Trung Quốc thí điểm thành lập Tòa kinh lý ở TP.Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông trong nỗ lực cải cách tư pháp nhằm tăng cường độc lập xét xử.

toa-kinh-ly-d_rcidCác thẩm phán của Tòa kinh lý tuyên thệ nhậm chức ngày 28.1 – Ảnh: Chinanews.com

Tân Hoa xã cho biết 13 thẩm phán của Tòa kinh lý đã chính thức ra mắt ngày 28.1 sẽ bắt đầu công tác xét xử vào đầu tháng 2. Như tên gọi, các thẩm phán sẽ được triển khai từ Tòa án nhân dân tối cao (SPC) xuống địa phương để xét xử những “vụ án hành chính lớn, phức tạp” và những “vụ án thương mại hoặc dân sự nổi cộm”.
Tờ China Daily cho biết thẩm quyền xét xử của Tòa kinh lý bao gồm án dân sự, hành chính, thương mại và cả hình sự xảy ra ở khu vực phụ trách bao gồm tỉnh Quảng Đông, tỉnh Hải Nam và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Các thẩm phán của Tòa kinh lý sẽ di chuyển khắp ở 3 khu vực trên để xét xử khi cần. Những vụ án liên quan đến Hồng Kông, Macau và Đài Loan cũng nằm trong thẩm quyền xét xử của Tòa kinh lý nhưng chỉ trong phạm vi án dân sự và thương mại.
Tránh can thiệp chính trị
Theo South China Morning Post, mục tiêu của Tòa kinh lý là tăng cường độc lập tư pháp và giảm thiểu sự can thiệp của các quan chức địa phương. Chương trình thí điểm tòa án đặt dưới sự quản lý trực tiếp của SPC là một phần đề xuất cải cách pháp lý được thông báo tại Hội nghị T.Ư 4 của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 10 năm ngoái. Theo hệ thống hiện tại, việc bổ nhiệm thẩm phán, công tố viên, cảnh sát địa phương cũng như việc cấp ngân sách cho tòa án đều do chính quyền địa phương quyết định, khiến ngành tư pháp dễ bị can thiệp về chính trị.
Ông Vương Tài Lượng, Phó trưởng ban Luật Hành chính thuộc Hiệp hội Luật sư Trung Quốc, nhận xét động thái trên là một cải cách “chừng mực”. “Điều then chốt của cải cách tư pháp là loại bỏ sự can thiệp của chính quyền nhưng ở đại lục, hầu hết sự can thiệp xảy ra ở các vụ án hành chính, vốn thường do các tòa địa phương xử lý”, ông Vương nói với tờ South China Morning Post.
Theo tờ báo ở Hồng Kông, hiện nhiều thẩm phán địa phương ở Trung Quốc là các quan chức đảng không được đào tạo pháp lý. Do vậy, việc triển khai Tòa kinh lý với những thẩm phán chuyên nghiệp sẽ góp phần cải thiện chất lượng xét xử. Phát biểu trên Đài truyền hình T.Ư Trung Quốc (CCTV), ông Hạ Tiểu Vinh, Trưởng ban Cải cách tư pháp của SPC, cho hay Tòa kinh lý sẽ thử nghiệm mô hình nhân sự mới, các thẩm phán hoàn toàn do SPC lựa chọn và luân chuyển theo nhiệm kỳ 2 năm để tránh lạm quyền hoặc liên kết với giới chức địa phương. Các thẩm phán có độ tuổi trung bình trên 45 và tất cả có ít nhất 15 năm kinh nghiệm trong hoạt động xét xử, theo ông Hạ.
Trong khi đó, Chánh án SPC Chu Cường được tờ China Daily trích phát biểu cho biết đây là mô hình thí điểm, thực hiện chương trình cải cách của ngành tư pháp Trung Quốc nhằm mục đích minh bạch hóa hoạt động xét xử và chống tham nhũng trong ngành tư pháp. “Mô hình này sẽ được rút tỉa trước khi nhân rộng ra cả nước”, ông Chu nói. Dự kiến một tòa tương tự sẽ được thành lập ở TP.Thẩm Dương để phụ trách các tỉnh Liêu Ninh, Cát Lâm và Hắc Long Giang.
Song song với việc thành lập Tòa kinh lý, Trung Quốc cũng thí điểm một tòa án áp dụng hệ thống ban hội thẩm tại đặc khu kinh tế Tiền Hải ở Thâm Quyến, theo South China Morning Post. Tòa này sẽ xét xử các vụ án dân sự và thương mại liên quan đến Tiền Hải cũng như các vụ án thương mại liên quan đến nước ngoài, Hồng Kông, Macau và Đài Loan. Đặc biệt người Hồng Kông cũng sẽ góp mặt trong ban hội thẩm. Tuy nhiên, hiện chưa rõ tòa này sẽ được tổ chức như thế nào.

Vinh Sơn

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!