Châu Âu đang chờ kế hoạch cứu nguy mới nhất của Hy Lạp và Thủ tướng Alexis Tsipras đang gấp rút đưa ra một gói cải cách để Athens không bị buộc phải rời khỏi 19 nước thuộc khối đồng euro.
Hy Lạp có hạn chót là nửa đêm ngày thứ Năm ở Brussels để trình bày một kế hoạch kinh tế đổi lấy gói cứu nguy kéo dài ba năm mới để làm đầy nguồn tiền đang cạn kiệt trong những ngân hàng của Hy Lạp và tránh để nước này phá sản.
Những chủ nợ quốc tế của Hy Lạp – là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu và các nước láng giềng châu Âu của Hy Lạp – dự định sẽ xem xét đề xuất này trước khi các nhà lãnh đạo châu Âu cân nhắc và Chủ nhật tại một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp.
Thị trường chứng khoán châu Âu tăng mạnh hôm thứ Năm giữa lúc có những hy vọng rằng mối quan hệ của Hy Lạp với phần còn lại của châu Âu có thể được cứu vãn trước hạn chót Chủ nhật để đạt được một thỏa thuận mà 18 nước khu vực đồng euro khác áp đặt lên Athens.
Nói về một trong những điểm gây tranh cãi trong cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble cho biết ông đồng ý với IMF rằng Athens cần được xóa một phần nợ trong khoản nợ khổng lồ của mình, 265 tỉ đôla gánh nợ cứu nguy tài chính cho nền kinh tế đang hấp hối của Hy Lạp lấy lại vị thế ổn định.
Đức phản đối xóa nợ dứt điểm, nhưng ông Schaeuble cho biết có một cửa sổ “rất nhỏ” cho việc tái cơ cấu nợ, chẳng hạn như bằng cách cho phép Athens thêm thời gian để trả lại tiền.
Ông Tsipras đã hứa sẽ tăng thuế mới, rất có thể nhắm vào những công ty, khách sạn và mặt hàng xa xỉ, và thực hiện cải cách hưu bổng mà ông sẽ “thực hiện ngay lập tức” vào ngày thứ Hai. Ông nói với Nghị viện châu Âu hôm thứ Tư rằng Hy Lạp sẽ đưa ra “những đề xuất cụ thể, những cải cách đáng tin cậy.”
Nhà lãnh đạo Hy Lạp đã gặp những quan chức bộ tài chính để thảo ra những chi tiết của đề xuất này. Một số nhà lãnh đạo châu Âu đã lên tiếng bày tỏ lạc quan thận trọng về nỗ lực của Hy Lạp đạt được một thỏa thuận.
“Giọng điệu đã thay đổi,” Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói. “Đến bây giớ chúng tôi mới nghe thấy điều này, và đó là điều tích cực.”
Hy Lạp tích luỹ nợ từ hai gói cứu nguy trong 5 năm vừa qua nhưng nền kinh tế nước này đang xuống dốc nhanh chóng, với khoảng ¼ lực lượng lao động bị thất nghiệp.
Hy Lạp đã không trả được món nợ 1,8 tỷ đôla cho Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF tuần trước khi các bộ trưởng tài chính châu Âu từ chối gia hạn gói cứu nguy mà sẽ cho phép Hy Lạp trả được nợ cho IMF.
Những người dân Hy Lạp tham gia bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý Chủ nhật tuần trước đã từ chối việc thực hiện thêm các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Trong khi một số người nói rằng việc đất nước duy trì là một phần của nền kinh tế châu Âu là cần thiết, những người bỏ phiếu “không” đã cáo buộc các chủ nợ Liên minh châu Âu làm nhục họ và biến họ thành nô lệ.
Trong khi đó, các ngân hàng Hy Lạp đóng cửa và giao dịch rút tiền mặt tại các máy ATM bị hạn chế ở mức 60 euro một ngày. Các kệ hàng nhanh chóng trở nên trống rỗng, các cửa hàng xăng cạn kiệt, và không có ai biết chính xác điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Những vấn đề kinh tế của Hy Lạp thực sự bắt đầu vào năm 2009 khi tin tức tiết lộ rằng chính phủ bảo thủ cũ của nước này đã lấp liếm báo cáo không đúng về tình trạng nợ nần. Những thông tin này được loan báo vào cùng thời điểm khi cuộc suy thoái toàn cầu bắt đầu trở nên tồi tệ hơn.