Một bộ hồ sơ xin học bổng hoàn chỉnh mà bạn cần chuẩn bị để gửi cho trường bao gồm sơ yếu lý lịch (personal statement), đơn xin học bổng, bảng điểm, chứng chỉ, bằng cấp, thư giới thiệu. Nhưng trong đó phần nào là quan trọng nhất? Trong đó, Đơn xin học bổng thì có mẫu sẵn, bạn chỉ cần điển vào. Bảng điểm, bằng cấp,… là những bằng chứng cho thấy quá trình nỗ lực, phấn đấu của bạn trong quá khứ. Còn thư giới thiệu do người khác viết về bạn, thường là nói tốt cho bạn. Riêng chỉ có bài luận, trình bày mục tiêu xin học bổng là hoàn toàn nằm trong tay bạn, tùy thuộc vào khả năng của bạn, bạn phải thuyết phục hội đồng tuyển “Tại sao họ nên nhận bạn vào học? Tại sao bạn xứng đáng nhận được học bổng này? Và nếu họ cấp học bổng cho bạn họ sẽ không nuối tiếc. Vì sao? Vì ngoài trình độ học vấn, bằng cấp, bạn còn nhiều thứ khác nữa. Vậy bài luận nên được viết như thế nào? – Câu hỏi muôn thuở của các bạn có ước mơ đi du học bằng con đường học bổng.

Sau đây THANH TÂM xin chia sẻ những bí quyết để viết bài luận thành công.

  1. Tìm kiếm ý tưởng

Đa số sinh viên đều bí tại bước này. Bạn cũng đừng quá lo lắng khi chưa tìm ra cho mình ý tưởng hay cho bài luận của mình. Bởi vì bạn không thể chọn được đề tài hay chỉ trong vài ba phút suy nghĩ, mà hãy dành 1-2 tuần nuôi dưỡng những ý tưởng của mình. Hãy tham khảo một số gợi ý dưới để tìm ra ý tưởng cho mình:

  • Bạn đã từng gặp khó khăn hay vấp ngã trong cuộc sống? Bạn đã làm gì để vượt qua những lúc đó?Tuy nhiên, bạn không nên kể vanh vách những biến cố trong cuộc đời bạn để làm khổ nhục kế với hội đồng xét tuyển nhé, vấn đề là bạn đã vượt qua biến cố đó như thế nào và bạn đã rút ra được những bài học gì?
  • Bạn đã nỗ lực, phấn đấu hết mình cho mục tiêu mà bạn đã đặt ra hay chưa? Dù thành công hay thất bại, bạn hãy cho hội đồng xét tuyển biết bạn đã thực hiện như thế nào?
  • Những thành quả trong thời gian của bạn, mặc dù đó không hẳn là thành tích nổi trội, nhưng nó có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với bạn.
  • Những đặc tính mà bạn cho là nổi trội nhất của bạn.
  • Bạn có tham gia các hoạt động ngoại khóa không? Tại sao bạn lại tham gia các hoạt động đó? Điều đó có giúp ích gì cho học tập và cuộc sống của bạn không? Và đến nay, bạn vẫn còn tham gia hoạt động ngoại khóa nữa hay không?
  • Bạn muốn bạn sẽ là ai trong tương lai và làm gì? Nơi bạn muốn sống là ở đâu, bộ phim hay cuốn sách,.. bạn yêu thích gì là và tại sao bạn lại thích chúng?…

Tất cả những điều đó, sẽ giúp hội đồng xét tuyển nhận rõ bạn là ai?

  • Theo bạn thì phẩm chất nào của con người là quan trọng nhất? Tại sao? Và cuối cùng, học bổng này có ý nghĩ như thế nào đối với bạn?
  1. Chọn đề tài

Sau khi bạn tìm được ý tưởng cho bài viết của mình và những thành phần khác như mục tiêu cuộc sống, kinh nghiệm sống,…Nhưng chưa đủ đâu, bạn cần một đề tài hay để gắn kết các ý trên với nhau thành một thể thống nhất. Hãy chọn ra đề tài độc đáo để có thể ghi dấu ấn trong đầu một người mỗi ngày phải đọc hàng ngàn bài luận như bạn.

Bạn có thể tham khảo những gợi ý dưới đây.

  • Nếu bạn kể về những gì xảy ra trong cuộc đời bạn, bạn nên lồng vào những kinh nghiệm bạn thu nhận được.
  • Nếu như bạn dự định viết bài luận mình thành thể thơ tự do thì hãy cẩn thận. Thứ nhất, nó chỉ phù hợp với những học bổng có yếu tố sáng tạo đặt lên hàng đầu. Thứ hai, thể này thường bị xếp vào loại nghèo nàn thông tin, và đương nhiên bạn cũng dễ bị đánh rớt.
  • Đừng nên nhắc đến điểm số ở trường hay điểm TOEFL của bạn nhé, mặc dù bạn tự hào về chúng vì những điều đó, hội đồng tuyển sinh đã thấy trong hồ sơ dự tuyển của bạn rồi.
  • Nếu một đề tài mà bạn cứ loay hoay nhiều ngày liền vẫn chưa tìm được dẫn chứng nào sống động thì nên chuyển qua đề tài khác.
  • Bạn cũng đừng quá ôm đồm bởi vì bạn không thể truyền đạt hết tất cả các loại thông tin trong khi bài viết của bạn có giới hạn.
  • Tránh sa đà vào các vấn đề chuyên môn. Nếu bạn đang nói môn sinh học mà môn yêu thích thì nghe có vẻ ổn, tuy nhiên là sai lầm nếu như bạn đang ngồi phân tích tỉ mỉ từng chi tiết con vật như trong sách giáo khoa,…Bởi hội đồng xét tuyển sẽ cho rằng bạn đang phô diễn kiến thức của mình đấy.
  • Mở đầu bài viết luôn đóng vai trò quyết định, đừng nên xem nhẹ nó. Bởi vì phần mở bài của bạn vô cùng chám chán thì hội đồng xét tuyển sẽ không đủ kiên nhẫn để đọc tiếp đâu.
  • Đề tài của bạn có xưa như trái đất hay không thì bạn hãy tham khảo 100 bài luận trên EssayEdge để rút kinh nghiệm cho mình. Tuy nhiên, nếu bạn có câu trả lời độc đáo, thông minh đủ để bật ra hàng ngàn các bài luận khác, bạn vẫn cứ chọn.
  • Không nên viết bài luận về những đề tài tôn giáo, chính trị, xung đột,… nếu như bạn không muốn hội đồng xét tuyển nhớ đến bạn theo hướng tiêu cực.
  • Nếu bạn chọn một đề tài về hai chiều hướng trái ngược nhau hay suy nghĩ xung đột nào đó, hãy viết một cách khách quan nhất có thể, đừng nên bênh vực một bên nào.
  • Nếu bạn đang tính sẽ kể về những tháng ngày tuổi thơ khốn đốn, về mẹ bị mất trong vụ tai nạn giao thông, bạn từng bị bắt cóc,…nói chung là những bi kịch trong cuộc đời bạn thì hãy cẩn thận nhé. Bởi vì bài luận của bạn là bài bộc lộ những phẩm chất quý giá nhất của bạn chứ không phải bài cho bạn kể về những câu chuyện đẫm nước mắt để hồi đồng xét tuyển thấy mủi lòng và cấp học bổng cho bạn. Đừng để họ nhớ đến bạn như là một thí sinh tội nghiệp, trong khi bạn hoàn toàn có thể để lại ấn tượng là một thí sinh nghị lực và có phẩm chất tốt dù trong hoàn cảnh nào. Và cũng đừng bao giờ nói dối về hoàn cảnh bản thân nhé, nếu bạn là một cô gái cưng của gia đình bố làm kỹ sư, mẹ là bác sĩ mà bạn lại than ngắn thở dài về gia cảnh bần hàn.
  • Không nên đề cập đến những khuyết điểm của bạn, trừ trường hợp cần thiết. Đặc biệt là bia, rượu, thuốc lá,… dù bạn có hào hứng đến mấy khi nhắc đến chủ đề này. Bài luận của bạn có giới hạn, do đó đừng nên phung phí vào những câu chuyện làm bạn mất điểm.
  • Bài luận chứ không phải là bài hồi ký, do đó không nên nói thật đến từng milimet về cuộc đời bạn, mà chỉ đề cập đến những chi tiết làm nền móng xây dựng và làm nổi bật tính cách, khả năng của bạn thôi.
  • Và trước khi đặt bút viết, hãy trả lời được câu hỏi: Hội đồng xét tuyển có nhớ đến bạn sau khi đọc hàng ngàn bài luận khác hay không? Và họ nhớ gì về đề tài cũng như ấn tượng động lại trong đầu họ là gì?
  1. Xác định cấu tứ và lập dàn ý cho bài luận

Bạn sẽ dễ dàng viết bài luận hơn khi bạn đặt và trả lời các câu hỏi như:

  • Why: Tại sao bạn muốn đi du học? Tại sao bạn lại chọn ngành học này, trường học này?
  • What: Bạn kỳ vọng điều gì vào khóa học này? và khóa học này sẽ đem lại cho bạn những gì?
  • How: Sau khi bạn kết thúc khóa học, bạn sẽ ứng dụng những điều học được như thế nào?

Và thêm những điểm cộng cho bài viết:

  • Nói về thành tích, kinh nghiệm, động lực, đam mê hay sở thích đặc biệt nào đó của bạn.
  • Hướng nghiên cứu sau khi kết thúc khóa học/ tiềm năng phát triển của bạn sau này. Nếu bạn xin học bổng Thạc sĩ/ học bổng nghiên cứu thì điều này rất quan trọng.
  • Nếu học bổng bạn xin trái ngành mà trước đây bạn học, hãy thể hiện cho hội đồng xét tuyển thấy rõ lý do tại sao bạn muốn chuyển lĩnh vực khi học cao. Những lý do bạn đưa ra logic, hợp lý thì các nhà tuyển sinh đều đánh giá và cân nhắc.
  1. Kỹ năng cần thiết khi viết bài luận
  • Đầu tư suy nghĩ cho dàn ý: Sau khi chọn được chủ đề, hãy lập dàn ý đại cương. Trong phần dàn ý này, bạn không cần phải viết câu hoàn chỉnh, chỉ cần liệt kê từng ý bạn sẽ nói ra hoặc vẽ hình, lập bảng biểu,…
  • Viết bài luận ngắn gọn, sung tích: Hầu như bài luận chỉ giới hạn từ 300-600 từ, do đó bạn tránh sử dụng những từ, cụm từ thừa, rờm rà mà hãy tập trung nói những ý chính nhưng vẫn có thể chuyển tải đầy đủ thông điệp của mình đến hội đồng xét tuyển.
  • Không viết lạc đề: Bạn phải đảm bảo được bài luận của mình trả lời theo những vấn đề trong đề tài. Chẳng hạn, bạn đang viết bài luận về chủ đề như “Bạn rút ra được bài học gì từ một tình huống có khăn”, thay vì nêu ra những bài học bài rút ra từ tình huống đó, bạn lại sa đà đi miêu tả tình huống.
  • Tránh lối viết nhàm chán: Đừng ngần ngại thể hiện cá tính của mình và thể hiện cho hội đồng xét tuyển thấy bạn không phải là một trong những thí sinh nhàm chán, mờ nhạt như những sinh viên khác.
  • Nói cụ thể: Đừng viết một cách chung chung, đại khái mà hãy sử dụng dẫn chứng cụ thể, có thật hơn là những điều bạn đang cố tưởng tượng.
  • Không nên sử dụng những ngôn từ hoa mĩ: Hãy viết bài luận một cách tự nhiên, trôi chảy và chân thành nhất. Hội đồng xét tuyển sẽ không thích nếu như bạn quá khoa trương hay gò bó.
  • Viết kết bài thật ấn tượng: Nếu nói phần mở đầu là phần đáng chú ý nhất thì phần kết luận cũng rất quan trọng. Đoạn kết này không phải là tổng kết lại mấy trăm từ mà bạn đã nói trước đó, mà đây là sợ dây gắn kết các ý lại với nhau thêm chặt chẽ hơn.
  • Luyện tập trước khi viết chính thức: Đây là yếu tố rất cần thiết cho bài luận của bạn tốt hơn, logic hơn. Nếu bạn đã viết được một số bài luận, bạn sẽ có kinh nghiệm, kỹ năng cho bài luận chính thức của mình.
  • Kiểm tra kỹ càng sau khi viết: Hãy dành thời gian kiểm tra lại lỗi chính tả trên bài viết của mình bằng các chức năng của máy tính, nhưng tốt hơn bạn nên nhờ người khác đọc và góp ý cho bạn.

Posted by vietditru_saigon

: