Nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel đã tái xác nhận rằng Hiệp định Quốc phòng Hoa Kỳ – Nhật Bản cũng áp dụng cho một nhóm các đảo bị tranh chấp bao gồm cả khu vực nằm trong kế hoạch thiết lập hệ thống phòng không của Trung Quốc.
Một phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài nói rằng, ông Hagel đã nói như vậy hôm thứ Tư với giới chức tương nhiệm của Nhật Bản, Itsunori Onodera, để thảo luận về tình hình an ninh ở biển Hoa Đông.
Phát ngôn nhân vừa kể nói rằng, bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ đã ca ngợi chính phủ Nhật Bản về việc tự kiềm chế thích đáng sau loan báo của Trung Quốc.
Các giới chức cao cấp của chính phủ Obama nói rằng, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ thảo luận về vấn đề này với các giới chức tại Trung Quốc vào tuần tới, như là một phần trong chuyến du hành ba nước vùng này, trong đó có một chặng dừng chân ở Nhật Bản.
Hôm thứ Ba, Ngũ Giác Đài loan báo họ đã gởi hai máy bay B-52 không trang bị võ khí tới gần các đảo bị tranh chấp trong thách thức trực tiếp đầu tiên trước kế hoạch thiết lập một vùng phòng không của Bắc Kinh.
Hôm thứ Tư, Bộ Quốc phòng Trung Quốc nói rằng họ đã theo dõi “toàn bộ diễn tiến của các chuyến bay này và xác định chúng kịp thời.” Bộ Quốc phòng Trung Quốc cảnh báo rằng “Trung Quốc có khả năng kiểm soát hữu hiệu” trên khu vực này.
Hôm thứ Hai, Ngũ Giác Đài nói rằng các chuyến bay vừa kể không gây ra các đáp ứng trực tiếp từ phía Bắc Kinh, mà hai ngày trước đó họ đã tuyên bố khu vực không phận của vùng phòng không mới này. Trung Quốc cảnh báo tất cả các phi cơ xác định lý lịch của họ trước khi tiến vào khu vực này và tuân hành tất cả mọi lệnh từ Bắc Kinh.
Các giới chức Hoa Kỳ mô tả các chuyến bay hôm thứ Hai là một phần của những công tác huấn luyện thường lệ hoạch định từ lâu. Nhưng, các nhà phân tích nói rằng đây là một thông điệp rõ ràng là chính phủ Washington không công nhận toan tính thiết lập việc kiểm soát trên khu vực này của Trung Quốc.
Ralph Cossa thuộc Diễn đàn Thái Bình Dương có trụ sở ở Hawaii, nói với đài VOA rằng các chuyến bay B-52 này là một đáp ứng “mau chóng và thích đáng” đối với điều mà nhiều người xem là một sự leo thang của Trung Quốc.
Trung Quốc công bố điều được gọi là Vùng Xác định Không phận Biển Đông Trung Quốc hôm thứ Bảy và đã cảnh báo là họ sẽ áp dụng các biện pháp phòng vệ khẩn cấp để thi hành tuyên bố của họ.
Nhưng không rõ Trung Quốc sẽ thi hành những luật lệ mới này tới mức độ nào.
Ông Herman Finley, phó giáo sư tại Trung tâm Châu Á Thái Bình Dương, nói với đài VOA rằng mặc dù có phần chắc là Trung Quốc sẽ không lùi bước, nhưng có lẽ họ sẽ không muốn thấy một cuộc đối đầu vào lúc này.
Một số nhà phân tích đã mô tả hành động của Trung Quốc là một sự tính toán sai lầm, và nói rằng họ có thể đã đánh giá thấp quyết tâm của Hoa Kỳ để bảo vệ quyền lợi của Nhật Bản là đồng minh của họ.
Ông Michael McKinley thuộc Trường Đại học Quốc gia Australia nói với đài VOA rằng Trung Quốc “đang thúc đẩy cơ may của họ” trên phương diện này.
Các hải đảo không có người cư ngụ có tên là Senkaku trong tiếng Nhật và Điếu Ngư trong tiếng Hoa này đã được sáp nhập vào Nhật Bản hồi thế kỷ thứ 19. Trung Quốc nhận chủ quyền về quần đảo này năm 1971. Bắc Kinh liên hệ tuyên bố đòi chủ quyền của họ với các bản đồ cổ mà họ nói là cho thấy thuộc lãnh thổ Trung Quốc từ nhiều thế kỷ.
Vụ tranh chấp này là một trong nhiều vụ tranh chấp lãnh hải gây tranh cãi của Trung Quốc chống lại các quốc gia vùng Đông Nam Á, trong đó có Philippines, Việt Nam, Brunei và Malaysia.
Bắc Kinh nói rằng họ sẵn lòng thương thảo về các tranh chấp này, nhưng cho tới nay vẫn bác bỏ yêu cầu mở các hội nghị đa phương. Trung Quốc đã mưu tìm việc thảo luận riêng rẽ với từng nước một.