Đại học Sorbonne nằm ở “Khu phố La Tinh”, nơi tập trung nhiều trường đại học nổi tiếng của Paris
Năm 2007, tại Pháp, chính phủ cánh hữu của tổng thống Nicolas Sarkozy đã bắt đầu tiến hành cải cách giáo dục đại học bằng việc trao quyền tự quản lý cho các trường đại học. Với cải cách này, các trường được phép tự chủ cân đối tài chính và tuyển dụng lao động. Sau 5 năm, cải cách đó có hiệu quả hay không ? Le Monde thử tìm câu trả lời với bài viết : «Các trường đại học tăng biện pháp khắc khổ ».
Theo Le Monde, hiện tại ở Pháp, có đến 16 trên 76 trường đại học dự phóng sẽ bị thâm hụt ngân sách trong năm 2013. Con số thâm hụt một năm trước đó là 15 trường. Có đến 9 trường bị thâm hụt hai năm liên tiếp (2011 và 2012). Để bù ngân thâm hụt, các trường phải rút nguồn quỹ dự phòng. Kết quả là có đến 30 trường phải kết thúc năm tài khóa 2012 với số vốn luân chuyển dưới ngưỡng dự phòng 30 ngày. Dự tính năm 2013, con số này sẽ là 50 trường.
Trong bối cảnh đó, nhiều trường đã buộc phải tìm đủ cách để tiết kiệm tiền. Các biện pháp thắt lưng buộc bụng có nhiều như việc giảm thỉnh giảng, tận dụng tối đa nguồn lao động sẵn có, hạn chế ký thêm hợp đồng, cắt giảm một số vị trí, tạm ngừng đào tạo một số ngành ít người học…
Nguyên nhân thất bại ?
Bàn về nguyên nhân thất bại của biện pháp tự chủ đại học tại Pháp, Le Monde nhấn mạnh đến hai nguyên nhân chính. Thứ nhất, đó là do năng lực quản lý của các trường còn hạn chế. Thứ hai là do khi được giao quyền tự chủ, các trường đã không cân đối được nguồn lao động và lại cho tuyển dụng thêm và ký hợp đồng ào ạt. Hậu quả là guồng máy của trường phình ra, ngân sách của trường phải tốn thêm một số tiền khổng lồ để chi trả lương lao động.
Để khẳng định thêm cho nguyên nhân đó, Le Monde trích dẫn báo cáo của hai thượng nghị sĩ Pháp được công bố hồi tháng Tư năm 2013, theo đó, các trường đã thiếu năng lực quản lý và điều hành, thiếu năng lực tự chủ và cân đối tài chính. Trong khi đó thì các cơ quan hữu quan của chính phủ lại không có biện pháp theo dõi để hỗ trợ các trường. Le Monde nhận định : Đó là «một sự học tập hết sức khó khăn về quyền tự chủ » của các trường đại học.
Pháp-Miến Điện « thu hút » lẫn nhau !
Hôm nay, tổng thống Miến Điện, Thein Sein, thăm chính thức nước Pháp. Sự kiện này thu hút nhiều chú ý của báo chí Pháp hôm nay. Báo Le Figaro đăng bài : «Thảm đỏ ở Paris đón chào « Gorbatchev của Miến Điện » », báo L’Humanité cũng chạy tựa : «Hollande trải thảm đỏ đón chào tổng thống Miến Điện ».
Hai tờ báo dùng từ « thảm đỏ » để chỉ thái độ chào đón của nhà cầm quyền Pháp đối với tổng thống Miến Điện. Đất nước Á Châu này vừa bắt đầu thoát khỏi chế độ quân phiệt và mở cửa kinh tế hồi năm 2011. Ông Thein Sein đã được đón chào ở Hoa Kỳ hồi tháng Năm và ở Anh vào thứ Hai rồi. Miến Điện được xem là « một thiên đường kinh tế » với nguồn tài nguyên dồi dào chưa được khai thác. Nước này cũng tọa lạc ở một vị trí địa lý hết sức chiến lược. Bởi vậy mà các nước thi nhau tranh thủ cơ hội vàng tìm vào khai thác.
Pháp có quan hệ kinh tế với Miến Điện không phải mới đây. Từ năm 1992, nhiều tập đoàn lớn của Pháp đã có mặt ở nước này, như Vinci, Bouygues, Orange và Total. Hiện tại, các công ty này đang chờ đợi có được những hợp đồng béo bỡ từ chính phủ Miến Điện.
Thế nhưng, L’Humanité và Le Figaro đồng loạt kêu gọi tổng thống Pháp đừng quên đề cập với người đồng nhiệm Miến Điện về những hồ sơ nhạy cảm ở Miến Điện, như xung đột sắc tộc và tôn giáo, xung đột giữa quân đội và các nhóm thiểu số, hay như hồ sơ tù nhân chính trị…
L’Humanité tỏ ra ngờ vực khi đặt câu hỏi : Tổng thống Hollande sẽ nói gì đây khi mà lợi ích kinh tế là to lớn, khi mà sự cạnh tranh đến từ Mỹ, Ấn Độ hay Trung Quốc ở thị trường Miến Điện là hết sức khốc liệt ? Tờ báo cũng không quên nhắc lại rằng, tập đoàn Total đã được hưởng nhiều ưu ái của chính quyền quân phiệt cũ của Miến Điện, và đã từng bị cáo buộc là thông đồng trong « các vụ ám sát » và « lao động cưỡng bức » ở nước này.
Người Trung Quốc biết sử dụng sức mạnh quần chúng
Nhìn sang Trung Quốc, Le Figaro nhấn mạnh đến sức mạnh quần chúng với bài viết : «Người Trung Quốc cùng nhau chống ô nhiễm ». Mới hôm thứ Sáu rồi, tại Hạc Sơn thành phố Giang Môn tỉnh Quảng Đông Trung Quốc, hàng ngàn người dân đã xuống đường bao vây trụ sở chính quyền Giang Môn phản đối dự án xây dựng một nhà máy làm giàu uranium vì lo ngại ô nhiễm cho môi trường sống xung quanh. Ngay ngày hôm sau, chính quyền Giang Môn đã ra thông cáo dừng dự án này nhằm cho thấy chính quyền « tôn trọng đầy đủ ý kiến của quần chúng ».
Thế nhưng, theo Le Figaro, nguyên nhân sâu xa của sự nhượng bộ này đó là chính quyền lo sợ xảy ra bất ổn xã hội. Đây không phải là lần nhượng bộ đầu tiên, mà đã nhiều lần chính quyền phải hủy bỏ dự án gây ô nhiễm trước sức ép của quần chúng.
Tờ báo nhắc lại, sau mấy thập niên phát triển kinh tế thần tốc, chính quyền Trung Quốc đã không xem trọng môi trường, và hậu quả là hiện tại, đã xuất hiện trên 400 « ngôi làng ung thư », vấn đề ô nhiễm đã trở thành một vấn đề nhức nhối của Trung Quốc.
Người dân nhiều địa phương đã cùng nhau xuống đường, tấn công cả trụ sở chính quyền để bảo vệ môi trường sống. Một giáo sư chính trị học tại Hồng Kong nhận định tình hình này như sau : « Xã hội dân sự Trung Quốc đang được củng cố, người dân nhận thức được rằng, nếu tổ chức tốt, có đông người và đoàn kết, thì họ có thể buộc chính quyền chùn bước ».
Trung Quốc : Cạnh tranh = Hối lộ
Cũng liên quan đến Trung Quốc, nhật báo Libération đăng bài phản ánh việc tập đoàn dược phẩm Anh Quốc GlaxoSmithKline hoạt động tại Hoa Lục đã tung tiền tạo ra mạng lưới hối lộ trên khắp nước Trung Quốc với ý đồ mua chuộc chính quyền nhằm tìm kiếm lợi ích trên thị trường.
Giá thuốc của hãng này có khi tăng gấp 10 lần so với bình thường. Theo nhà chức trách Trung Quốc, trong vòng 6 năm, tập đoàn này đã bỏ ra đến 376 triệu euro cho các hoạt động đút lót chính quyền. Libération cho biết, sự việc như vậy không phải là đầu tiên, mà đã có nhiều ở Trung Quốc.
Nhà chức trách nước này thừa nhận là nhiều doanh nghiệp nước ngoài đã thực hiện những vụ « chuyển tiền bất hợp pháp ». Còn tạp chí Tài Kinh của Trung Quốc cũng nêu rõ : «Đó là một phần của luật chơi, và các tập đoàn xuyên quốc gia không có chọn lựa nào khác nếu muốn cạnh tranh với các tập đoàn Trung Quốc ».
Thái Lan : « Hòa bình Ramadan »
Cũng tại Châu Á, nhật báo Công Giáo La Croix chú ý đến tình hình xung đột giữa chính phủ Thái Lan với các nhóm Hồi Giáo ly khai tại miền Nam qua hàng tựa : “Xung đột miền Nam Thái Lan dịu bớt”.
Tờ báo cho biết, đàm phán giữa chính phủ Thái Lan với các nhóm Hồi Giáo li khai tại miền Nam từ đầu năm đang tiến triển theo chiều hướng tích cực. Hồi đầu tháng Bảy này, hai bên đã ký thỏa thuận đình chiến trong tháng Ramadan của người Hồi Giáo. Phó thủ tướng Thái Lan, Pracha, cũng cho biết, từ đầu tháng này, xung đột và thương vong đã giảm đi.
Như một động thái bày tỏ thiện chí, hôm qua, phó thủ tướng Pracha cũng đã thông báo chính phủ sẽ rút bớt quân đội ra khỏi khu vực giao tranh. Tờ báo dẫn lời một người làm trung gian cho đàm phán giữa hai bên, cho rằng: “Nếu không có trục trặc gì ngoài ý muốn, thì chúng ta có thể sẽ thấy ánh sáng ở cuối đường hầm”.
Các nước giàu khổ vì thất nghiệp
Hôm qua, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã công bố dự báo kinh tế trong thờ gian tới trong đó nhấn mạnh đến viễn ảnh thất nghiệp gia tăng. Nhật báo kinh tế Les Echos chạy tựa lớn trên trang nhất: “50 triệu người thất nghiệp: thử thách của các nước giàu”.
Theo thống kê hồi tháng Năm rồi, ở 34 nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) có đến 50 triệu người thất nghiệp, tức tăng thêm 16 triệu người so với giai đoạn trước năm 2008. Tình hình ở khu vực đồng euro còn đáng lo ngại hơn. Ngoại trừ Đức và Estonia, thất nghiệp ở các nước thành viên khác sẽ tiếp tục leo dốc và dự phóng sẽ lên đến 12,3% dân số lao động vào cuối năm 2014.
OECD cho rằng, thất nghiệp của Pháp sẽ không giảm đi vào cuối năm nay như cam kết của tổng thống Pháp Hollande, mà sẽ tiếp tục tăng và sẽ lên mức 11,2% vào cuối năm 2014. OECD kêu gọi các nước giàu “tăng cường nổ lực” trong đó nhấn mạnh hai biện pháp: hổ trợ tiêu dùng và cải cách cấu trúc.
Hy Lạp : Càng khắc khổ càng thêm khổ?
Cũng liên quan đến vấn đề này nhật báo Công Giáo La Croix đặt trọng tâm chú ý đến Hy Lạp với bài xã luận: “Một chính sách khắc khổ chưa có hồi kết”. Tờ báo cho biết, hôm qua là ngày tổng đình công phản đối khắc khổ tại Hy Lạp. Hàng ngàn người chống khắc khổ đã xuống đường. Số là chính phủ Ai Cập đã tiến hành nhiều cải tố cấu trúc để đổi lại khoản trợ giúp tài chính của bộ ba chủ nợ IMF, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và Ủy Ban Châu Âu.
Thế nhưng, một dự luật đang được đệ trình ra nghị viện Hy Lạp về việc tiếp tục cải tổ cấu trúc để được nhận đợt hổ trợ tài chính mới theo điều kiện của bộ ba chủ nợ. Theo dự luật này, từ đây đến cuối năm sẽ giảm 4000 việc làm và thiên chuyển công tác 12 500 cán bộ.
Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là chính sách khắc khổ đã mang lại được gì cho Hy Lạp? Theo La Croix, con tàu Hy Lạp đã tạm không bị đắm, nhưng được bao lâu thì chưa biết. Còn cái giá phải trả thì đã hiển hiện. Những người Hy Lạp nghèo khổ nhất lại chính là những người bị chính sách khắc khổ ảnh hưởng nặng nề nhất.
Thất nghiệp ở Hy Lạp hiện đã đến 27% dân số lao động, trong đó thất nghiệp của những người tuổi dưới 26 chiếm 57,5% trong khi con số này hồi năm 2008 là 22,3%. Tình hình căng thẳng đến mức như đã nói ở trên, hôm qua OECD đã kêu gọi các nước trong khối, nhất là khu vực đồng euro, tăng cường nổ lực chống thất nghiệp.
Hưu trí muộn có thể chống lại bệnh Alzheimer?
Trên hồ sơ y tế, Le Figaro đăng bài đáng chú ý: “Hưu trí trễ để chống lại bệnh Alzheimer”. Tờ báo cho biết, hôm thứ Hai này, tại Hội nghị quốc tế về bệnh Alzheimer tổ chức ở Boston-Hoa Kỳ, các nhà nghiên cứu Pháp đã công bố kết quả một cuộc điều tra khá lý thú, theo đó, sau tuổi 60, cứ mỗi năm còn đi làm việc sẽ giúp giảm 3% nguy cơ mắc bệnh Alzheimer.
Các nước phương Tây đang thấy cần phải tăng tuổi về hưu vì tuổi thọ con người đã tăng nhiều so với quá khứ. Bởi vậy, nghiên cứu nói trên càng là nguồn động viên cho thế hệ lao động hiện tại trong việc họ sẽ về hưu muộn hơn so với thế hệ trước.
Ai Cập: Chính phủ tuyên thệ, biểu tình tiếp diễn
Tiếp tục nhìn về các điểm nóng Ai Cập, Libération ưu tiên gần trọn trang nhất đăng ảnh quân đội đang đối mặt với người biểu tình ủng hộ Morsi với dòng tít lớn: “Đằng sau cuộc đảo chính”.
Tờ báo cho biết, làn sóng biểu tình tại Ai Cập lại tiếp diễn, đụng độ giữa quân đội và người biểu tình ủng hộ Morsi đã xảy ra vào đêm qua làm 7 người biểu tình thiệt mạng. Những người ủng hộ Morsi cho rằng, kịch bản đảo chính từ đầu đến cuối hoàn toàn là do phe quân đội dàn dựng.
Tờ báo cũng cho biết, chiều tối qua chính phủ lâm thời Ai Cập đã tuyên thệ nhậm chức, đáng chú ý là tướng al-Sissi vẫn ở cương vị bộ trưởng quốc phòng, và còn được đảm nhiệm thêm chức phó thủ tướng. Không có thành phần Huynh Đệ Hồi Giáo tham gia chính phủ vì tổ chức này đã kiên quyết tẩy chay chính phủ lâm thời nên từ chối tham gia.
Bên cạnh đó, Libération còn đăng bài xã luận với dòng tựa “Đồng lõa”. Tờ báo chỉ trích gay gắt hành động lật đổ tổng thống Morsi và bạo lực đối với người biểu tình của quân đội Ai Cập. Tờ báo cũng cho rằng, phương Tây đang có sự “im lặng đồng lõa”.
Syria : Lực lượng nổi dậy trong cảnh huynh đệ tương tàn?
Nhìn về điểm nóng Syria, La Croix chạy tựa: “Chiến Tranh Trong Chiến Tranh”, Le Monde thì có bài: “Đấu đá nội bộ đe dọa phe nổi dậy Syria”. Hai tờ báo đều cho biết, lực lượng nổi dậy Syria đang chia năm xẻ bảy. Xung đột võ trang xảy ra ngày càng nhiều giữa các thành phần của lực lượng này.
Một điểm đáng chú ý đó là, theo các tờ báo, từ những ngày đầu, lực lượng nổi dậy “đã mở rộng vòng tay đón những người Hồi Giáo cực đoan”. Để giờ đây, xung đột đã xảy ra giữa Quân Tự Do Syria, nhóm Hồi Giáo cực đoan Al-Nosra, những người thuộc chi nhánh Al-Qaida tại Irak đến tham chiến trên lãnh thổ Syria trong lòng quân nổi dậy … La Croix còn nói rõ, người dân Syria ngày càng tỏ ra bất mãn trước những hành động quá đáng và việc muốn áp dụng luật Hồi Giáo Charia của các lực lượng Hồi Giáo cực đoan nói trên.
Theorfi