Dịch sởi bùng phát, các bác sĩ phải làm liên tục suốt 28 tiếng không chợp mắt. Bác sĩ điều trị buồng thay vì tối đa 8 trẻ một ngày, giờ phải theo dõi tới 20-30 trẻ. Việc nhiều đến mức cả ngày có khi không kịp uống nước…

Trong ngày 20/4, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai có 61 bệnh nhân sởi điều trị, trong đó, có 11 ca nặng, nguy kịch, 5 trường hợp phải thở máy. Tại đây, tổng cộng đợt dịch đã có 8 bệnh nhân tử vong vì bị sởi nặng có biến chứng.

Theo các bác sĩ, trước đây, khi chưa có dịch sởi, bệnh nhân trong khoa đã luôn kín giường, và công việc của các y bác sĩ đã khá vất vả. Khi sởi bùng phát, số bệnh nhân tăng, số ca nặng đông, bệnh nhân thở máy nhiều, áp lực và cường độ công việc càng lớn, tăng gấp đôi.

“Công việc chăm sóc các cháu bệnh nặng của điều dưỡng có khi tăng lên gấp 3-4 lần so với trước. Nếu phải trực, chúng tôi làm từ lúc 7 rưỡi sáng hôm trước tới hết 12 giờ trưa hôm sau, liên tục 28 giờ, thậm chí một số người sau đó còn tiếp tục về giảng dạy tại trường y thì số giờ làm việc liên tục là 36 tiếng”, bác sĩ Trương Văn Quý, phòng cấp cứu, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

Hết giờ làm, đã thay áo blouse để về nhà, nhưng bệnh nhân nặng tới, bác sĩ khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai lại tiếp tục khám tới cả tiếng sau. Ảnh: M.T.

 

Ngoài cường độ công việc cao, các y bác sĩ còn phải đối mặt với nhiều vấn đề ngoài chuyên môn, từ việc bệnh nhân đông, không có giường nằm, thiếu máy thở tới nỗi bức xúc, thái độ khó chịu của cha mẹ có con ốm.

 

“Bọn mình là thầy thuốc, làm căng thẳng nhưng có thể về với gia đình sau một ngày vất vả. Còn cha mẹ bé, có những người phải vạ vật suốt 1-2 tuần tại viện trong điều kiện ăn ở thiếu thốn, bức bối, lại căng thẳng vì tình trạng bệnh con nặng, không được chăm sóc tận tình do quá tải. Họ stress và phải kiềm chế rất nhiều nên có lúc bùng nổ là điều không có gì khó hiểu. Chúng tôi rất chia sẻ và chỉ biết cố gắng hết sức trong khả năng của mình để cứu, chữa cho các cháu”, bác sĩ Quý thổ lộ.

 

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Nhân, Phó khoa Nhi Tổng hợp (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) cho biết, từ cuối tháng 3 tới nay, khoa luôn trong tình trạng quá tải (chỉ có 40 giường nhưng đỉnh điểm phải điều trị cho 133 ca sởi, còn phổ biến là 100-200 bệnh nhân). Vì thế, các thầy thuốc trong giờ làm hầu như không lúc nào được ngơi tay.

 

Theo chị Nhân, theo quy định ngành, một bác sĩ điều trị trong buồng bệnh cho dưới 8 trẻ một ngày, nhưng nay mỗi người phải phụ trách tới 20-30 trẻ, nên công việc dường như không lúc nào kết thúc, từ khám bệnh tới viết y lệnh cho y tá thực hiện, hoàn tất hồ sơ hành chính, và cứ 5-10 phút lại giải thích cho cha mẹ bệnh nhân tới hỏi tình trạng của con. “Nhiều người cả ngày còn không đi tiểu vì suốt từ sáng tới tối không có thời gian để uống một giọt nước”, bác sĩ chia sẻ.

 

Bệnh nhân đông, các ca nặng nhiều, bác sĩ vất vả, điều dưỡng căng thẳng vì công việc nhiều, trẻ bị bệnh cũng thiệt thòi hơn, vì các em sẽ ít được chăm sóc khi các nhân viên y phải luôn tay tiêm, truyền, theo dõi, điều chỉnh máy… cho hết bé này tới trẻ khác, không còn thời gian để săn sóc từng em.

 

vien-nhi-3186-1398137947.gif
Nhân viên y tế tại khoa truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi trung ương, chăm sóc trẻ sởi nặng trong tua trực tối 21/2. Ảnh: M.T.

 

“Vì quá đông nên đôi khi chúng tôi không thể quán xuyến cẩn thận từng cháu, phải phân loại tình trạng nặng – vừa – nhẹ để ưu tiên, người nhà bệnh nhân không hiểu lại nghĩ chúng tôi không quan tâm hoặc thiên vị”, một nữ điều dưỡng khoa truyền nhiễm Bệnh viện Nhi trung ương cho biết.

 

Là tuyến cuối của toàn miền Bắc, Bệnh viện Nhi trung ương là nơi dồn về các ca bệnh nặng, và cũng vì quá tải, nơi đây trở thành “ổ dịch sởi” với số ca bệnh nhi mắc sởi đông, tỷ lệ lây chéo cao và chiếm tới 95% số ca tử vong do sởi. Từ cuối năm ngoái tới nay đã có gần 1.500 bệnh nhi điều trị sởi tại viện, con số đang lưu lại đây lúc này là gần 160 bé, trong đó, nhiều trường hợp tình trạng nặng phải thở máy. Để có chỗ cho bệnh nhi nằm, phó trưởng khoa truyền nhiễm và các bác sĩ đã nhường phòng của mình, dọn xuống phòng kho để kê thêm giường, cũi cho các bé mắc sởi.

 

Toàn bộ nhân sự, từ Ban giám đốc bệnh viện đến các bác sĩ, điều dưỡng đều phải thực hiện lệnh “tổng động viên”. Trong đó, cán bộ nhân viên không được duyệt nghỉ phép, tất cả các khoa chuyên môn đều điều động những bác sĩ, điều dưỡng giỏi nhất – từ người có nhiều kinh nghiệm 3 đến 5 năm đến cả những cán bộ sắp đến tuổi về hưu – để hỗ trợ cho khoa truyền nhiễm và cấp cứu để chống chọi với dịch sởi.

 

Bác sĩ Trần Văn Học, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Nhi trung ương cho hay, từ ra Tết tới nay, ông chưa từng biết đến cuối tuần, và chỉ dám xin nghỉ 2 ngày: giỗ bố đẻ và giỗ bố vợ. “Nhiều hôm, mình vẫn về nhà nhưng vợ con chẳng nhìn thấy lúc nào, vì 6 giờ sáng đã đến cơ quan, 9-10 giờ đêm mới về”, bác sĩ chia sẻ.

 

Untitled-6-1446-1398137947.gif
Điều dưỡng tiêm truyền cho bệnh nhi tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương. Ảnh: M.T.

 

Ngay những việc tưởng chừng như đơn giản là tiêm, truyền đôi khi cũng là cả thử thách với nhân viên y tế, khi trẻ còn quá nhỏ, sức khỏe yếu.

 

Nhìn cánh tay thâm tím, chi chít vết sẹo của em bé một tuổi do những ven lấy bị vỡ, cô điều dưỡng 24 tuổi Trần Thị Yến, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, không giấu được nỗi xót xa. Loay hoay 4 lần lấy ven vẫn không thành, Yến bật khóc, muốn bỏ cuộc. Nhưng sau đó, nhìn ánh mắt người cha vừa xót con, vừa cầu khẩn mình, Yến lại tiếp tục công việc và đã thành công.

 

“Em bé trước đó đã điều trị viêm phổi hơn một tuần, các ven đều đã chai hết vì bị lấy nhiều. Mấy ngày nay em còn không ăn uống được gì nên người yếu, khóc không ra hơi”, Yến kể.

 

Đây chỉ là một trong rất nhiều tình huống khiến Yến, cũng như nhiều đồng nghiệp muốn bật khóc trong những ngày chăm sóc, điều trị cho các bé mắc sởi thời gian qua, tại khoa Nhi, Bệnh viện các bệnh nhiệt đới Trung ương.

 

Yến cho biết, những ngày này, hầu như tất cả y bác sĩ trong khoa đều phải căng như dây đàn. Giờ làm việc bắt đầu từ 7 rưỡi nhưng mọi người đều cố gắng đi sớm hơn, khi đã bắt tay vào việc rồi thì hầu như hiếm lúc nào có thể ngừng tay.

 

“Có những ngày quá mệt mỏi, áp lực, căng thẳng với công việc, đi làm về, bao nhiêu kìm nén bùng nổ, em nằm vật ra giường khóc, không thiết gì. Nhưng sau đó, nghĩ tới bao em bé còn cần mình, em xốc lại tinh thần và lại tiếp tục”, Yến thổ lộ.

 

Nỗi trăn trở, xót xa lớn nhất của những người thầy thuốc là nhiều khi, dù dùng hết các phương tiện, nỗ lực hết sức mà vẫn không cứu được trẻ. 

 

“Nhiều cháu bị nặng, diễn biến khó lường và ra đi rất nhanh… khiến người thầy thuốc luôn có tâm lý căng thẳng, đôi lúc cũng cảm thấy bất lực, xót xa. Có những lúc, không khí trong khoa trầm hẳn xuống, nhiều người không giấu nổi nước mắt”, bác sĩ Trương Văn Quý, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết.

 

Phó giáo sư Bùi Vũ Huy, trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chia sẻ, nhiều người cho là nhân viên y tế “máu lạnh” nên mới “coi như không” khi chứng kiến những ca bệnh tử vong đau lòng. Thực tế, họ luôn phải gồng mình trong cuộc chiến giành giật sự sống cho bệnh nhân, phải kiềm chế cảm xúc cá nhân tối đa để hoàn thành trọng trách chữa bệnh cứu người.

 

Ông nhớ mãi câu nói của một cụ già – thân nhân người bệnh chết vì sởi mấy chục năm trước: “Bác sĩ hãy bình tĩnh lại. Anh mà như thế này thì chúng tôi sợ lắm. Bác sĩ đã làm hết lòng rồi”. “Từ lần đó, tôi luôn tự nhắc nhở mình phải can đảm hơn, kiên định hơn bởi trách nhiệm của mình cao hơn, không chỉ là cứu bệnh nhân mà còn để người thân của họ yên lòng…”, bác sĩ Huy chia sẻ.

 

Đợt sởi năm nay, khi chứng kiến một trẻ tử vong vì biến chứng quá nặng, nhiều anh chị em trong khoa đã rất sốc, buồn, day dứt. Và vị trưởng khoa chính là người động viên mọi người lấy lại tinh thần, cố gắng hơn nữa để cứu sống được nhiều cháu khác. “Chỉ bình tĩnh chúng tôi mới có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ”, bác sĩ Huy nói.

 

Không chỉ nỗi lo về gánh nặng công việc, các bác sĩ còn có những nỗi lo âm thầm khi có thể mang bệnh về nhà bất cứ lúc nào. 

 

Chỉ 2 tuần đi làm lại sau thời gian nghỉ sinh, nữ bác sĩ khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, vô cùng sốc khi bé con mới mới 8 tháng tuổi của mình mắc sởi. Người mẹ day dứt vì cho rằng chính mình mang mầm bệnh từ tâm sởi về truyền cho con. Hằng ngày chứng kiến nhiều ca nhi biến chứng nặng, thậm chí tử vong tại nơi làm việc, chị càng lo lắng, thậm chí đã khóc rất nhiều. May mắn là em bé của chị chỉ sốt, phát ban sởi rồi nhanh chóng bình phục.

 

“Là người trong ngành, chúng tôi ai cũng biết sởi rất dễ lây, và dù con cái đã được tiêm phòng, chúng tôi vẫn vừa làm vừa lo khi ngày ngày đều tiếp xúc với bệnh nhân sởi. Nếu lỡ con bị lây bệnh, chúng tôi sẽ vô cùng day dứt, bởi mình là thầy thuốc, lẽ ra phải là người biết cách chăm sóc và bảo vệ con nhưng lại trở thành nguồn lây bệnh cho con”, bác sĩ Trương Văn Quý, phòng cấp cứu, khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ.

 

“Nồng độ vi khuẩn trong bệnh viện hiện tại cực kỳ cao. Các bậc cha mẹ không ai muốn đưa con vào viện lúc này, nhưng bác sĩ chúng tôi thì không thể không tới”, anh Quý nói.

 

Tại Bệnh viện nhi Trung ương, người nhà một số y bác sĩ cũng đã mắc sởi. Bác sĩ Liên Hà, khoa nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, có con 16 tháng tuổi, cho rằng, đã vào ngành y là phải chấp nhận các nguy cơ. Lo lắng, sợ hãi không giải quyết được việc gì. “Phải có hiểu biết để phòng bệnh cho chính mình và cho con, đồng thời sẵn sàng chấp nhận mọi thứ có thể đến. Không ai trong chúng tôi từ chối trách nhiệm”, chị chia sẻ thêm.

 

 

VuNguyen

Vu Nguyen

VuNguyen

Posted by VuNguyen

: