệ vệ  và hai người thân tín, là các bộ trưởng mới được bổ nhiệm, một phụ trách các vấn đề đối ngoại và một phụ trách an ninh, phải leo lên cầu thang, đi qua các vệ sĩ che mặt được trang bị roi kim loại và dùi cui gỗ.

d-3684-1397210641.jpg
Cờ của Cộng hòa Nhân dân Donetsk treo bên trong phòng họp tòa nhà mới chiếm được. Ảnh: New York Times

Ông Solntsev rất coi trọng những biểu tượng của một quốc gia như lãnh thổ, luật pháp và các cơ quan giúp vận hành, là ý tưởng về một quốc gia “lên tiếng vì người dân”. Với Donetsk, điều này có nghĩa là quốc gia vì những người nói tiếng Nga, những người mà ông Solntsev cảm thấy Ukraine không cần đến kể từ khi những người nói tiếng Ukraine ở miền tây chi phối quyền lực sau khi Yanukovych bị lật đổ hồi tháng 2.

Ai muốn độc lập

Theo một cuộc khảo sát do Nghiên cứu xã hội và Phân tích Chính trị Donetsk công bố hôm 9/4, chỉ có gần 5% người dân muốn một Donetsk độc lập, hơn 1/3 tự nhận mình là công dân Ukraine. Còn lại 2/3 muốn mình là người Ukraine nói tiếng Nga hoặc cư dân của lưu vực Donetsk.

Igor Koval, quyền chủ tịch của hội đồng khu vực Donetsk, phàn nàn những người biểu tình chiếm giữ tòa nhà hành chính khiến ông không thể làm bất cứ việc gì vì họ sẽ đưa ông vào phòng hội đồng ở tầng 10. “Họ nên rời đi”. Ông Kova cũng nói thêm rằng ông hiểu và chia sẻ tâm tư của những người biểu tình bị chính phủ tạm quyền đối xử như những công dân hạng hai, mà không lắng nghe hoặc hiểu những vấn đề của miền đông.

Cuối tháng 2 vừa qua, Quốc hội Ukraine bỏ một bộ luật cho phép dùng tiếng Nga trong các trường học, tòa án và những nơi khác ở nhiều khu vực đang sử dụng rộng rãi.

Một vài cư dân Donetsk có thể nêu lên một số ví dụ về cuộc sống trở nên tồi tệ hơn do thay đổi quyền lực ở Kiev, nhưng một cuộc thăm dò dư luận cho thấy các khu vực miền đông có quan điểm không rõ ràng về trật tự mới của Ukraine. Một cuộc thăm dò do Viện Cộng hòa quốc tế thực hiện cho thấy hơn 70% người ở miền đông nói tiếng Nga nghĩ rằng đất nước sẽ đi sai đường, trong khi chỉ có 36% người nói tiếng Ukraine ở miền tây đồng tình.

Cả miền đông và tây Ukraine đều có lựa chọn riêng về tương lai của mình. Có 90% người được thăm dò ở miền tây muốn Ukraine gia nhập liên minh kinh tế với châu Âu, trong khi gần 60% người miền đông lại muốn Ukraine tham gia liên minh thuế quan do Nga chi phối.

Ông Solntsev nói Cộng hòa nhân dân Donetsk chưa có đủ thời gian để vạch ra chính sách kinh tế riêng nhưng sẽ tập trung vào “ủng hộ tầng lớp lao động, chứ không phải giai cấp tư sản”.

Việc thiếu một chính sách chắc chắn có nghĩa là trong khi ông Solntsev và cộng sự của mình có thể bắt chước chiến thuật của những người biểu tình ủng hộ EU ở Kiev là dựng rào chắn, phá vỉa hè và thiết lập các đơn vị tự vệ, họ cũng không tập hợp được sự ủng hộ của công chúng rộng rãi, đặc biệt từ các thành phần trung lưu.

Dmitri Zhukov, chủ một nhà hàng gần tòa nhà chính quyền bị chiếm giữ, theo dõi một nhóm thanh niên dùng dùi cui tham gia việc chiếm giữ. “Làm sao chúng tôi ủng hộ những người này được chứ, họ nghĩ Putin sẽ đến và đưa tiền cho họ chắc? Họ cần phải dừng say xỉn và bắt tay vào làm việc thôi”.

VuNguyen

Vu Nguyen

VuNguyen

Posted by VuNguyen

: