1

Từ trên trời nhìn xuống, nhà tù Kerobokan trông như một khu căn hộ khổng lồ – có cả sân tennis, nhà thờ và đền thờ Hồi giáo. Nhưng bên trong nhà tù khét tiếng tại Bali là những tội phạm chịu tội buôn ma túy, và sắp bị đội hành quyết 12 người xử bắn.

Trong đó có công dân người Anh 57 tuổi Lindsay Sandiford và hai người Úc, trong nhóm buôn ma túy có biệt danh Bali 9 – Andrew Chan và Myuran Sukumaran.

Đơn xin của Chan và Sukumaran đã bị tổng thống Joko Widodo bác bỏ. Họ sẽ bị tử hình nhưng chưa rõ khi nào.

Tháng trước, sau bốn năm tạm ngưng, Indonesia đã hành quyết tội phạm từ Malawi, Nigeria, Việt Nam, Brazil và Hà Lan, cùng một người Indonesia.

Đợt sóng hành quyết có vẻ do Tổng thống Joko Widodo khởi xướng. Ông mới ở trong cương vị được hơn 100 ngày nhưng đã quyết định cuộc chiến chống ma tuy là ưu tiên.

Andreas Harsono, nhà nghiên cứu cho Human Rights Watch ở Jakarta, phê phán: “Chính sách Indonesia sẽ bị lịch sử chứng tỏ sai lầm.”

“Thái độ của một nước về nhân quyền được quyết định bởi thái độ với án tử hình. Lập trường hiện nay gửi ra thông điệp sai lầm cho thế giới về ưu tiên của Indonesia.”

Chiến dịch tử hình của Indonesia đã dấy lên lo ngại rằng những tội phạm như Lindsay Sandiford, bị kết án năm 2013 vì đem 4.8kg cocaine vào Bali, sẽ bị bác đơn kháng cáo.

Indonesia không phải là nước duy nhất ở Đông Nam Á áp dụng án tử cho tội buôn ma túy. Singapore, Malaysia, Việt Nam cũng thế – và thường với tần suất gây lo ngại.

Cũng ở châu Á, Trung Quốc là nước không ngần ngại dùng án tử cho tội buôn ma túy.

Các nước như Indonesia thường khiến quốc tế lên án khi tử hình công dân nước ngoài vì tội ma túy. Tháng trước, đại sứ Brazil và Hà Lan được triệu hồi về nhà để phản đối việc công dân hai nước bị tử hình.

Nhưng Indonesia biện hộ rằng mỗi ngày ít nhất 40 người Indonesia qua đời vì dùng ma túy quá liều. Mặc dù khó xác nhận con số này, nhưng quả thực Indonesia đã phải đối phó với vấn nạn dùng ma túy gia tăng, đặc biệt trong giới trẻ.

Tại một trại cải tạo bên ngoài Jakarta, các thanh niên kể tôi nghe họ đã dùng ma túy trong phần lớn đời mình thế nào.

“Đời tôi chả ra gì,” Pramudya, 30 tuổi, kể. “Tôi lúc đó không có bạn. Họ không còn nói chuyện với tôi.”

“Tôi chỉ nghĩ làm sao ăn cắp để mua ma túy. Tôi mất hết tất cả.”

Công dân người Anh 57 tuổi Lindsay Sandiford đang chờ thi hành án tử

Pramudya tin rằng cần tử hình những người buôn ma túy để gửi ra thông điệp mạnh mẽ.

“Nó sẽ không ngăn được ma túy nhưng có lẽ khiến thế hệ trẻ nhận thức rõ hơn – đừng đùa với lửa.”

Những người vận động chống án tử hình thì nói những người bị hành quyết chỉ là những con tốt chứ không phải ông trùm.

Các nhà hoạt động nhân quyền nói việc chống buôn ma túy ở Đông Nam Á phải có nỗ lực nhằm bắt những kẻ đầu sỏ.

Nhưng đây là trận chiến khó khăn. Đa số những người Indonesia được hỏi đều ủng hộ tử hình, đặc biệt là với kẻ buôn ma túy.

Thật khó nghĩ rằng sẽ có sự thay đổi trong dư luận.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: