Tóc dài quấn gọn sau gáy, đeo cặp kính nghiêm nghị và mặc quân phục đen, Mỹ An là nữ sinh thiếu úy gốc Việt duy nhất của lớp, và cũng là chỉ huy của cả đơn vị hơn 70 người, thuộc đủ thành phần, sắc dân khác nhau.

Mỹ An trong nghi thức đeo lon thiếu úy

Vóc người thanh mảnh, nhỏ bé chưa đầy 1m50 của Phạm Mỹ An không làm giảm sự tin tưởng từ bạn bè, thầy cô đối với cô.

Mỹ An dõng dạc đọc diễn văn đại diện cho đơn vị quân đội Bruin, thuộc đại học California tại Los Angeles (UCLA), tại lễ tốt nghiệp của chương trình đào tạo sĩ quan dự bị ROTC khóa 2013. Cô được chọn để đại diện các sinh viên thiếu úy gửi lời cám ơn đến gia đình, các chỉ huy đã giúp đơn vị quân đội Bruin hoàn tất khóa huấn luyện. Họ vừa chính thức trở thành cử nhân và thành viên mới của quân đội Mỹ.

Chương trình ROTC tại đại học UCLA tiến hành song song với ngành học cử nhân của các sinh viên thiếu úy. Những người tham gia chương trình này, ngoài việc tham gia các lớp khoa học xã hội bình thường, phải thực hiện quy củ thời khóa biểu rèn luyện của một người lính.

Tại UCLA, các sinh viên thiếu úy phải tập thể lực từ 6 đến 7 giờ sáng, ba ngày một tuần, cũng như huấn luyện về lý thuyết quân sự mỗi thứ năm trong ba tiếng đồng hồ.

“Các bạn thấy đi học lớp 8 giờ sáng là sớm, nhưng bữa nào em có lớp 8 giờ là một may mắn lớn”, Mỹ An cười, kể. Cô cũng cho biết một ngày thông thường của cô bắt đầu từ 5 giờ sáng, kết thúc cũng sớm, dù có bất kỳ cuộc tụ tập vui chơi nào, để chuẩn bị cho ngày hôm sau.

Học đại học, đặc biệt tại UCLA, có thể nói là không nhẹ nhàng với tỷ lệ đầu vào rất thấp. Vào được trường đã khó, để đạt được điểm cao, chọn vào chương trình ROTC, được chọn làm chỉ huy cho toàn bộ trung đoàn, lại càng khó. Nhìn một Mỹ An nghiêm ngạnh, cứng cỏi, ít người dưới quyền chỉ huy của cô biết được là khi ở nhà, Mỹ An rất chu đáo giúp mẹ chăm sóc ông bà ngoại, đã hơn 90 tuổi.

“Sau khi ba mất lúc em 16 tuổi, mẹ đưa ông bà ngoại về ở cùng hai chị em em. Nhà có một chiếc xe, sáng sớm mẹ đưa em trai em đi học trường trung học, đưa em đi học tại UCLA”, Mỹ An cho biết. Việc luôn gần gũi với gia đình có lẽ là lý do mà cô có thể nói chuẩn tiếng Việt.

So sánh việc học quân thuyết và việc học cử nhân chuẩn bị để thi vào trường Y, Mỹ An nói: “Em dành đều thời gian cho hai bên, nhưng phần lớn, việc học ROTC chiếm nhiều thời gian, công sức, vì em đặt trọng vai trò người lính”.

Tuy thấp bé nhất, Mỹ An (thứ 2 từ phải sang) là chỉ huy của đoàn 74 sinh viên sĩ quan tại UCLA

Theo lời gia đình Mỹ An, mẹ không ủng hộ cô gia nhập quân đội. “Tôi chỉ có một đứa con gái”, bà Trần Thu Nguyệt nói. Mỹ An ra đời ngay vào năm đầu tiên vợ chồng bà Thu Nguyệt đặt chân đến Mỹ, năm 1991. “Tính nó cứng rắn, kỹ lưỡng từ nhỏ. Nhưng tôi không thích nó làm lính tí nào”, bà nói thêm.

Dù vậy, cô con gái luôn sống trong vòng bao bọc của gia đình vẫn quyết tâm ghi danh vào chương trình tuyển mộ của bộ binh Mỹ khi bắt đầu cấp trung học, khoảng thời gian sau khi ba cô vừa mất. Mơ làm lính và để có tiền giúp mẹ là hai lý do Mỹ An theo học chương trình ROTC, cô cho biết.

“Ông ngoại, ông nội và các cậu của em từng phục vụ trong quân đội. Em rất hãnh diện về họ. Em muốn nối tiếp truyền thống cao cả đó. Khi gia nhập vào ROTC, em càng quý trọng đời sống của các binh sĩ”, Mỹ An nói. “Em dùng học bổng của nhà nước và của UCLA để trả tiền học tiền ăn, còn lương lính của ROTC, em để dành để sau này đi học Y”.

Cô gái gốc Việt nộp đơn xin vào chương trình ROTC của UCLA, cố giữ điểm học cao trong khi rèn luyện thể chất. Nếu như điều kiện chương trình đưa ra là điểm học phải trên 2 và điểm thể chất trên 300, thì điểm học của Mỹ An là 3,5 và điểm thể chất vượt xa số điểm yêu cầu.

Dù nhỏ con, những tháng ròng tập chạy bộ, hít đất… đã giúp Mỹ An vượt qua phần thi tuyển. Trong khoảng thời gian học tập và huấn luyện, Mỹ An thêm một lần nữa có dịp chứng tỏ mình “vừa mạnh mẽ về thể chất lẫn tinh thần”, như lời của các thầy chỉ huy trong ROTC.

Buổi lễ tốt nghiệp diễn ra hôm 16/6 đánh dấu một chặng đường vừa qua trên con đường sự nghiệp của Mỹ An. Trước mặt cô là những dự định, hoài bão tiếp theo đang đón chờ.

“Em sẽ nghỉ học một năm để nghiên cứu thêm về khoa học. Em muốn lấy bằng y tá-phụ tá để có thêm kinh nghiệm. Sau đó em sẽ xin học bổng của quân đội để tiếp tục học Y khoa”.

Rất có thể mọi người sẽ lại bắt gặp viên thiếu uý Mỹ An tại một trường Y trong vùng Los Angeles, gần nơi gia đình cô sinh sống. Bởi, trong các dự định cho tương lai, Mỹ An không quên cân nhắc rằng “em muốn gần gũi, chăm sóc em trai vì em đã bước vào tuổi vị thành niên và giúp mẹ chăm sóc ông bà năm nay hơn 90 tuổi rồi”.

Theo Người Việt

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!