news.zing –  Trong hầu hết vấn đề chính sách quan trọng, ông Trump dường như đi theo hướng mâu thuẫn “rành rành” với quan điểm của chính chính phủ mà ông điều hành.

Ông Trump và ông Putin trong cuộc gặp tại Helsinki, Phần Lan hồi giữa tháng 7/2018. Ảnh: AFP

Những phát biểu kịch tính và thống nhất hôm 2/8 từ các quan chức an ninh quốc gia hàng đầu nước Mỹ, cảnh báo về một nỗ lực bao trùm của Nga nhằm làm suy yếu nền dân chủ Mỹ, cũng đã khắc họa rõ nét một trong những mâu thuẫn khó hiểu nhất của nhiệm kỳ tổng thống hiện tại.

Thông thường, chính quyền Tổng thống Donald Trump có phát ngôn, quan điểm và cách giải thích các sự kiện mâu thuẫn trực tiếp với quan điểm và niềm tin của chính tổng thống.

Điều này làm dấy lên nghi ngờ về sự thống nhất và mạch lạc trong chiến lược của Nhà Trắng đối với những vấn đề then chốt, bao gồm giải quyết chuyện can thiệp bầu cử, chính sách đối ngoại rộng hơn và các vấn đề trong nước như nhập cư hoặc tránh để chính phủ đóng cửa.

Tính hai mặt kỳ lạ này được nhận thấy rõ nét hôm 2/8 khi các lãnh đạo tình báo và chính sách đối ngoại tập trung tại Nhà Trắng để cam kết điều mà Giám đốc Cục Điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray nói sẽ là “lòng quyết tâm và sự tập trung quyết liệt” trong việc ngăn chặn sự can thiệp của Nga với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ.

Song sự vắng mặt của Tổng thống Trump và những nỗ lực không ngừng của ông trước đây nhằm làm suy yếu đánh giá của các cơ quan tình báo Mỹ về sự can thiệp của Nga, cộng với việc ông không công khai đối đầu với Tổng thống Vladimir Putin tại Helsinki hồi tháng trước, đã phủ bóng đen lên cuộc họp.

Đây không phải lần đầu tiên sự nghi ngờ nảy sinh xung quanh những cam kết của ông Trump với các chính sách của chính bộ máy mà ông điều hành.

Đối với các vấn đề quan trọng trong và ngoài nước, từ Nga tới NATO, tranh chấp giữa Qatar và các nước láng giềng cho đến nguồn cơn của cuộc điều tra do công tố viên đặc biệt của Robert Mueller dẫn dắt, ông Trump dường như đi theo hướng mâu thuẫn rõ ràng với quan điểm của chính quyền, qua những dòng tweet táo bạo.

“Ở Helsinki, tôi đã có một cuộc gặp gỡ tuyệt vời với Putin”, ông Trump phát biểu ở Pennsylvania chỉ vài giờ sau khi các quan chức an ninh quốc gia của ông lên án nỗ lực của Nga trong việc tác động đến bầu cử Mỹ.

“Chúng tôi đã thảo luận mọi thứ. … Chúng tôi đã làm rất tốt. Nhân tiện, đó là một điều tốt, không phải là một điều xấu. Giờ thì chúng ta đang bị cản trở bởi trò lừa về Nga – đó là một trò lừa, OK?”.

Từ cuộc họp báo Helsinki đến nay

Một nguồn tin nói với CNN rằng quyết định tiến cử những người đứng đầu FBI, Cơ quan An ninh Quốc gia, Bộ An ninh Nội địa, Hội đồng An ninh Quốc gia và Giám đốc Tình báo Quốc gia đến từ chính ông Trump. Các quan chức cấp cao này đều ca ngợi tổng thống Mỹ vì sự lãnh đạo của ông.

Song ông Trump đã không chọn cách tự mình đứng ra và giới thiệu họ, không cho họ một thứ như là sự bảo chứng trực tiếp của chính tổng thống, điều rất quan trọng với uy tín của bất kỳ vị trí then chốt nào ở Washington.

Tổng thống cũng đã nhiều lần làm suy yếu đánh giá của các cơ quan tình báo rằng Nga đã can thiệp vào cuộc bầu cử.

Mới tháng trước, ông bày tỏ tin tưởng việc nhà lãnh đạo Nga phủ nhận sự can thiệp, hơn là đánh giá chung của các cơ quan tình báo Mỹ.

Khi đứng cạnh ông Putin tại một cuộc họp báo, ông Trump nói “Tôi không thấy lý do nào để nói đó là Nga” can thiệp vào cuộc bầu cử, để rồi sau đó quả quyết rằng ông vốn định nói “đó không phải là Nga” khi bị phản ứng dữ dội.

Đầu tuần này, ông Trump kêu gọi Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions chấm dứt cuộc điều tra của công tố viên Mueller, dù một phần nhiệm vụ của họ là điều tra việc Nga can thiệp bầu cử và việc họ truy tố 12 công dân Nga đã mang đến một góc nhìn kinh ngạc về sự tinh vi của những nỗ lực can thiệp.

Vì vậy, không ngạc nhiên khi các quan chức chủ chốt của ông Trump phải đối mặt với sự hoài nghi sâu sắc của các phóng viên rằng những nỗ lực của họ được tổng thống hoàn toàn ủng hộ – một ấn tượng mà cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã cực lực xua tan.

Ông Bolton nói: “Tôi nghĩ tổng thống đã nói vô cùng rõ ràng với những người có trách nhiệm trong lĩnh vực này rằng ông quan tâm sâu sắc đến điều đó và hy vọng họ làm công việc của họ với khả năng tối đa và ông hoàn toàn ủng hộ họ”.

Sự bất đồng không dễ chịu giữa Tổng thống Trump và các quan chức cấp cao của ông cũng được thể hiện trong một khoảnh khắc khó xử liên quan đến ông Wray.

Giám đốc FBI được hỏi về việc ông Trump kêu gọi chấm dứt cuộc điều tra của ông Mueller vì tổng thống Mỹ cho rằng đó là một “trò lừa đảo” – từ mà ông Trump đã sử dụng đến vài lần chỉ vài giờ sau đó – cũng như phát biểu của thư ký báo chí Sarah Sanders hôm 1/8 rằng cuộc điều tra được bắt đầu bởi một cơ quan “tham nhũng và gian dối”.

Một cách cẩn thận, ông Wray trả lời đơn giản: “À, tôi có thể đảm bảo với nhân dân Mỹ rằng những người làm việc cho FBI, bắt đầu từ giám đốc trở xuống, sẽ giữ đúng lời thề và làm công việc của chúng tôi”.

Không chỉ bất đồng về Nga

Những nghi ngờ rằng liệu Tổng thống Trump có hoàn toàn cam kết đấu tranh với việc Nga can thiệp bầu cử phản ánh những lo ngại về động cơ của ông ở khắp nơi tại Washington, trong các lĩnh vực chính sách khác.

Sự thù địch của ông đối với NATO và tuyên bố rằng liên minh này đơn giản là phương tiện để các đồng minh của Mỹ trấn lột “ống heo” của Mỹ đã trực tiếp mâu thuẫn với quan điểm của toàn bộ giới hoạch định chính sách đối ngoại và quân sự Mỹ.

Những lời cảnh báo gần đây của ông Trump rằng ông sẽ để chính phủ đóng cửa để có được kinh phí cho bức tường biên giới của ông dường như đối lập với phát biểu của các quan chức trong chính quyền cũng như các lãnh đạo đảng Cộng hòa.

Những mâu thuẫn vốn có trong nhiệm kỳ tổng thống của Trump có lẽ được minh họa tốt nhất bởi các chuỗi chính sách thường xuyên mâu thuẫn về Nga. Trong khi chính quyền đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow, lên án việc sáp nhập Crimea và cho phép bán vũ khí cho Ukraine, cách tiếp cận cứng rắn này thường bị làm suy yếu bởi Tổng thống Trump.

Ông Trump đã kêu gọi để Nga được trở lại nhóm G7 của quốc gia, dù nước này đã bị loại ra vì vấn đề Crimea, và thậm chí còn nêu lên khả năng rằng việc sáp nhập này có thể được công nhận – buộc Ngoại trưởng Mike Pompeo phải nhảy vào để kiểm soát thiệt hại.

“Về cơ bản bạn thấy hai chính sách đối ngoại khác nhau ở Mỹ, bạn thấy chính sách đối ngoại của chính quyền Trump và bạn thấy chính sách đối ngoại của Tổng thống Trump”, nhà sử học Max Boot nói với CNN.

“Những gì tổng thống nói và làm rốt cuộc quan trọng hơn những gì mọi người dưới quyền ông đang làm”, ông Boot tiếp tục. “Họ không có được sự thống nhất về mục đích và họ không đưa ra được thông điệp nhất quán vì Tổng thống hoàn toàn trái ngược với chính phủ của chính ông”.

Các quan chức chính quyền bác bỏ những bình luận như vậy, hoặc phủ nhận có khoảng cách giữa Tổng thống Trump và cấp dưới, hoặc quả quyết rằng một mình ông đưa ra các chính sách điều hành.

Ông Pompeo phải đối mặt với các biến thể lặp đi lặp lại của câu hỏi này trong một cuộc điều trần gay gắt trước Ủy ban Đối ngoại thuộc Thượng viện Mỹ hồi tháng trước.

“Tổng thống có quyền. Những tuyên bố của ông thực tế là chính sách”, ông Pompeo nói. “Tổng thống này điều hành chính phủ này. Những tuyên bố của ông thực tế là chính sách của Mỹ”.

Song khi các phát biểu của Tổng thống Trump thường xuyên mâu thuẫn với những gì mà hầu hết mọi người hiểu là chính sách của Mỹ, thì không có gì lạ khi câu hỏi trên vẫn tiếp tục được hỏi.

Đông Phong

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!