Hợp tác giữa Cơ quan Không gian và Hàng không Hoa Kỳ, tức NASA, và Cơ quan Không gian Trung Quốc đã bị Quốc hội Mỹ nghiêm cấm hồi năm 2011.  Nhưng đang có một số dấu hiệu cho thấy tình hình này có thể thay đổi.

Tại Diễn đàn Thám Hiểm Không Gian Quốc tế tổ chức ngày 9 tháng Giêng vừa qua, Phó Ngoại trưởng Hoa Kỳ William Burns đã mời tất cả các nước tham gia công cuộc thám hiểm không gian.

Phó Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ William Burns phát biểu:

“Đã tới lúc chúng ta hãy đến với nhau để đưa công tác thám hiểm không gian vào danh sách các ưu tiên chung trên toàn cầu, hầu mở khóa những bí ẩn của vũ trụ, và đẩy nhanh các tiến bộ của con người trên trái đất này.”

Ông Hứa Đạt Triết, người đứng đầu Cơ quan Không gian của Trung Quốc, đã đến dự cuộc họp này. Báo China Daily dẫn lời ông Hứa nói rằng sự có mặt của ông tại buổi họp là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với các nước khác trong công cuộc thám hiểm không gian.

Ông Scott Pace, người đứng đầu Viện chính sách không gian và là giáo sư môn Quan hệ Quốc tế tại Đại học George Washington, nói rằng lời mời đặc biệt dành cho các quan chức Trung Quốc là một phần trong khuôn khổ các cuộc thảo luận quốc tế. Tuy nhiên, ông khuyến cáo:

“Chưa thực sự có một bước đột phá chính trị, là điều cần có để dẫn đến các hoạt động hợp tác quy mô, trực tiếp và có tính biểu tượng. Tuy nhiên, có một số cơ hội nhỏ mà tôi nghĩ chúng ta có khả năng, và có thể theo đuổi.”

Ông Pace nói trong thời kỳ chiến tranh lạnh, Hoa Kỳ đã hợp tác với Liên Xô trên một số khía cạnh của công cuộc thăm dò không gian. Ông nói:

“Đó là các lĩnh vực khoa học rất cụ thể, chẳng hạn như Khoa học địa cầu, vật lý về năng lượng mặt trời, một số dữ liệu về sinh trắc học. Tôi tin rằng một mức độ hợp tác tương tự chắc chắn có thể xảy ra với Trung Quốc ngày hôm nay, và điều đó có lẽ nên diễn ra. ”

Cũng có mặt tại cuộc họp là các quốc gia thường không liên quan tới công cuộc thăm dò không gian – như Brazil, Ả rập Xê-út và Nigeria.

Ông Pace nói nhiều quốc gia sử dụng không gian vào các mục đích thực tế, như định vị hoặc thông tin liên lạc, nhưng giờ đây các nước này nên đặt ra những mục tiêu cao hơn. Ông nói:

“Tôi nghĩ rằng mặt trăng đang xuất hiện như một mục tiêu thăm dò có tính cách đồng thuận về phương diện kỹ thuật, bởi vì nó cung cấp những cơ hội cho các quốc gia ở mọi mức độ phát triển không gian, từ lớn nhất tới khiêm tốn nhất.”

Vì trạm không gian quốc tế là một cơ sở quốc tế và thời hạn hoạt động của trạm đã được gia hạn cho tới năm 2024, Viện trưởng Viện chính sách không gian Mỹ Scott Pace nói Trung Quốc có thể được mời tham gia trong các cuộc thí nghiệm trên trạm không gian này.

Nơi kế tiếp mà người ta có thể chứng kiến việc hợp tác với Trung Quốc sẽ là trên mặt trăng, bởi vì các sứ mạng thám hiểm sao Hỏa hoặc thăm dò các tiểu hành tinh là một công trình quá khó khăn và tốn kém, ngay cả đối với Hoa Kỳ và nước Nga.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: