150128103648_150128_kim_jong_un_north_korea_624x351_reuters

Nga cho biết lãnh đạo Bắc Hàn đã nhận lời mời tới Moscow vào tháng Năm, theo hãng tin Yonhap.

Hãng tin của Nam Hàn dẫn thư trả lời từ điện Kremlin, nhưng viết rằng họ không muốn nhắc tới tên ông Kim Jong-un.

Yonhap dẫn lời một quan chức Bộ Thống nhất nói việc nhắc tới tên lãnh đạo có thể đáng nghi, do trên danh nghĩa Kim Yong-nam là người đứng đầu nhà nước.

Kim Jong-un chưa từng có chuyến thăm nước ngoài kể từ khi lên cầm quyền vào cuối năm 2011.

Chuyến thăm đầu tiên này sẽ được theo dõi sát sao để tìm ra chỉ dấu về các chính sách và chiến lược của ông.

‘Chưa chốt danh sách’

Vị lãnh tụ quá cố của Bắc Hàn, Kim Jong-il thường sang thăm Trung Quốc hơn Nga

Hồi đầu tháng này đã có tin tức hé lộ về việc Nga có thể là nước chủ nhà trong chuyến thăm chính thức đầu tiên của ông Kim.

Ngoại trưởng Sergei Lavrov nói với phóng viên hôm 21/01 rằng Nga đã mời ông Kim tới lễ kỷ niệm 70 năm kết thúc Thế chiến II vào hôm 09/05.

Ông nói “dấu hiệu ban đầu” từ chính quyền Bắc Hàn là “tích cực”.

Hãng tin Yonhap nói hồi đáp của văn phòng Tổng thống Nga đã xác nhận lãnh đạo Bắc Hàn nằm trong số những người đứng đầu nhà nước của 20 quốc gia đã xác nhận kế hoạch tham dự.

Tuy nhiên câu trả lời không ghi rõ tên ông Kim Jong-un mà viết: “Danh sách tham dự chưa được chốt do chúng tôi đang trong quá trình tiếp tục xác nhận sự có mặt của những người được mời,” Yonhap đưa tin.

Không có thông tin chính thức từ phía Bắc Hàn. Kim Yong-nam là nhân vật có chức danh chính thức là chủ tịch Hội đồng Nhân dân Tối cao, và vẫn thường đại diện cho Bắc Hàn trong các sự kiện ở nước ngoài.

Những chuyến thăm của vị chủ tịch quá cố Kim Jong-il không bao giờ được thông báo trước.

Ông Kim Jong-il từng sang thăm Nga hồi tháng Tám 2011, không lâu trước khi qua đời. Nhưng ông thường xuyên thăm Trung Quốc hơn, mà dưới thời của ông, được coi là đồng minh thân cận nhất.

Nếu Kim Jong-un chọn thăm Moscow trước khi thăm Bắc Kinh, đây có thể được coi là quyết định đáng chú ý – và làm mất mặt ông Tập Cận Bình.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc phải chịu áp lực từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Hoa Kỳ trong việc tăng thêm áp lực lên các chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng.

Bắc Kinh đã vài lần bày tỏ giận dữ đối với người láng giềng phương Bắc qua các kênh truyền thông nhà nước.

Trung Quốc cũng ủng hộ giải pháp của Liên Hợp Quốc trong việc tăng cường cấm vận lên Bình Nhưỡng sau các vụ thử hỏa tiễn và hạt nhân năm 2013.

VuNguyen

Vu Nguyen

VuNguyen

Posted by VuNguyen

: