(Washington Post) – Ba nghi can bị bắt giữ trong vụ khủng bố xảy ra tại hai đền thờ Hồi giáo tại New Zealand khiến 49 người bị thiệt mạng, trong đó có Brenton Harrison Tarrant – 28 tuổi người Úc – ra hầu toà vào sáng sớm thứ 7 (giờ địa phương), đối diện với cáo buộc sát nhân.

Tên Tarrant có 5 khẩu súng, 2 súng trường bán tự động, và hai súng săn (shotgun) và một khẩu súng trường khác, tất cả đều được mua hợp pháp. “Luật súng ống của chúng ta sẽ thay đổi!” Thủ tướng Jacinda Ardern tuyên bố.

Băng hình vụ nổ súng tại  Christchurch’s Al Noor Mosque được truyền trực tiếp trên Facebook, và được tải lên Twitter và YouTube đã đặt ra những câu hỏi về vai trò mạng xã hội đối với cực đoan.

Cảnh sát đang điều tra bảng “tuyên ngôn” dài 74 trang do tên Tarrant viết, trong đó chống lại cộng đồng Hồi giáo và người nhập cư, cũng như viện dẫn những kẻ cực đoan cánh hữu cực đoan đã ra tay thảm sát.

Trong tuyên ngôn, nghi can 28 tuổi người gốc Úc châu là kẻ chủ trương người da trắng thượng tôn, rất ghét người nhập cư. Giận giữ trước các cuộc tấn công do người Hồi giáo cực đoan gây ra ở Âu châu, anh ta muốn trả thù và tạo ra sợ hãi.

Rõ ràng, y cũng muốn lôi kéo sự chú ý.

Mặc dù tuyên bố không muốn nổi tiếng nhưng trong 74 trang “tuyên ngôn” đăng trên mạng xã hội, nghi can hy vọng sẽ còn sống sau vụ tấn công để có thể truyền đạt quan điểm của mình tốt hơn với truyền thông.

Trong khi bản tuyên ngôn và đoạn băng rõ ràng là một thủ đoạn kinh thường, bỉ ổi, thì chúng lại chứa những dấu vết quan trọng giúp công chúng phần nào hiểu được tại sao một người có thể ra tay lấy đi sinh mạng của hàng chục người vô tội đang cầu nguyện.

Không có gì làm rắc rối, phức tạp hơn một vụ thảm sát ở New Zealand – quốc gia hiền hoà, an bình, xa vời với những vụ xả súng gây tai hoạ Mỹ, và cảnh sát hiếm khi mang súng ra đường.

Không phải ngẫu nhiên nghi can khủng bố lại chọn New Zealand. Anh ta viết, một vụ tấn công ở New Zealand sẽ chứng minh được, không có nơi nào trên thế giới an toàn, và thậm chí một quốc gia như New Zealand cũng là mục tiêu của thảm sát người nhập cư.

Nghi can cho hay, y sinh trưởng trong một gia đình lao động ở Úc, có tuổi thơ bình thường và là học sinh có học lực kém.

Ngoài quan điểm da trắng thượng tôn, nghi can còn tuyên bố là một nhà bảo vệ môi trường, và là một kẻ phát xít tin rằng, Trung Quốc là quốc gia có những giá trị chính trị và xã hội tương đồng với anh ta. Anh ta coi khinh những người giàu có chiếm 1%. Tarrant nêu danh một nhà bình luận bảo thủ Mỹ, Candace Owens, là người gây ảnh hưởng đến anh ta nhiều nhất, mặc dù “những hành động cực đoan mà cô ta kêu gọi quá mực, thậm chí ngay cả đối với gu của tôi.”

Từ Mỹ, Owens lên mạng Twitter đáp trả tin tức này. Nữ bình luận trẻ tuổi bảo rằng, nếu truyền thông xem cô đã truyền cảm hứng cho vụ tấn công thì tốt hơn hết nên mướn luật sư.

Bảng “tuyên ngôn” cũng đá động đến Tổng thống Donald Trump, trong đó nghi can đặt câu hỏi và trả lời liệu anh ta có phải là người ủng hộ ông Trump hay không. “Là một biểu tượng mới của da trắng thượng tôn và mục đích chung? Chắc chắn rồi. Là một lãnh đạo, người đề ra chính sách? Chúa ơi, không!” nghi can ghi.

Trong số các tuyên bố đầy thù ghét, anh ta cho rằng mình được thúc đẩy đến bạo lực vì những gì xảy trong vụ khủng bố xảy ra vào năm 2017 khi đang du lịch ở Âu châu. Lần đó, một kẻ khủng bố người Uzbek đã phóng chiếc xe tải vào đám đông ở Stockholm, làm thiệt mạng 5 người. Và mong muốn gây bạo lực lớn dần lên khi đến Pháp, nơi anh ta cảm thấy bị xúc phạm bởi hình ảnh những người nhập cư khắp nơi trên các thành phố.

Y cho hay, bắt đầu lên kế hoạch tấn công Christchurch từ ba tháng trước. Anh ta cũng cho biết, đã đóng góp cho nhiều tổ chức da trắng thượng tôn, nhưng không phải là thành viên của bất cứ tổ chức nào. Tuy nhiên, anh ta thừa nhận có liên lạc với tổ chức chống người nhập cư có tên Knights Templar, và được Anders Breivik cho phép tấn công. Tuy nhiên, tuyên bố này chưa được kiểm chứng.

Breivik là một nhà cựu đoan cánh hữu người Na Uy, kẻ vào năm 2011 đã giết hại 77 người ở Oslo và ở một hòn đảo gần đó. Luật sư đại diện tên Breivik, ông  Oeystein Storrvik cho một tờ báo địa phương biết, thân chủ của ông đang ở trong tù, và “rất hạn chế liên lạc với thế giới chung quanh, và không có vẻ ông ấy đã liên lạc với nghi can xả súng ở New Zealand.”

Photo Credit: AP

Nghi can sử dụng nhiều biểu  tượng thù ghét khác nhau liên quan đến Đức Quốc xã và da trắng thượng tôn. Ví dụ, con số 14 trên khẩu súng trường của anh ta có thể ám chỉ đến một khẩu hiệu da trắng thượng tôn “14 Words.” Anh ta  cũng dùng biểu tượng mặt trời đen đồng nghĩa với vô số nhóm cực đoan trong thời kỳ phát xít mới.

Y viết, các nạn nhân bị nhắm chọn vì anh ta xem họ là những kẻ xâm lược có thể sẽ thay thế người da trắng. Anh ta tin sẽ không ăn năn sau những cái chết của họ.

Trong 6 phút, kẻ khủng bố trong trang phục quân sự có gắn camera đã bắn hàng trăm phát đạn vào hàng chục người đang cầu nguyện tại một nhà thờ Hồi giáo. Vụ nổ súng đầu tiên cướp đi sinh mạng 41 người vô tội, vụ nổ súng thứ hai tại một đền thờ Hồi giáo khác làm 8 người thiệt mạng. Chưa rõ liệu nghi can này có liên quan đến những nghi can khác hay không.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: