– Như mọi kì World Cup, đội tuyển Hà Lan trước mỗi vòng chung kết luôn là ứng cử viên vô địch cho chiếc cúp vàng. Song, họ có chạm tay được vào danh hiệu cao quý ấy không lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Năm nay, những người hâm mộ Hà Lan có lẽ vẫn sẽ tiếp tục chơi một canh bạc với đội bóng “da cam”. Không đơn giản là việc đặt cược thắng thua, mà ấy là hành trình đi tìm niềm tin đã mất, đi tìm Hà Lan tổng lực của thế hệ Van Basten thuở trước!
1.Thất bại của 4 năm về trước
Trước năm 2010, điều mà người ta mường tượng về Hà Lan, ấy là một đội bóng với sắc da cam chủ đạo, chơi một thứ bóng đá hoa mĩ, 11 người trên sân bóng luôn là những nghệ sĩ đích thực, họ có thể là chuyên gia thất bại trong những loạt sút luân lưu, nhưng là những người con ưu tú của đất nước, những người cứu rỗi cho bóng đá đẹp.
Hà Lan nhận thất bại cay đắng trước Tây Ban Nha ở trận chung kết World Cup 2010. Ảnh: Internet |
Bước vào trận chung kết năm ấy, Hà Lan đã phải vượt qua rất nhiều những ứng cử viên sáng giá trong đó có Brasil hùng mạnh. Đây là trận chung kết thứ 3 trong lịch sử của Hà Lan. Hai lần trước đó họ đều nhận những thất bại cay đắng trước Tây Đức và Argentina nên lần này rõ ràng Hà Lan quyết tâm muốn phá dớp.
Tuy nhiên, cái cách họ đi đến trận chung kết và cả chiến thuật họ dùng để tiếp đón đối thủ Tây Ban Nha lại khiến nhiều người mê bóng đá Hà Lan “tổng lực” phải lắc đầu ngán ngẩm. Hà Lan của World Cup 2010, là đội bóng đá cầm chừng và vô cùng kỷ luật. Lối đá phòng thủ chặt ấy hao hao giống Catenaccio của Ý nhưng lại khác xa vô cùng bởi người Ý chỉ có những nghệ sĩ phòng thủ chứ không có những gã đồ tể như De Jong hay Van Bommel.
Người ta cho “Cơn lốc” hay “Gió độc” gì không quan trọng, cái chính là phải chiến thắng và vô địch. Hà Lan đã thoát khỏi cái bản ngã của mình để chạy theo một cái “mốt” của năm 2010 là phòng ngự phản công một cách xấu xí nhất. Đúng là họ thành công thật. Song, đến trận chung kết thì phải chịu khuất phục trước Tây Ban Nha. Có người bảo, không ai nhớ đến người về nhì, với Hà Lan, họ đổi lấy thứ bóng đá đã thành thương hiệu để mua lấy vị trí á quân như bao lần trước. Như thế liệu họ có lỗi với người hâm mộ, những người yêu bóng đá đẹp?
2.Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt!
Nhà thơ nổi tiếng Xuân Diệu đã từng viết: “Thà một huy hoàng rồi chợt tắt. Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Kì World Cup này, có lẽ cùng là kì World Cup cuối cùng của những Persie, Robben, Sneijder. Những con người ấy, còn đúng một cơ hội để tỏa sáng. Họ cũng chỉ còn đúng một cơ hội cuối để đưa viết cái tên Hà Lan vào trang vàng của lịch sử. Nhưng, thực hiện nó thế nào hãy còn là một dấu hỏi lớn.
Năm nay, nắm đội tuyển Hà Lan là ông Van Gaal – một vị chiến lược già già dặn. Đương nhiên, cả đất nước Hà Lan đặt niềm tin vào ông nhưng không biết, cái mà mọi người nhận lại sẽ là gì. Một Hà Lan tốc độ với đôi cánh của Robben, Persie? Một Hà Lan với một lối chơi tổng lực, cùng nhau tấn công, cùng nhau phòng thủ của Rinus Michels năm nào sẽ được tái hiện hay sẽ lại là một Hà Lan toan tính rồi xách vali về nước với thất bại như được báo trước?
World Cup 2014 có thể là lần cuối của Robben hay Van Persie nhưng sẽ là mở đầu của một đế chế mới nếu “cơn lốc màu da cam” lại trỗi dậy. Ảnh: Internet |
Quả là khi bóng chưa lăn, có quá nhiều kịch bản để người ta chờ đợi. Bi kịch có mà anh hùng ca cũng có. Song, mong rằng, ông Van Gaal hãy vì bóng đá đẹp, hãy vì truyền thống mấy mươi năm của đội tuyển mà tiếp tục chơi thứ bóng đá vị nghệ thuật, dẫu chỉ là mô phỏng lối đá tổng lực của ngày trước cũng được, chứ đừng chạy theo thành tích để mất tất cả.
Một thế hệ Hà Lan đã như một ngọn nến sắp tàn, ngay cả ông Van Gaal cũng chỉ còn một trận đánh này trước khi chuyển về dẫn dắt MU, thế nên, những gì tinh túy nhất của bóng đá Hà Lan, xin ông hãy thổi bùng nó dậy, bởi ông và các cầu thủ Hà Lan nợ người hâm mộ một từ “niềm tin” !