TTO – Giới quan sát nhận định phần đông cử tri bang Iowa đi bỏ phiếu bầu cử sơ bộ tổng thống Mỹ hôm nay đều chán ngán và giận dữ với hiện trạng chính trị Mỹ, khao khát sự thay đổi.

U.S. Democratic presidential candidate Bernie Sanders arrives at a campaign event in Marshalltown, Iowa January 31, 2016. REUTERS/Mark KauzlarichCác cuộc họp bỏ phiếu ở Iowa của cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa đều bắt đầu vào lúc 19g (giờ địa phương, 8g sáng 2-2 giờ VN).

Theo thống kê của chính quyền bang Iowa, trong số 3,1 triệu cư dân địa phương có 584.000 cử tri Dân chủ, 611.000 cử tri Cộng hòa và 725.000 cử tri không thuộc về bên nào.

Điều đáng ngạc nhiên là ở bang Iowa năm nay, các ứng cử viên giàu kinh nghiệm được cả Đảng Dân chủ và Cộng hòa kỳ vọng đều đối mặt với vô vàn khó khăn trước những “kẻ bên lề”.

“Ở Iowa tâm lý chống Washington, chống tầng lớp lãnh đạo chính trị hiện tại là rất lớn” – báo New York Times dẫn lời Thống đốc Terry Branstad của Đảng Cộng hòa nhận định.

Những kẻ bên lề trỗi dậy

Do đó ông Branstad cho rằng sẽ không có gì ngạc nhiên nếu ứng cử viên “bên lề” của cả hai đảng giành chiến thắng.

Giới quan sát nhận định đa phần cử tri Iowa rất giận dữ với tình trạng khó khăn của tầng lớp trung lưu Mỹ, sự tham lam của Phố Wall và ảnh hưởng của đồng tiền đối với nền chính trị Mỹ.

Do đó, trong giới cử tri cả hai đảng đều bùng lên tâm lý chống hiện trạng. “Hai nhóm này có tâm lý là cùng bỏ phiếu loại bỏ tất cả những chính trị gia muốn duy trì hiện trạng chính trị” – nhà khoa học chính trị David Redlawsk thuộc ĐH Rutgers nhận định.

Đó chính là lý do mà về phía Đảng Dân chủ, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders đang được đánh giá cao hơn cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton ở Iowa, còn ở bên Đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump lấn lướt các đối thủ cạnh tranh khác, dù vài tháng trước cả hai đều bị coi là hầu như không có cơ hội nào.

Cựu Thượng nghị sĩ Dân chủ Tom Harkin đánh giá thông điệp chống Phố Wall, cam kết bảo hiểm y tế toàn dân, chống can thiệp bên ngoài… của Thượng nghị sĩ Sanders đã đánh trúng tâm lý lo âu của giới trẻ và tầng lớp trung lưu Iowa.

Các cử tri ủng hộ ông Sanders đều tuyên bố họ hoàn toàn không tin tưởng vào Phố Wall. Việc ông Sanders lên án tình trạng bất bình đẳng thu nhập, đề xuất cải tổ ngành tài chính Mỹ, chia nhỏ các ngân hàng lớn… đã thuyết phục hoàn toàn những cử tri này.

Đánh trúng tâm lý cử tri

Về phía Đảng Cộng hòa, việc tỷ phú Trump lên án người nhập cư Mexico là tội phạm, đề xuất cấm cửa người Hồi giáo vào Mỹ, thề sẽ giúp nước Mỹ “giành lại sự tôn trọng”… đã thu hút nhiều cử tri da trắng Iowa đang lo âu với tình hình kinh tế và những biến động văn hóa – xã hội của nước Mỹ.

Ông Trump cũng đánh trúng tâm lý cử tri khi cam kết sẽ thương thuyết những thỏa thuận thương mại có lợi cho nước Mỹ, tạo nhiều công ăn việc làm cho người dân Mỹ.

“Các cử tri Cộng hòa muốn có một người không thuộc tầng lớp chính trị hiện tại, không phải là một phần của vấn đề, lên làm tổng thống” – chiến lược gia Cộng hòa Matt Strawn cho biết.

Khảo sát của Reuters/Ipsos trên phạm vi toàn quốc cũng cho thấy 73% cử tri Mỹ cho rằng nước Mỹ đang đi sai đường.

Và những người giận dữ chiếm phần lớn lực lượng ủng hộ ông Trump và ông Sanders. Thượng nghị sĩ Ted Cruz cũng đang tận dụng tâm lý này để vận động tranh cử.

Vai trò của Iowa

Kết quả bầu cử sơ bộ ở bang Iowa luôn đóng vai trò quan trọng trong cuộc đua nội bộ Đảng Dân chủ.

Kể từ năm 1996 đến nay, ứng cử viên chiến thắng ở Iowa luôn giành được tấm vé đại diện Đảng Dân chủ để chạy đua vào Nhà Trắng.

Ngược lại, Iowa không có tính chất quyết định đối với Đảng Cộng hòa. Ứng cử viên Cộng hòa cuối cùng thắng ở Iowa rồi giành vé đại diện đảng là George W. Bush hồi năm 2000.

Hiếu Trung

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.

Posted by khaihuy

:

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.