1

Tổng thống Ukraine xác nhận quân nổi dậy thân Nga ở miền đông đã rút lui đáng kể một số vũ khí hạng nặng.

Phát biểu trên sóng truyền hình, ông Petro Poroshenko nói quân đội chính phủ cũng đã rút lui “một số lượng lớn hơn” các hệ thống pháo và hỏa tiễn.

Theo kế hoạch ngừng bắn được nhất trí hồi tháng Hai, hai phía phải rút vũ khí hạng nặng vào đầu tháng Ba.

Lệnh ngừng bắn được cho là vẫn được duy trì, bất chấp giao tranh ở một số nơi.

Cả hai phía đều cáo buộc lẫn nhau là vi phạm lệnh ngừng bắn và sử dụng thỏa thuận này để tái tập hợp lực lượng.

Ít nhất 6.000 người được cho là đã thiệt mạng và hơn một triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa sau khi xung đột nổ ra hồi tháng Tư năm ngoái ở vùng Donetsk và Luhansk, Đông Ukraine.

‘Phần lớn hơn’

Chỉ ba ngày trước, ông Poroshenko cáo buộc phe nổi dậy do dự không chịu rút vũ khí hạng nặng dưới sự giám sát của quốc tế như quy định tại các điều khoản trong thỏa thuận ngừng bắn ký kết tại thủ đô Minsk, Belarus.

Tuy nhiên vào ngày 9/3, ông cho biết: “Ukraine đã rút lui một phần lớn hơn các hệ thống pháo và hỏa tiễn. Quân nổi dậy do Nga hậu thuẫn cũng đã rút lui một số lượng lớn vũ khí”.

Về lệnh ngừng bắn, ông nói: “Lệnh ngừng bắn có được giữ vững hay không còn tùy vào cách nhìn nhận của mỗi người”, ông nói.

Kể từ ngày 15/2, khi lệnh ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực, 64 binh sỹ Ukraine đã thiệt mạng, ông nói.

Tổng cộng 1.549 binh sỹ Ukraine đã tử trận kể từ khi xung đột nổ ra, ông cho biết thêm.

Các quan sát viên từ Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu đang giám sát việc thực thi lệnh ngừng bắn.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiết lộ đã lên kế hoạch sáp nhập Crimea hồi năm ngoái

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hồi tháng trước đã đồng ý không gửi vũ khí phòng vệ sát thương cho Ukraine, một nhà ngoại giao cao cấp của Đức nói với hãng thông tấn AP hôm 9/3.

Đại sứ Đức tại Hoa Kỳ, ông Peter Wittig, nói ông Obama đã đồng ý trì hoãn việc gửi vũ khí trong cuộc gặp với bà Angela Merkel tại Nhà Trắng hồi tháng Hai.

Ông này cho biết Tổng thống Obama đã nhất trí với bà Merkel rằng “cần tạo không gian cho các nỗ lực ngoại giao và chính trị đang diễn ra”.

Trong một diễn biến riêng lẻ, Tổng thống Nga Vladimir Putin lần đầu tiên thừa nhận đã có kế hoạch sáp nhập Crimea nhiều tuần trước cuộc trưng cầu dân ý tại đây.

Crimea bị chính thức sáp nhập vào Nga hồi 18/3 năm ngoái sau khi nhiều tay súng không rõ danh tính giành quyền kiểm soát bán đảo này, bất chấp sự lên án mạnh mẽ của quốc tế.

Putin nói trên sóng truyền hình rằng ông đã ra lệnh bắt đầu kế hoạch “đưa Crimea về với Nga” sau cuộc họp kéo dài suốt đêm vào ngày 22/2 năm 2014.

Cuộc họp này được triệu tập sau khi cựu tổng thống Ukraine, ông Viktor Yanukovych, bị lật đổ.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: