Theo CNN hôm nay 6.8, nhu cầu giảm sút vốn đã làm tổn thương những thợ mỏ, các nhà sản xuất và những hãng bán lẻ kim cương trong thời gian qua. Hiện tại, nhu cầu sẽ còn hạ thấp hơn khi người dân Đại lục được cho là sẽ cắt giảm mong muốn sở hữu đá quý, sau cơn “bạo bệnh” của thị trường chứng khoán Trung Quốc.
Các nhà phân tích thuộc ngân hàng Barclays viết trong một báo cáo: “Nếu kể tên một loại hàng hóa rất có thể sẽ chịu ảnh hưởng từ những biến sự gần đây ở Trung Quốc, đó chính là kim cương. Quyết định mua kim cương phụ thuộc vào niềm tin của người tiêu dùng, điều vốn có tương quan với lợi nhuận thị trường chứng khoán Trung Quốc”.
Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã nhanh chóng trở thành thị trường kim cương lớn thứ nhì toàn cầu, sau Mỹ. Đại lục giờ đây chiếm 16% lượng cầu kim cương của thế giới.
Ben Davis, nhà phân tích mảng khai thác khoáng sản thuộc hãng nghiên cứu Liberum ở London (Anh) cho hay phụ nữ Trung Quốc dành cho kim cương sự quan tâm đặc biệt. Họ mua kim cương và các kim loại quý để đầu tư.
Tuy vậy, sức mua của họ chậm lại từ tháng 3, khi nhiều người nước này bắt đầu đổ tiền vào thị trường chứng khoán đang tăng điểm. Và sau đó, họ mất tiền khi chỉ số Thượng Hải tuột gần 30% trong một tháng.
Doanh nghiệp dẫn đầu thị trường kim cương De Beers dự báo lượng cầu thấp hơn nhiều so với các năm trước đó. Hãng dự kiến sản xuất ít hơn, khoảng 29 triệu carat trong năm nay so với 32,7 triệu carat trong năm ngoái.
Ngoài Trung Quốc, tình hình ảm đạm còn đến từ nhu cầu giảm của Nga và Trung Đông vì đồng rúp Nga yếu và giá dầu giảm.
“Có quá nhiều hàng tồn kho trong một thị trường mà nhu cầu không tăng mạnh, điều này có thể tiếp tục trong năm sau”, nhà phân tích Des Kilalea thuộc hãng dịch vụ tài chính RBC nói.
Giá kim cương thô giảm khoảng 20% kể từ giữa năm 2014. Giá bán buôn kim cương sau khi được đánh bóng cũng hạ 15%. Dù thế, điều này không đồng nghĩa với việc các hãng trang sức lớn như Tiffany & Co sẽ giảm ngay giá bán sản phẩm của mình.