1

Hy Lạp không trả được khoản vay 1,6 tỷ euro từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF), vài tiếng sau khi các bộ trưởng tài chính khu vực đồng euro (Eurogroup) từ chối gia hạn chương trình cứu trợ cho nước này.

Tuy nhiên các bộ trưởng nói họ sẽ nghiên cứu đề xuất phút chót của Hy Lạp cho một chương trình cứu trợ mới.

Hy Lạp là quốc gia tiên tiến đầu tiên không trả được nợ cho IMF và nay về mặt nguyên tắc là vỡ nợ.

Hiện đang có quan ngại rằng nước này sẽ phải rời khu vực đồng euro.

IMF xác nhận Hy Lạp đã không thể trả nợ đúng hạn vào tầm 22:00 giờ GMT hôm thứ Ba.

“Chúng tôi đã thông báo với Ban Điều hành rằng Hy Lạp giờ đây đã vỡ nợ và chỉ có thể vay vốn từ IMF một khi các khoản nợ đã được hoàn trả,” phát ngôn viên của IMF Gerry Rice nói.

Ông Rice xác nhận IMF đã nhận được đề nghị gia hạn thời gian trả nợ từ phía Hy Lạp.

Hy Lạp đã không thể trả nợ cho IMF sau khi gói cứu trợ trị giá hàng tỷ euro hết hạn.

Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã đóng băng mức trần hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng của Hy Lạp.

Trong khi đó, các hãng xếp hạng tiếp tục hạ bậc tín nhiệm dài hạn của nước này.

Phân tích của Chris Morris, phóng viên BBC tại khu vực châu Âu:

Đây không phải là cách mà các hoạt động ngoại giao hay tài chính quốc tế nên được tiến hành: Một loạt các đề xuất khó hiểu đưa được ra vào phút cuối, trong bầu không khí càng lúc càng hỗn loạn.

Hy Lạp đang trong tình thế tuyệt vọng vì không có một gói cứu trợ khác.

Nếu nước này không thể trả nợ cho ECB vào ngày 20/7 thì đó sẽ là dấu chấm hết.

Hy Lạp đang sắp hết cách để giữ mình lại trong khu vực đồng euro.

Một phần của thỏa thuận mới mà Hy Lạp đề ra bao gồm việc tái cơ cấu các khoản nợ khổng lồ – tuy nhiên một số đề xuất của nước này không được các chủ nợ chấp nhận.

Điều khó hiểu hơn nữa là một số quan chức EU nói giới chức Hy Lạp đã ra dấu có thể hủy trưng cầu dân ý nếu các điều khoản cơ bản của một thỏa thuận mới được thống nhất trong vài ngày tới.

Giới hạn rút tiền tại máy ATM hiện là 60 euro/ngày

‘Xem xét’ gói cứu trợ mới

Chủ tịch Eurogroup, Bộ trưởng Tài chính Hà Lan Jeroen Dijsselbloem, trước đó nói việc gia hạn gói cứu trợ cho Hy Lạp quá ngày 30/6 là “điều điên rồ”, trong lúc Athens tiếp tục từ chối các đề xuất của châu Âu.

Phát biểu sau cuộc họp các bộ trưởng khu vực đồng euro, ông nói đề nghị của Hy Lạp về chương trình cứu trợ trị giá 29,1 tỷ euro sẽ được xem xét trong cuộc họp diễn ra vào ngày 1/7.

Đảng cánh tả Syriza của Hy Lạp, vốn thắng cử nhờ lời hứa chấm dứt các biện pháp thắt lưng buộc bụng, đã rơi vào thế đối đầu với các chủ nợ trong nhiều tháng nay do bất đồng xung quanh các điều khoản để giải ngân gói cứu trợ thứ ba.

Ủy ban châu Âu, một trong các chủ nợ của Hy Lạp, bên cạnh IMF và ECB, muốn Athens tăng thuế và cắt giảm phúc lợi xã hội để đủ khả năng trả nợ.

Hãng xếp hạng Fitch hôm 30/6 đã hạ bậc tín dụng dài hạn của Hy Lạp từ ‘CCC’ xuống ‘CC’.

Động thái trên diễn ra giữa lúc có quan ngại rằng Hy Lạp sẽ vỡ khối nợ công lên đến 323 tỷ euro.

Nhiều dòng người đang xếp hàng trước các máy ATM và trần rút tiền đang bị giới hạn ở mức 60 euro/ngày.

Các ngân hàng Hy Lạp không mở cửa trong tuần này, sau khi đàm phán giữa Hy Lạp và các chủ nợ đổ vỡ.

Tuy nhiên, khoảng 1.000 chi nhánh ngân hàng sẽ mở cửa vào ngày 1/7 để giúp những người nghỉ hưu, trong đó có nhiều người không dùng thẻ ngân hàng, rút tiền ở mức tối đa là 120 euro.

Hàng nghìn người ủng hộ châu Âu đã diễu hành trước tòa quốc hội Hy Lạp tại Athens để kêu gọi cử tri bỏ phiếu ‘Có’ trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới

Tối 30/6, hàng nghìn người biểu tình ủng hộ châu Âu đã tập trung trước tòa quốc hội Hy Lạp, bất chấp thời tiết giá rét, để kêu gọi cử tri bỏ phiếu ‘Có’ trong cuộc trưng cầu dân ý ngày 5/7.

Một cuộc diễu hành khác ủng hộ việc bỏ phiếu ‘Không’ cũng đã diễn ra hôm 29/6.

Các lãnh đạo châu Âu đã cảnh báo Hy Lạp sẽ phải rời khỏi khu vực đồng euro nếu bác bỏ đề xuất của các chủ nợ thông qua cuộc trưng cầu dân ý.

ECB được cho là đã giải ngân toàn bộ khoản cứu trợ khẩn cấp dành cho Hy Lạp, trị giá khoản 89 tỷ euro.

Các diễn biến chính những ngày qua:

Tối thứ 26/6: Thủ tướng Hy Lạp tuyên bố trưng cầu dân ý về đề xuất của các chủ nợ để giải ngân gói cứu trợ thứ ba.

Chiều 27/6: Các bộ trưởng khu vực đồng euro từ chối gia hạn gói cứu trợ hiện nay quá ngày 1/7.

Tối 27/6: Quốc hội Hy Lạp thông qua việc tổ chức trưng cầu dân ý về đề xuất của các chủ nợ vào ngày 5/7.

Chiều 28/6: ECB nói sẽ không tăng cường khoản cứu trợ khẩn cấp cho Hy Lạp.

Tối 28/6: Chính phủ Hy Lạp nói các ngân hàng sẽ đóng cửa trong tuần và quy định trần rút tiền mặt ở mức 60 euro.

Tối 29/6: Thủ tướng Hy Lạp kêu gọi người dân từ chối đề xuât của các chủ nợ và nói rằng điều này sẽ giúp chính phủ có vị thế tốt hơn trên bàn đàm phán. Ông cũng ra dấu sẽ từ chức nếu kết quả trưng cầu dân ý là ‘Có’.

Đề xuất của các chủ nợ

  • VAT: đưa ra một hệ thống với ba mức thuế từ ngày 1/7 nhằm tăng thu ngân sách lên tương đương với 1% GDP.
  • Hầu hết các hàng hóa sẽ bị đánh thuế tối đa 23%, bao gồm các dịch vụ nhà hàng và thức ăn đã qua chế biến.
  • Các mặt hàng như thực phẩm cơ bản, điện, dịch vụ khách sạn, nước sẽ được giảm thuế xuống còn 13%.
  • Các mặt hàng như dược phẩm, sách sẽ được giảm thuế xuống còn 6%.
  • Chấm dứt việc miễn hoặc giảm thuế tại các đảo nhỏ của Hy Lạp.
  • Hạn chế việc nghỉ hưu sớm
  • Tăng độ tuổi nghỉ hưu lên 67 tuổi trước năm 2022
  • Tăng đóng góp lương hưu từ 4% lên 6%.
binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: