TT – Liên quan sự cố mất điện chiều 16-6 khiến hệ thống làm thủ tục của Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA) tại sân bay Tân Sơn Nhất treo 90 phút, GĐ sân bay Tân Sơn Nhất Đặng Tuấn Tú cho biết đã có văn bản yêu cầu VNA phải có biện pháp khắc phục triệt để.

BLjxRJ9oHệ thống làm thủ tục của VNA tại Tân Sơn Nhất đã vài lần bị treo 

Theo ông Tú, mồng 2 tết vừa rồi từng xảy ra tình trạng hệ thống làm thủ tục của VNA tại nhà ga quốc nội bị treo trong một thời gian tương đối dài.

Lỗi do hệ thống mạng của VNA

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện VNA cho biết do server (máy chủ) đặt tại tòa nhà VNA (bên ngoài nhà ga của Tổng công ty Cảng hàng không VN – AVC) nên khi xảy ra sự cố chiều 16-6, server đã không nhận được sự hỗ trợ điện kịp thời như trong hệ thống của AVC. Đại diện VNA cho biết tòa nhà VNA ngày 16-6 bị sét đánh nên server này không được cung cấp điện dẫn đến treo cả hệ thống mạng máy tính nội bộ, các máy tính làm thủ tục lên máy bay (check-in) và máy đọc thẻ không hoạt động được.

Đại diện VNA tại TP.HCM cho biết trong cuộc họp với AVC dự kiến trong tuần này, VNA sẽ đề nghị được chia sẻ nguồn điện hỗ trợ từ hệ thống dự phòng của AVC tại các nhà ga để hỗ trợ kịp thời các trường hợp cúp điện lưới như đã xảy ra ngày 16-6. Nếu không thì nguy cơ trễ chuyến bay vẫn còn tiềm ẩn.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, phó giám đốc sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất Phạm Vũ Cường cho biết theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), các hệ thống cung cấp điện trong khu điều hành bay (đường băng, đèn đường băng, hệ thống dẫn đường, khu đậu máy bay, đài kiểm soát không lưu, hỗ trợ máy bay hạ/cất cánh…) trực tiếp uy hiếp đến an toàn bay nên thời gian cho phép bị cúp điện chỉ tính bằng giây. Nếu tình hình thời tiết rơi vào tình huống thứ nhất (chuyên môn gọi là cat 1), khoảng thời gian mất điện cho phép tối đa là 15 giây, tình huống thứ hai (cat 2) là 1 giây và tình huống thứ ba (cat 3) là 0 giây.

Trên thực tế, theo ông Cường, thời gian mất điện tối đa khoảng 7 giây hệ thống cung cấp điện dự phòng tại sân bay Tân Sơn Nhất đã cung cấp điện trở lại. “Với công suất tiêu thụ ở sân bay tối đa chỉ 3-4 giây sau đã cung cấp đủ điện cho toàn bộ hệ thống của khu điều hành bay” – ông Cường nói.

Từng có một sự cố khi tổ lái của một hãng hàng không đã đưa máy bay ra đường băng chờ huấn lệnh của không lưu để cất cánh thì xảy ra cúp điện. Kiểm soát viên yêu cầu tổ lái không được cất cánh mà quay máy bay lại một vòng để chờ hiệu lệnh mới. Khi tổ lái đang thao tác chuyển máy bay quay trở lại thì kiểm soát viên không lưu lại yêu cầu tổ lái chuẩn bị cho máy bay cất cánh vì đã có điện trở lại. Hãng hàng không này sau đó đã kiện đài kiểm soát không lưu, khi cho rằng không cúp điện nhưng lại buộc chuyến bay quay lại. Các bên đã kiểm tra trên hệ thống thì phát hiện quá trình mất điện và cấp điện lại chỉ diễn ra trong vòng 3 giây.

“Trường hợp này chưa bao giờ xảy ra”

Trong nhà ga cũng có hệ thống máy phát điện dự phòng nhưng do không ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay nên thời gian cho phép sẽ kéo dài đến 10 phút. Theo ông Lê Viết Cường – phó giám đốc Trung tâm khai thác ga sân bay Tân Sơn Nhất, các hệ thống kỹ thuật trong nhà ga luôn có bộ lưu điện (UPS) có khả năng lưu trữ điện hơn 10 phút, các hệ thống máy phát điện dự phòng đáp ứng được 80% tổng công suất của máy biến áp. “Do sử dụng hệ thống ATS (auto transfer system, tạm gọi là hệ thống tự động chuyển đổi) nên khi mất điện sẽ tự động khởi động máy phát điện và chuyển điện vào hệ thống của nhà ga.

Thời gian chuyển đổi điện trong nhà ga cho phép là 3 phút nhưng thông thường chỉ dưới 1 phút. “Sự cố chiều 16-6 chính xác chỉ sau 30 giây hệ thống máy dự phòng đã cung cấp điện trở lại cho nhà ga quốc nội. Trường hợp một trong hai máy phát điện bị trục trặc, ATS sẽ chuyển điện từ máy phát còn lại vào hệ thống (vận hành bằng tay), thời gian chuyển điện cũng chỉ trong vòng 3 phút. Nếu hai máy phát bị hư hoàn toàn thì chúng tôi sẽ chuyển điện từ nhà ga quốc tế sang quốc nội và ngược lại, thời gian phải từ 3-5 phút “nhưng trường hợp này chưa bao giờ xảy ra” – ông Lê Viết Cường khẳng định.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Hãng hàng không VietJet Air (VJA) cho biết sự cố mất điện hôm 16-6 không ảnh hưởng đến hành khách của hãng vì VJA đang sử dụng hỗ trợ khởi động và sửa lỗi nhanh nên khi có các sự cố mất điện, mất kết nối đường truyền, có thiết bị bị lỗi và không ảnh hưởng dây truyền.

Theo ông Lê Viết Cường, tại nhà ga quốc tế sân bay Tân Sơn Nhất, hệ thống làm thủ tục là do AVC đầu tư, kiểm soát nên đồng bộ và chưa từng xảy ra trục trặc, còn ở nhà ga quốc nội các khâu làm thủ tục là do TIAGS (Xí nghiệp Khai thác dịch vụ mặt đất), SAS (Công ty Phục vụ mặt đất Sài Gòn) và các hãng hàng không khác tự thực hiện, đầu tư hệ thống máy tính, UPS, hệ thống mạng, server… “Nếu không phải là hành khách của VNA thì chiều 16-6 họ không nhận ra đã xảy ra sự cố mất điện” – ông Lê Viết Cường cho biết.

Lê Nam

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!