TT – Âm ỉ một thời gian dài, giờ đây dấu hiệu vỡ tín dụng ở Trung Quốc rõ hơn bao giờ hết. Các giải pháp quyết liệt mới đang được hi vọng cứu vãn kịp tình hình.

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng có lúc tăng mạnh sau khi chính quyền Bắc Kinh siết cho vay để ổn định tình hình – Ảnh: Reuters

Ngày 10-7, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã giảm dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay và năm sau còn 7,8% và 7,7%. Đồng thời cảnh báo Trung Quốc và các nền kinh tế mới nổi khác hiện phải đối mặt với những rủi ro mới, trong đó bao gồm khả năng suy giảm tăng trưởng trong thời gian dài.

Sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc suốt ba thập niên qua nay đang bị lu mờ. Điều này có vẻ đã được dự báo trong vài năm gần đây, đặc biệt càng lộ rõ hơn trong vài tháng gần đây.

Những tín hiệu xấu

Theo IMF, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 3,1% trong năm nay, không đổi so với năm 2012 nhưng thấp hơn dự báo 3,3% đưa ra hồi tháng 4. Tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2014 được dự báo đạt 3,8%, thấp hơn dự báo trước đó là 4%

Tháng 6-2013, người dân Trung Quốc hoang mang khi Ngân hàng đầu tư Quang Đại Trung Quốc (China Everbright), ngân hàng lớn thứ 11 tại Trung Quốc, tuyên bố mất khả năng thanh toán khoản nợ đáo hạn gần 1 tỉ USD. Điều này dấy lên tin đồn Trung Quốc thiếu hụt tiền mặt.

Nguy cơ bong bóng tín dụng vỡ tại Trung Quốc đã được cảnh báo liên tục trong mấy tháng liền. Tháng 4-2013, Tổ chức xếp hạng tín dụng Fitch, lần đầu tiên trong 14 năm, đã hạ mức đánh giá đồng nhân dân tệ từ A+ xuống AA-. Những phát ngôn từ tổ chức này khiến giới lãnh đạo Trung Quốc phải nổi giận.

Giữa tháng 6, bà Charlene Chu – chuyên gia của Fitch – nói với báo Daily Telegraph: “Mô hình tăng trưởng dựa trên tín dụng rõ ràng đang đổ vỡ. Điều đó có thể làm tiền đề cho một cuộc khủng hoảng dư thừa tín dụng quá mức và khiến Trung Quốc rơi vào giảm phát kiểu như Nhật Bản”. Bà khẳng định kiểu hoạt động tín dụng vừa qua đã không được kiểm soát chặt chẽ. “Chúng ta không thể biết người đi vay là ai, người cho vay là ai, chất lượng tài sản ra sao và điều đó làm giảm độ tin cậy của các tín hiệu” – bà Chu nói với Daily Telegraph.

Thật sự là có một thời gian không ngắn, nhiều doanh nghiệp Trung Quốc lợi dụng chính sách lãi suất để vay tiền từ các ngân hàng nhà nước rồi cho các doanh nghiệp nhỏ hơn vay lại để hưởng chênh lệch. Một cán bộ nhà máy thép giấu tên tiết lộ với báo Le Figaro (ngày 24-6): “Chúng tôi dùng tiền vay để đầu tư cho sản xuất? Nói thật là không. Giờ đây càng sản xuất càng lỗ. Chúng tôi phải kiếm tiền từ các kênh khác”.

Gần như cùng thời điểm này, rất nhiều báo chí uy tín của Âu – Mỹ đặt ra nghi ngờ về khả năng đổ vỡ tín dụng ở Trung Quốc. Báo New York Times nhận định “thị trường tài chính Trung Quốc đang chịu áp lực” khi lãi suất liên ngân hàng “đã đạt một trong những mốc cao nhất trong một thập niên qua”. Báo Le Soir của Bỉ cảnh báo nên “nghĩ đến điều tệ hại khi hệ thống ngân hàng Trung Quốc chao đảo”.

Vấn đề khiến các chuyên gia lo ngại là hệ thống vay tín chấp ngầm được ước tính đến 1.400 tỉ USD. Dù chính quyền Bắc Kinh đã thực thi ngay các giải pháp giảm lãi suất liên ngân hàng, siết chặt điều kiện vay tiền của các cá nhân nhưng nhiều cơ sở tài chính khác như các quỹ đầu tư, ngân hàng tín dụng sẵn sàng đáp ứng ngay nhu cầu của khách hàng không thể tiếp cận vốn vay ở các ngân hàng chính thống.

Mong ngóng về Bắc Kinh

Dẫu lo sợ nhưng báo chí Âu – Mỹ đều cho rằng chính quyền Bắc Kinh với tiềm lực của mình sẽ có thể hóa giải vấn đề. Báo New York Times nhận định: “Có rất ít nhà phân tích cho rằng những căng thẳng về thanh khoản có thể dẫn đến cuộc khủng hoảng kinh tế hoặc tài chính, bởi lẽ Bắc Kinh có những công cụ để tránh sự suy giảm nghiêm trọng nhờ vào việc kiểm soát nghiêm ngặt hệ thống tài chính và ngân hàng”.

Thật sự là Bắc Kinh đã quyết liệt làm một số giải pháp cấp thời. Tân Hoa xã cho biết từ đầu tháng 6, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã bắt đầu cắt giảm nguồn cung tiền trên thị trường liên ngân hàng. Đến nửa cuối tháng 6, lãi suất cho vay liên ngân hàng trong một ngày có lúc lên tới gần 30%, gây hoang mang cho giới đầu tư, nhưng tỉ lệ này giảm còn 6,64% vào cuối tháng 6. Để trấn an giới đầu tư, PBOC lên tiếng khẳng định lượng tiền mặt của ngân hàng nước này vẫn ở mức hợp lý, đồng thời tuyên bố sẽ sẵn sàng can thiệp trong trường hợp thị trường tài chính Trung Quốc khan hiếm tiền mặt.

Theo Tân Hoa xã, không hề có tình trạng thiếu hụt tiền mặt trên thị trường. Các ngân hàng kêu thiếu tiền, thị trường chứng khoán và doanh nghiệp vừa cũng la lối thiếu tiền. Tuy nhiên, một điều rõ ràng là nguồn cung trên thị trường rất dồi dào. Rất nhiều công ty lớn vẫn mạnh tay chi tiền. Nhiều dòng tiền nóng chỉ tìm cơ hội đầu cơ, trong khi đó tín dụng đen thì hết sức phổ biến. Điều này cho thấy hiện tượng thiếu thanh khoản không phải là do nguồn cung hạn chế, mà là do “các khoản tín dụng không được sử dụng đúng chỗ”.

Trong cuộc hội đàm về xu thế kinh tế tại khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây hôm 9-7, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh tăng trưởng ổn định, thúc đẩy cải cách và tái cơ cấu là mục tiêu lớn của Trung Quốc trong thời gian sắp tới. Có thể thấy Trung Quốc đang ra sức tái cơ cấu và giữ cho tăng trưởng ổn định thay vì bơm tiền để hỗ trợ tốc độ tăng trưởng kinh tế như trước kia.

Cả thế giới đang nín thở theo dõi các giải pháp đó sẽ hữu hiệu thế nào.

N.Quân -Đông Phương

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!