Lãnh đạo phe đối lập, ông Abhisit Vejjajiva, yêu cầu lùi cuộc bầu cử lại 6 tháng.
Lãnh đạo của phe đối lập Thái Lan đã kêu gọi cuộc bầu cử dự kiến vào tháng Bảy hoãn và lùi lại tới sáu tháng.
Trong một gói kiến nghị gồm 10 điểm, cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva nói Thủ tướng và chính phủ của bà nên từ chức, mở đường cho lập nội các lâm thời để giám sát một cuộc trưng cầu về cải cách.
Các bài liên quan
Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã không trả lời các đề nghị được nêu ra.
Thái Lan đã đang ở trong một thế bế tắc chính trị kể từ khi các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra ở Bangkok vào tháng 11/2013.
Chính phủ của bà Yingluck đã tuyên bố tiến hành bầu cử vào ngày 20/7, sau khi một cuộc bầu cử sớm vào tháng trước bị tuyên bố là vi hiến.
Đảng cầm quyền Pheu Thái được dự kiến là sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng Hai. Tuy nhiên, phe đối lập đã tẩy chay và những người phản đối đã làm gián đoạn bầu cử.
Ở đỉnh cao của các cuộc biểu tình chống chính phủ, những người phản đối đã đóng cửa nhiều nút giao thông quan trọng và phong tỏa các cơ quan cấp Bộ trưởng của chính phủ. Số lượng những người biểu tình kể từ đó tới nay đã suy giảm.
‘Không gian thở’
“Chúng ta cần không gian thở, chúng ta cần một khoảng thời gian hạ nhiệt trước khi đi bầu cử, nhất là trong bối cảnh bạo lực đang xảy ra trên khắp đất nước”
Cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva
Hôm thứ Bảy, ông Abhisit nói phe đối lập là Đảng Dân chủ của ông sẽ không ra tranh cử trong cuộc bầu cử vào tháng Bảy.
“Chúng ta cần không gian thở, chúng ta cần một khoảng thời gian hạ nhiệt trước khi đi bầu cử, nhất là trong bối cảnh bạo lực đang xảy ra trên khắp đất nước,’ ông nói với BBC.
“Trong các cuộc thảo luận của tôi với Ủy ban Bầu cử, với các đảng chính trị khác, không ai trong số họ tin tưởng một cách nghiêm túc rằng chúng ta có thể bước vào cuộc bầu cử [vào tháng Bảy] để nhận được một kết quả khác với những gì đã xảy ra trước đó trong năm nay,’ ông nói thêm.
Nội dung chính trong kiến nghị 10 điểm của ông Abhisit gồm việc cuộc bầu cử dự kiến vào tháng Bảy phải bị hoãn lại và một Hội đồng cải cách soạn thảo kế hoạch cải cách, được đưa ra trưng cầu dân ý.
Chính phủ hiện nay phải từ chức và một chính phủ lâm thời phi đảng phái được bổ nhiệm;
Sau khi trưng cầu dân ý, cuộc bầu cử mới được tổ chức;
Và tân chính phủ được bầu phải thực hiện các kế hoạch cải cách. Một cuộc bầu cử mới sau đó sẽ được tổ chức trong vòng một năm.
‘Nằm ngoài Hiến pháp’
Tuy nhiên, Jarupong Ruangsuwan, lãnh đạo của đảng cầm quyền Pheu Thái, nói với hãng tin Reuters :
“Chính phủ không thể chấp nhận kế hoạch (của ông) Abhisit vì nó nằm ngoài khuôn khổ của Hiến pháp. ”
Kế hoạch này sẽ ‘chỉ làm tăng chia rẽ trong xã hội Thái Lan’, ông cho rằng yêu cầu Chính phủ phải từ chức như vậy tương tự với việc vi phạm Hiến pháp.
Ông Abhisit thừa nhận rằng ông và đảng Dân Chủ của ông có ‘một phần trách nhiệm’ trong những lộn xộn chính trị ở Thái Lan, và nói rằng ông đang đề xuất một lối ra, theo phóng viên BBC ở Bangkok, Jonathan Head.
Bà Yingluck đang đối diện một bản án của tòa án vào tuần tới vốn có thể dẫn tới việc bà bị cấm hoạt động chính trị trong năm năm, một kết quả mà theo những người ủng hộ bà, được xem tương đương với một cuộc đảo chính, phóng viên của chúng tôi nói thêm.
Bà Yingluck và đảng Pheu Thái của bà vẫn đang rất phổ biến ở các khu vực nông thôn.
Tuy nhiên, các đối thủ của bà, những người chủ yếu là cư dân đô thị và tầng lớp trung lưu, cáo buộc rằng anh trai của bà, nhà lãnh đạo bị lật đổ Thaksin Shinawatra, đang kiểm soát nội các.
Họ cũng nói rằng nền dân chủ của Thái Lan đã bị mua chuộc bởi tiền bạc.