CALIFORNIADo nhu cầu ngày càng cao về nhân sự có tối thiểu bằng cử nhân và trình độ hiểu biết cao trong khắp các kỹ nghệ ở Mỹ, giới lãnh đạo giáo dục bậc đại học tại tiểu bang California đang xem xét đến giải pháp để đại học cộng đồng có chương trình cử nhân. Theo bản tin của Sacbee.

194270-occ-400

Một thư viện tại campus đại học cộng đồng OCC, Nam California. (Hình: OCC)

Bản tin viết, theo kết quả một cuộc nghiên cứu, tiểu bang Californa sẽ thiếu khoảng 1 triệu người làm việc có bằng cử nhân vào năm 2025. Trong khi đó, hệ thống đại học công lập bốn năm đang gặp nhiều khó khăn để có đủ sinh viên tốt nghiệp nhằm cung ứng cho nhu cầu này. Do vậy, hệ thống đại học cộng đồng, hiện chỉ có các chương trình hai năm, đang được nhắm đến để bù đắp vào chỗ thiếu hụt này.

Các đại học cộng đồng, từ trước đến nay vẫn chuyên chú vào việc đào tạo sinh viên trong hai năm để họ chuyển sang các trường khác hay có một ngành nghề kỹ thuật cấp cán sự. Nay đang có dự tính để các trường này đào tạo và cấp bằng cử nhân trong lãnh vực kỹ thuật, một biện pháp điều chỉnh quan trọng đối với kế hoạch giáo dục đại học tiểu bang California gồm ba thành phần là hệ thống UC (University of California), CSU (Californnia State University) và City College đã được đưa ra từ hơn 50 năm trước đây.

“Không có cách nào mà hệ thống đại học bốn năm của tiểu bang có thể đối phó với những đòi hỏi của sự phát triển,” theo lời Constance Carroll, viện trưởng hệ thống đại học cộng đồng ở San Diego, nói thêm rằng, “Ở California, nay đã tới tới thời điểm” để theo chân 21 tiểu bang khác hiện đang để cho hệ thống đại học cộng đồng cấp bằng cử nhân.

Hans Johnson, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Chính Sách California, người vào năm 2009 đã đưa ra con số về nhu cầu thiếu hụt 1 triệu bằng cử nhân ở California, cho hay sự kết hợp của nhiều yếu tố thúc đẩy nhu cầu nhân sự có bằng cử nhân cao hơn và cao hơn nữa, kể cả sự chuyển hướng về các kỹ nghệ đòi hỏi khả năng kỹ thuật cao ở California và quan niệm của giới chủ nhân rằng các nhân viên có bằng đại học thường làm việc hữu hiệu hơn.

Vẫn theo bản tin, ông Johnson nói rằng có tới 40% công việc làm trong thập niên tới này tại California sẽ đòi hỏi bằng cấp cử nhân, so với con số khoảng 30% như hiện nay.Tuy nhiên, trừ phi các đại học công lập của tiểu bang cải thiện khả năng đào tạo hay nhận thêm sinh viên, tiểu bang sẽ không đáp ứng được nhu cầu nhân sự đó. Ông cũng cho hay từ năm 1960 đến nay, nền kinh tế Mỹ hoàn toàn thay đổi trong khi sự tổ chức của các trường đại học và số sinh viên tuyển mộ trong tiểu bang không thay đổi.

Một thí dụ điển hình là công ty cung cấp dịch vụ y tế Sutter Health ở Sacramento, dự trù tiến hành một chương trình tuyển mộ nhân sự, theo đó 80% các điều dưỡng viên trong các bệnh viện của họ phải có bằng cử nhân, theo đúng với các đề nghị cải cách của giới chức trong kỹ nghệ này.

“Bệnh nhân trong các bệnh viện ngày càng có nhiều thứ bệnh phức tạp và trầm trọng hơn trước,” theo bà Anette Smith-Doring, giám đốc đặc trách phát triển nhân sự cho Sutter. “Nếu nhân viên có kiến thức càng cao thì càng có nhiều khả năng cung cấp dịch vụ sức khỏe tốt đẹp hơn,” bà cho hay.

Vấn đề ở đây là làm sao kiếm đủ nhân viên hội đủ điều kiện trong khi những người đang làm việc đang ngày càng lão hóa.Ở California, có hơn 50% các điều dưỡng mới ra trường chỉ có bằng hai năm.

“Không phải là họ không đủ khả năng, nhưng có nhiều điều họ không có thời giờ học hỏi chỉ trong hai năm ngắn ngủi,” bà Smith-Dohring nói, cho biết thêm rằng do đó họ sẽ phải học từ những kinh nghiệm làm việc.

Khi xem xét các bệnh viện của mình ở vùng Bắc California, hệ thống Sutter thấy có nhiều lỗ trống.”Các cộng đồng ở vùng thôn quê hiện đang gặp khó khăn để có được các nhân viên đủ khả năng chịu đến làm việc,” bà Smith-Dohring nói thêm.

Viện trưởng Carroll, một trong những người mạnh mẽ khuyến cáo để các đại học cộng đồng cấp bằng cử nhân, cho hay bà đã nhìn thấy vấn đề này vài năm trước đây khi có hơn một nửa số sinh viên ngành điều dưỡng ra trường mà không có việc.Họ không thể chuyển lên các đại học bốn năm vì đã quá đông và nếu muốn tiếp tục học lên thì phải vào các đại học tư với học phí rất nặng hoặc ra ngoài tiểu bang.

“Ba mươi năm trước, một người chỉ cần tốt nghiệp trung học, đi làm rồi sẽ được huấn luyện,” bà Carroll nói. Ngày nay “đại học cộng đồng là nơi chuẩn bị các cỗ máy vận hành tiểu bang.”

Ðối diện với thực tế này, tiểu bang California có thể sẽ sớm khởi sự chương trình cấp bằng cử nhân tại đại học cộng đồng. Một đạo luật vừa được thông qua, theo đó thành lập một chương trình thí điểm cho phép khoảng 15 trường đưa ra chương trình cử nhân trong tám năm tới để đáp ứng nhu cầu, đang nằm trên bàn của Thống Ðốc Jerry Brown.

Cử nhân ngành điều dưỡng sẽ không được cấp ở đại học cộng đồng lúc này, vì chương trình thí điểm không lập lại những bằng cấp mà hệ thống UC và CSU cung cấp. Tuy nhiên có các ngành nghề khác đang có nhu cầu mà chưa có nơi nào cấp bằng cử nhân như vệ sinh răng miệng (dental hygiene), kỹ thuật xe cộ (automotive technology), điều trị hô hấp (respiratory therapy) va ợkỹ thuật bức xạ (radiative technology), cùng là các ngành nghề khác.

Nếu đạo luật mang số SB 850 được Thống Ðốc Brown ký ban hành thì các đại học cộng đồng sẽ khởi sự nộp đơn xin được làm thí điểm và nếu hội đủ điều kiện sẽ được chứng nhận khả năng cấp bằng cử nhân.

VuNguyen

Vu Nguyen

VuNguyen

Posted by VuNguyen

: