Chuyên viên địa ốc Vito Dentino đang giải thích về sự có mặt của người tị nạn Romania trong thị xã của họ. (Pittsburgh Post-Gazette)

CALIFORNIA – Tiểu bang Pennsylvania có một thị xã tên California. Thị xã này đang gặp xáo trộn vì có những di dân mới đến, và vì họ rủ nhau đến quá nhiều trong một thời gian ngắn, mang theo những thói quen từ quê nhà, khiến người địa phương đã nổi nóng, mặc dù một số người cũng thông cảm với các di dân. Dưới đây là câu chuyện về các di dân từ Romania, Âu Châu được nhật báo Pittsburgh Post-Gazette tường thuật trong tuần qua.

Khoảng 40 người Romania đã dọn tới ở trong cộng đồng này trong hai tháng qua. Trong số những người ấy, phần lớn đều không nói tiếng Anh. Họ không biết phong tục tập quán Mỹ, và không quen với các quy tắc ứng xử của người địa phương.

Và họ không biết rằng sự việc họ thình lình xuất hiện đã gây khó chịu cho rất nhiều cư dân ở thị xã nhỏ bé này, nằm cách Pittsburgh 35 dặm về phía nam.

Vào đêm thứ Năm, 13 tháng 7, hơn 150 cư dân đã tụ tập tại phòng họp của hội đồng thị xã California, để bày tỏ ý kiến lo ngại về dòng người tị nạn Romania.

Ông Jeff Scales đang phát biểu trong cuộc họp chật cứng người tại hội đồng thành phố ngày thứ Năm vừa qua. (Pittsburgh Post-Gazette)

Những người Romania nói rằng họ đã đến Hoa Kỳ để thoát nạn kỳ thị ở khu vực Bucharest. Họ đã được duyệt xét bởi Cơ Quan Thực Thi Công Lực Di Trú Và Quan Thuế Hoa Kỳ (ICE) và đã được thả ra, trong chương trình Alternative to Detention (Cách Thức Thay Thế Cho Việc Giam Giữ) của chính phủ. Chương trình này theo dõi việc lánh nạn từ các quốc gia khác.

Chương trình liên bang này giúp cho những di dân tìm nhà ở tạm thời. Đây là một giải pháp thay thế đỡ tốn kém và có tính cách nhân đạo hơn, so với việc giam giữ họ.

Thế nhưng những người Romania ấy không hòa nhập tốt đẹp vào một cộng đồng nơi chưa có tới 7,000 người sinh sống. Gần như tất cả những người Romania đều thuê những căn nhà chung cư, từ ông Vito Dentino, chuyên viên địa ốc tại địa phương.

Trong cuộc họp hôm thứ Năm, các cư dân đã giận dữ khi nói rằng những người mới đến xả rác khắp nơi, đậu xe trên sân cỏ, không tuân thủ luật lệ giao thông, và gây lộn xộn trong siêu thị. Những người khác nói rằng họ đã thấy những người Romania giết gà đằng sau sân nhà, và trẻ em phóng uế ở nơi công cộng.
Bà Pam Duricic, 59 tuổi, một người cả đời cư ngụ ở California, nói, “Đây là một thị xã rất đa dạng, chúng tôi rất cởi mở, nhưng họ không hòa nhập vào luật lệ của chúng tôi. Chúng tôi hiểu rằng đây là những di dân. Nhưng đây không phải là kịch bản giống như thời ông bà của chúng tôi. Họ không đến đây để gây hư hại.”
Các nghị viên thành phố, quản trị viên thị xã và cảnh sát trưởng Richard Encapera nói rằng họ không được chính quyền báo trước rằng những di dân Romania đang đến, và đã gặp khó khăn trong việc liên lạc với nhà chức trách liên bang để xin được giúp đỡ và giải thích.

Họ cũng nói rằng không có những vụ bạo động hoặc gây hấn, và những di dân nào dính líu vào những vụ vi phạm nhỏ đều bị gọi ra tòa theo đúng luật và nộp tiền phạt.

Những người Romania đầu tiên đến đó vào giữa tháng Năm. Họ liên lạc với ông Dentino về việc thuê một số căn nhà của ông. Những người khác nhanh chóng bắt chước làm theo, rủ nhau đến thị xã này.

Ông Dentino nói, “Họ tự gọi là người gypsy. Họ quen vứt rác trên sân nhà. Nhưng tôi đã nói chuyện với họ về điều đó, và họ dọn dẹp sạch sẽ. Tôi nghĩ rằng những người xung quanh đây chỉ phản ứng quá đáng.”
Anh Ali George, 24 tuổi, người gốc Bucharest, nói rằng họ được thu hút tới California bởi chính những điều có thể thu hút bất cứ ai – một nơi thân thiện và không đắt đỏ để sinh sống. Trong nhóm họ, nhiều người không phải là thân nhân bà con. Những người khác đã quen biết nhau ở Bucharest.

Một người bạn của anh George nói, “Chúng tôi đã bỏ nước mà đi, không phải vì chúng tôi nghèo. Chúng tôi ra đi là vì nạn kỳ thị chủng tộc, và chúng tôi đang xin tị nạn chính trị.”

Những câu trả lời ấy đã gây thắc mắc thêm cho nhiều người địa phương.
Bà Janet Bateman là người sống ở California trong hơn 50 năm nay. Bà yêu cầu các nghị viên liên lạc với nhà chức trách liên bang để giải thích sự hiện diện của người Romania.

Bà nói, “Charleroi không bị nhận họ. Brownsville đã không nhận họ. Làm thế nào mà họ có mặt ở đây? Đây không phải là California nắng ấm. Đây là California ở tiểu bang Pennsylvania. Chúng tôi là một thị xã nhỏ. Làm thế nào chính phủ liên bang biết về chúng tôi? Có Pittsburgh, một thành phố lớn. Có Maryland, có Ohio, có West Virginia. Phải chăng có ai phóng một mũi phi tiêu vào một tấm bản đồ và cắm trúng California, Pennsylvania, rồi bảo họ đến đây?”

Một viên chức của ICE nói với báo Post-Gazette rằng những di dân nào được thả ra đều tự quyết định về nơi họ muốn sống.

Trong một email, viên chức ấy nói, “ICE không đặt những người tham gia ATD trong những thẩm quyền tư pháp cụ thể. Có những người tham gia chương trình ATD sống ở California. Nhưng mặc dù ICE theo dõi tất cả những người tham gia ATD, chúng tôi không thể tiết lộ những người cư ngụ ở California, Pennsylvania, là từ đâu đến. Chúng tôi cũng không thể xác nhận rằng tất cả những người ngoại quốc cư ngụ ở California, Pennsylvania, đều là những người tham gia chương trình ATD.”

Các viên chức địa phương nói rằng một số người Romania đeo các máy ở mắt cá chân để bị giám sát, nhưng những thiết bị ấy không phải là dành cho người phạm tội, theo cảnh sát thị xã cho biết.

Ông chuyên viên địa ốc Dentino và những cư dân khác nói rằng họ đã giao thiệp với một số người Romania, và thấy những người ấy dễ mến nhưng không biết về văn hóa và phong tục Mỹ. Một số người đề nghị tổ chức một nhóm gồm các giới chức thị xã và những người khác, có lẽ từ đại học California University of Pennsylvania, để bắt đầu một nỗ lực học hỏi về văn hóa Hoa Kỳ.

Đặc biệt, theo ông Dentino nói, vì có tới hơn 100 người Romania có thể dọn đến ở California trong những tháng sắp tới, và không có lý do pháp lý nào để ngăn chặn họ.

Anh Pete Ware, một sinh viên tại trường đại học ấy, nói rằng anh sẵn sàng giúp đỡ những người mới đến. Những người ủng hộ khác nói rằng những nỗi nghi ngờ của những người hàng xóm là phát sinh từ sợ hãi.
Bà Lisa Buday, 50 tuổi, nói, “Tôi không có vấn đề nào với họ. Tôi chào họ. Đây là một cộng đồng. Hãy là con người. Sự hội nhập không phải là một tiến trình nhanh chóng.”

VuNguyen

Vu Nguyen

VuNguyen

Posted by VuNguyen

: