Một lần nữa, tổng thống Ý Napolitano phải đứng ra chèo lái con thuyền chính trị của đất nước

 

Tổng thống Ý đang cân nhắc các biện pháp đưa đất nước khỏi cuộc khủng hoảng chính trị sau khi năm bộ trưởng thuộc đảng của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi rút khỏi chính phủ liên minh.

 

Tổng thống Giorgio Napolitano đã tỏ dấu hiệu cho thấy ông sẽ xúc tiến thành lập một chính phủ liên minh mới mà không cần tổ chức bầu cử lại.

 

Phát biểu hôm thứ Bảy ngày 28/9, ông Napolitano nói rằng đất nước cần sự liên tục chính trị.

 

“Chúng ta không cần những chiến dịch tranh cử liên tiếp. Chúng ta cần sự liên tục trong các quyết định, hành động và biện pháp của chính phủ để giải quyết những vấn đề của đất nước,” ông nói.

 

Vào cuối ngày Chủ nhật 28/9, Tổng thống Napolitano dự kiến sẽ gặp Thủ tướng Letta và cuộc hội đàm của hai ông sẽ là dấu hiệu đầu tiên cho thấy đường hướng giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay tại Ý.

 

‘Lừa dối nhân dân’

 

Trước đó, Đảng của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi của Ý thông báo toàn bộ năm bộ trưởng của họ trong nội các sẽ từ chức khỏi chính phủ liên minh.

 

Diễn biến này xảy ra sau nhiều tuần quan hệ xấu đi giữa đảng của ông Berlusconi với liên minh trung hữu của đương kim Thủ tướng Enrico Letta.

 

Ông Berlusconi trước đó từng đe dọa sẽ rút các bộ trưởng nếu như ông bị trục xuất khỏi Thượng viện do gian lận thuế.

 

Berlusconi và các bộ trưởng trong Đảng của ông ta

Dù đã mất chức thủ tướng và bị tòa kết án nhưng ông Berlusconi vẫn không ngừng hoạt động chính trị

 

Vịêc này có thể dẫn đến bầu cử sớm trong bối cảnh kinh tế Ý vẫn đang khủng hoảng.

 

Thủ tướng Letta đã bay về Ý từ New York hôm thứ Sáu ngày 27/9 trong nỗ lực ngăn chặn nguy cơ chính phủ sụp đổ.

 

Sau đó ông phát biểu rằng ông sẽ từ chức trừ phi chính phủ của ông qua được một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm sẽ diễn ra vào tuần tới.

 

Trong một thông cáo, ông Berlusconi cho rằng tối hậu thư này là ‘không thể chấp nhận được’.

 

Đảng Nhân dân Tự do trung tả của Berlusconi phản đối kế hoạch tăng thuế bán hàng của chính phủ vốn là một phần của chính sách giảm nhẹ gánh nợ công khổng lồ của Ý.

 

Ông Angelino Alfano, bộ trưởng Nội vụ đồng thời là lãnh đạo PDL, cáo buộc Thủ tướng Letta ‘vi phạm nghiêm trọng một thỏa ước vốn là nền tảng của chính phủ liên hiệp’.

 

Tuy nhiên Thủ tướng Letta đã phản ứng một cách giận dữ trước hành động từ chức tập thể này. Ông cáo buộc lãnh đạo PDL là đã ‘lừa dối’ người dân Ý bằng việc sử dụng thuế bán hàng để giúp giải tỏa các vấn đề cá nhân của ông ta.

 

Chúng ta không cần những chiến dịch tranh cử liên tiếp. Chúng ta cần sự liên tục trong các quyết định, hành động và biện pháp của chính phủ để giải quyết những vấn đề của đất nước.

Tổng thống Ý Giorgio Napolitano

 

“Tại Quốc hội, bất cứ ai cũng phải chịu trách nhiệm trước quốc dân đối với hành động của mình,” ông phát biểu.

 

Các vấn đề pháp lý của bản thân ông Berlusconi được xem là nguồn gốc gây ra phần lớn căng thẳng trong liên minh.

 

Một ủy ban Thượng viện sẽ quyết định vào tuần tới về việc có trục xuất Berlusconi hay không sau khi Tòa án tối cao mới đây giữ nguyên phán quyết đối với hành vi gian lận thuế của ông ta.

 

Đây là lần đầu tiên bản án đối với Berlusconi vẫn được giữ nguyên dù đã kháng án sau hai thập niên ông phải chống đỡ với các phiên tòa.

 

Berlusconi bị tuyên án một năm tù nhưng nhiều khả năng sẽ bị quản thúc tại gia hoặc phải lao động công ích vì tuổi đã cao.

 

Thủ tướng Ý Enrico Letta

Thủ tướng Enrico Letta đang đứng đầu một chính phủ liên minh rất mong manh

 

Phóng viên BBC Alan Johnston ở Rome cho biết chính phủ hiện tại đã tan vỡ vì Berlusconi tìm mọi cách để Thượng viện không trục xuất ông.

 

Tổ chức bầu cử lại là một khả năng hoàn toàn có thể xảy ra, theo phóng viên Johnston, nhưng cũng có thể một chính phủ liên minh mới sẽ được thành lập với các thành phần trong chính phủ hiện tại.

 

Trước khi có tin về vụ từ chức tập thể này, Tổng thống Ý Giorgio Napolitano đã kêu gọi đoàn kết.

 

“Chúng ta cần một Quốc hội làm việc chứ không phải cứ tan rã liên miên như thế,” ông nói.

 

Chính phủ liên minh hiện nay được thành lập sau cuộc bầu cử hồi tháng Hai vốn không giải quyết được vấn đề.

 

Mọi người lo ngại rằng cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay sẽ làm cản trở các nỗ lực mà nước Ý hiện rất cần để giải quyết các vấn đề kinh tế của họ, trong đó có nợ công, suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao ở thanh niên.

BBC

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: