Việt Nam nói tàu Trung Quốc đã làm hư hỏng 24 tàu của Việt Nam từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 gần quần đảo Hoàng Sa.

Bộ Ngoại giao Việt Nam lại tổ chức họp báo tại Hà Nội hôm 5/6 để lên án và đòi Trung Quốc rút giàn khoan ra khỏi khu vực mà Hà Nội nói là vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Tại đây, ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh, Tham mưu trưởng Cảnh sát biển, cáo buộc tàu Trung Quốc đã làm hư hỏng 24 tàu của Việt Nam từ ngày Trung Quốc hạ đặt giàn khoan gần quần đảo Hoàng Sa.

Theo ông Thu, trong số này gồm 19 tàu kiểm ngư, 5 tàu Cảnh sát biển.

Trong khi đó, ông Trần Duy Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia, tổng kết từ đầu tháng Năm đến nay, Việt Nam “có trên 30 cuộc trao đổi” với Trung Quốc.

Việt Nam đã cho các nhà báo trong nước và nước ngoài xem đoạn video ngày 1/6 cho thấy tàu Trung Quốc đâm vào tàu 2016 của Cảnh sát biển Việt Nam.

Ông Ngô Ngọc Thu cáo buộc vụ này “cực kỳ nguy hiểm, nếu sâu chút nữa sẽ gây chìm tàu”.

Tại cuộc họp báo, Việt Nam nhắc lại yêu cầu Trung Quốc “rút giàn khoan và làm rõ tính pháp lý khu vực đặt giàn khoan”.

Biểu tình ‘yêu nước’

Theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ, có hai câu hỏi của phóng viên nước ngoài về việc biểu tình chống Trung Quốc của người dân.

Người phát ngôn Bộ ngoại giao Lê Hải Bình trả lời hãng tin AP: “Người dân Việt Nam có quyền biểu thị yêu nước theo quy định của pháp luật.”

Một phóng viên của hãng tin Đức DPA nói người này chứng kiến công an Việt Nam ngăn cản người dân biểu tình trước cửa sứ quán Trung Quốc ở Hà Nội.

“Cảnh sát cũng nói với tôi đây là hành động bất hợp pháp, yêu cầu phải rời đi vì lý do an ninh,” theo phóng viên của DPA.

Ông Lê Hải Bình trả lời rằng Đảng Cộng sản và chính phủ “luôn trân trọng sự biểu thị lòng yêu nước của người dân”.

Các cuộc biểu tình cũng phải theo thủ tục như đăng ký thời gian, địa điểm, ngày giờ, nội dung. Về biểu tình Việt Nam đã có quy định như vậy.

Lê Hải Bình, người phát ngôn ngoại giao Việt Nam

“Như mọi quốc gia, mọi hình thức biểu thị lòng yêu nước cũng phải đúng theo quy định của pháp luật.”

“Các cuộc biểu tình cũng phải theo thủ tục như đăng ký thời gian, địa điểm, ngày giờ, nội dung. Về biểu tình Việt Nam đã có quy định như vậy,” ông Bình nói.

Trong lúc Việt Nam chưa có Luật Biểu tình, dường như ông Bình ám chỉ Nghị định 38/2005/NĐ-CP về bảo đảm trật tự công cộng.

Nghị định này không nói về việc biểu tình, nhưng quy định “Thủ tục đăng ký tập trung đông người ở nơi công cộng”.

“Trước khi tiến hành các hoạt động tập trung đông người ở nơi công cộng, tổ chức hoặc người tổ chức các hoạt động đó phải gửi bản đăng ký đến Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền,” theo nghị định.

Tại cuộc họp báo, Việt Nam “hoan nghênh” việc nhóm G7 có tuyên bố hôm 4/6 “bày tỏ lo ngại sâu sắc” về tình hình Biển Đông và Biển Hoa Đông.

Ông Lê Hải Bình nói Việt Nam “tiếp tục mong muốn các quốc gia, các tổ chức tiếp tục có tiếng nói mạnh mẽ hơn”.

Cùng ngày tại Bắc Kinh, người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi, khi bình luận về tuyên bố của G7, nói rằng “các nước ngoài khu vực cần tôn trọng sự thật khách quan, giữ thái độ công bằng”.

“Trung Quốc sẽ kiên quyết đáp lại hành động khiêu khích của một số ít nước cố ý xâm phạm chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc,” ông Hồng tuyên bố.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: