Có mà không! Không mà Có!” – “Ủa, sao dấm dớ hội tề thế, anh?”

Vâng, trên nguyên tắc Labor Day/ Ngày Lao Động –  là một “free day” của Hoa Kỳ, nghĩa là một ngày quốc lễ, mọi người đều được nghỉ làm, nghỉ học… nhưng trong thực tế, chỉ công chức và các nhân viên của các cơ quan, tư sở lớn mới được hưởng quyền lợi này, còn phần đông cư dân, cỡ “thường thường bậc trung” hay thuộc loại “cò con” như kẻ hèn này thì vẫn phải “lao động là vinh quang, lang thang thì… mất job!”.

Không chỉ Hoa Kỳ mà Tây phương cũng như hầu hết những quốc gia khác trên thế giới đều dành một ngày trong năm để đề cao ý nghĩa và tôn vinh giá trị của sự lao động về thể lý lẫn tinh thần. Ở Hoa Kỳ, Labor Day được ấn định vào ngày thứ Hai đầu tiên của tháng Chín hàng năm; trong khi Tây phương và các nước khác lấy ngày 1 tháng 5 và gọi ngày này là Ngày Lao Động Quốc Tế.

Khác thêm một chút nữa so với Hoa Kỳ, ở Âu Châu Ngày Lao Động, năm nào cũng thường được tổ chức rất lớn; toàn bộ công, tư chức đều được nghỉ làm và đại đa phần sinh hoạt khác, kể cả việc buôn bán cũng đóng cửa. Dân chúng, đặc biệt giới công nhân ở các thành phố lớn đều tham dự các cuộc biểu tình, diễn hành trong bầu không khí nhộn nhịp và hết sức vui tươi của tháng 5 và trong ánh nắng ấm áp của đầu mùa Xuân. Quả đúng là một ngày quốc lễ được đồng loạt liên hoan ở các nước Âu châu.

Nhiều người vẫn lầm khi tưởng là Ngày Lao Động Quốc Tế phát xuất từ chủ nghĩa Cộng Sản – và càng lầm hơn khi cho rằng Hoa Kỳ vì lý do “chống cộng” nên đã chọn một ngày khác làm Labor Day, chứ không thèm… ngày 1 tháng 5. Thật sự thì khi nhắc tới Labor Day ở Hoa Kỳ thì đồng thời cũng không thể không nói về Ngày 1 Tháng 5 ở Âu châu – hay ngược lại, khi kỷ niệm Ngày 1 Tháng 5 thì cũng cùng lúc cũng nhớ về Labor Day, bởi vì hai sự kiện lịch sử này có những liên hệ với nhau.

image

Nhưng chính yếu thì lịch sử kỷ niệm Ngày 1 Tháng 5 gắn liền với chiến dịch của giới công nhân đòi hỏi “làm việc 8 tiếng trong một ngày”. Theo cổ truyền, sự đòi hỏi vừa kể thật sự đã được đề xướng từ thời trung cổ; tuy nhiên mãi tới năm 1866 sự đòi hỏi ấy mới được quốc tế hóa, nghĩa là chính thức được nêu lên lần thứ nhất ở Hội Nghị Lao Động tại Genève. Dĩ nhiên khởi đầu, đó chỉ là ước mơ của giới thợ thuyền thời đó vốn vẫn bị bóc lột tột cùng sức lao động; nhưng ngược lại, giới chủ nhân vì tư bản riêng tư của họ, lại tìm mọi lý do để từ chối hoặc dùng các quyền lực thẳng tay dẹp bỏ. Trong những giai đoạn này cũng đã xẩy ra những vụ biểu tình cho mục tiêu “ngày làm việc 8 tiếng” tại nhiều địa phương. Chẳng hạn, ở Úùc, công nhân từ năm 1856 đã đòi lấy ngày 21 tháng Tư để đánh dấu mốc thời gian cho cuộc tranh đấu, trong khi những người biểu tình ở Hoa Kỳ lại chọn ngày 1 tháng 5. Phong trào công nhân Pháp năm 1888 đã tiến thêm một bước nữa với yêu sách một văn kiện pháp lý đàng hoàng gọi là đạo luật “8 tiếng một ngày”. Chưa bao giờ công nhân trên toàn cõi Âu Châu lại đoàn kết như trong thời điểm này để nhắm vào một mục tiêu duy nhất, một điều đòi hỏi chung. Năm sau, 1889, Hội Nghị Lao Động Quốc Tế nhóm họp tại Paris, đã bỏ phiếu chấp thuận đòi hỏi ấy. Theo đó, quyết định ngày 01-05-1889 này về “một ngày làm việc 8 tiếng” là một sự biểu dương chiến thắng của thế giới vốn đã phát xuất từ hai nguồn cảm hứng và khích lệ: Điều đòi hỏi thì từ Pháp quốc – còn động lực và việc chọn ngày xuất xứ từ Hoa Kỳ.

 

Tại sao “thưở ban đầu lưu luyến ấy”, Hoa Kỳ lại chọn ngày 1 tháng 5? Theo một đề nghị của những người thành lập nghiệp đoàn lao động ở Hoa Kỳ, ngày 1 tháng 5 đã được chấp thuận làm “Ngày Biểu Tình/”Day of Demonstration”, bởi vì ngày 1 tháng 5 năm 1866 đã đánh dấu sự bắt đầu của một cuộc tổng đình công vốn đưa tới kết quả qui định một ngày làm việc 8 tiếng ở Hoa Kỳ. Chính những biến cố ấy cho tới ngày nay – mồng 1 tháng 5 hay Ngày Lao Động – vẫn được hàng năm kỷ niệm tại những quốc gia đã được kỹ nghệ hóa – rồi dần dần lan rộng gần khắp thế giới.

Khởi đầu, Ngày 1 Tháng 5 bao gồm nhiều ý nghĩa, được coi là một ngày lễ hội, một ngày của sự tranh đấu và là một biểu tượng của sự thống nhất phong trào lao động quốc tế. Vào một vài giai đoạn sau, “tranh đấu” là mục tiêu lớn lao nhất của Ngày 1 Tháng 5. Vào thời khác, ý nghĩa “lễ hội” và “biểu tượng” được xem là quan trọng hơn cả. Nói tóm lại, Ngày 1 Tháng 5 phản ảnh lịch sử của phong trào lao động nói chung.

Như trên đã trình bày, giống như những phần khác của nền văn hóa lao động, mục đích của việc kỷ niệm Ngày 1 Tháng 5 đã thay đổi với nhiều quan điểm khác nhau theo sự phát triển lịch sử. Đối với nhiều người, sự quan trọng nhất không còn là những gì họ muốn biểu dương (hay chống đối), nhưng về sau người ta qua việc tham gia ngày này là nhằm chứng tỏ mình thuộc về cộng đồng vốn được biểu tượng qua nhiều hình thức tập thể như diễn hành, hội họp, liên hoan, cùng mang cờ quạt, hiệu kỳ, biểu ngữ và vui chơi hay thưởng thức văn nghệ, ăn uống, v.v..

 

Trong khi đó ở Hoa Kỳ, Ngày Lao Động/Labor Day đầu tiên “chào đời” nhân cuộc diễn hành ngày 05-09-1882 tại New York City do nhóm “Knights of Labor” (= Các Hiệp Sĩ Lao Động) tổ chức. Nhóm này từ năm 1887 đã chuyển hướng, chú tâm vào việc yêu sách lấy Thứ Hai đầu tiên của tháng Chín làm Labor Day. Sở dĩ họ không còn muốn nhận ngày 1 tháng 5 làm “Ngày Lao Động” nữa – cho dù đó là “con đẻ” của họ – nhằm để tách biệt khỏi các năng lực cấp tiến trong những phong trào lao động ở Âu Châu.

Tưởng cũng cần nhắc lại rằng tổ chức The Noble Order of the Knights of Labor đã được thành lập vào ngày 24-11-1869 ở Philadelphia, Hoa Kỳ do một người thợ may tên U.S. Stevens. Lúc đầu nhóm là một “xã hội kín”, nhưng sau đại hội toàn quốc đầu tiên năm 1878 thì hội khởi sự hoạt động công khai, thu hút được nhiều người, nhất là những thành phần công nhân không chuyên nghiệp, gây được ảnh hường sâu rộng. Năm 1886, số hội viên đã lên tới hơn nửa triệu người. Một trong những chủ chương mới sau này của tổ chức là chống đình công, vì thế hội mất dần sự tín nhiệm của các nghiệp đoàn để rồi tới cuối năm 1886 gần phân nửa số hội viên rút lui đểø thành lập một tổ chức khác lấy tên là American Federation of Labor. Từ đó Knights of Labor suy yếu dần rồi tàn lụi.

Một tài liệu về “Những Ngày Lễ ở USA” của tổ chức Explorius, Hoa Kỳ đã ghi lại như sau một không những khuôn mặt lịch sử đã góp phần tạo nên Labor Day: “Ngày này được kỷ niệm mừng vào thứ Hai đầu tiên trong tháng Chín. Labor Day khởi đầu với cậu bé gốc Ái Nhĩ Lan tên là Peter McGuire, 11 tuổi, hàng ngày bán báo và đánh giầy ở thành phố New York. Cha mẹ của cậu là những di dân như bao người khác. Sau khi cha của cậu tình nguyện đầu quân để tham gia cuộc nội chiến, Peter đã phải làm nhiều việc khác nhau rất nặng nhọc trên các hè phố để tự lo cho chính bản thân và nuôi gia đình nghèo khổ của mình.

Nhiều di dân đã nhận ra nhanh chóng là quả không dễ dàng sinh sống ở đất nước mới mẻ này như họ đã tin tưởng. Công việc rất cực nhọc lại khó kiếm; đồng lương chết đói trong khi một ngày lao động lại quá dài, kéo rất nhiều giờ. Năm 1872 cậu Peter McGuire đã cùng với trên 10.000 công nhân khác đình công. Họ liều mạng đòi hỏi những ngày làm việc phải được rút ngắn giờ lại.

Hơn nữa Peter McGuire còn ý thức là các nghiệp đoàn rất cần thiết để được giới chủ nhân lắng nghe. Lúc này Peter đã trở thành một thanh niên cường tráng, lanh lợi và nhất là tốt bụng nên được mọi người chung quanh quí mến. Bởi thế anh thường đọc những bản diễn văn nhân danh những người thất nghiệp và những công nhân. Peter McGuire đặc biệt đã tranh đấu một ngày nghỉ cho những người làm việc bằng cách đề nghị chọn thứ Hai đầu tiên trong tháng Chín, giữa “Independence Day” và “Thanksgiving Day”. Ngày 5 tháng 9 năm 1882 được ghi dấu là Labor Day đầu tiên với cuộc diễn hành đông đảo và rầm rộ xuyên qua các đường phố ở New York. Những năm sau, việc kỷ niệm ngày này và hình thức liên hoan kể trên đã lan rộng từ miền duyên hải này tới các vùng duyên hải khác – và tới năm 1894 Labor Day đã chính thức được công nhận là một ngày quốc lễ của Hoa Kỳ!

VuNguyen

Vu Nguyen

VuNguyen

Posted by VuNguyen

: