Trung Quốc lại vừa khẳng định quyền kiểm soát của mình trên một vùng biển ngoài khơi Việt Nam, với tuyên bố việc Ấn Độ tiến hành thăm dò khai thác dầu ở đây là bất hợp pháp.
“Việc Ấn Độ lại một lần nữa tính khai thác dầu ở vùng biển có tranh chấp ở biển Đông là một bước đi thiếu khôn ngoan, bởi nó sẽ làm phức tạp thêm các tranh chấp biển và làm tổn hại tới đà phát triển tích cực đã đạt được trong quan hệ Trung – Ấn,” tờ Trung Hoa Nhật báo được tờ báo của Ấn Độ, Times of India trích dẫn.
“Công ty Ấn Độ cần phải được cho biết rằng: Nếu không có sự cho phép từ chính phủ Trung Quốc thì các hoạt động của bất kỳ công ty nước ngoài nào tại các vùng biển đang tranh chấp này cũng đều là bất hợp pháp,” Trung Hoa Nhật báo viết, và cảnh báo hãng của Ấn hãy “nghĩ lại về các kế hoạch khai thác”.
Ấn Độ đang hợp tác với Việt Nam trong hoạt động được Trung Quốc đề cập ở trên, và hiện đã tới bước chuẩn bị đưa một giàn khoan dầu khí vào khu vực.
Đây là các hoạt động được triển khai theo thỏa thuận được ký với hãng dầu khí Việt Nam, PetroVietnam hồi 10/2011.
Phía Ấn Độ từng nói nói đây là hoạt động kinh tế không liên quan tới tranh chấp lãnh thổ giữa các bên.
Tuy nhiên, trong bài xã luận mới đây, tờ báo Trung Quốc cho rằng “cân nhắc tới những căng thẳng đang tồn tại ở biển Đông thì bước đi của New Delhi sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình.”
Ấn Độ cần “tránh có những bước đi sai lầm có thể phá hoại những phát triển tốt đẹp” trong quan hệ với Bắc Kinh, Trung Hoa Nhật báo cảnh báo thêm.
Một tờ báo khác của Trung Quốc, Hoàn Cầu Thời báo, viết rằng việc Tập đoàn Dầu Khí Ấn Độ sẵn sàng đưa một giàn khoan dầu vào biển Đông là nhằm giúp chính phủ Việt Nam thăm dò nguồn tài nguyên thiên nhiên ở vùng biển có tranh chấp.
Công ty Dầu Khí Videsh là công ty hải ngoại của Tập đoàn Dầu Khí Ấn Độ cách đây gần bốn năm đã ký hợp đồng phân chia sản phẩm với Việt Nam nhằm khai thác tại Lô 128.
Đây là khu vực rộng 7.058 cây số vuông ngoài khơi Phan Thiết, thuộc bồn trũng Phú Khánh, theo hãng tin Bloomberg.
Videsh đã có những lúc tỏ ý muốn rút hoạt động khỏi này, mà theo hãng nói là vì lý do hiệu quả kinh tế.
Tuy nhiên, vào cuối tháng Tám vừa rồi họ vừa được PetroVietnam gia hạn cấp phép hoạt động tới tháng Sáu 2016, trang tin VnExpress nói.
‘Xử lý đúng đắn’
Trong một diễn biển riêng rẽ, các nhà lãnh đạo của Trung Quốc và Việt Nam hôm thứ Năm 3/9 đã đồng ý sẽ “xử lý đúng đắn” các bất đồng liên quan tới tranh chấp ở biển Đông, Tân Hoa Xã đưa tin.
“Chúng tôi ủng hộ việc xử lý đúng đắn các tranh chấp giữa hai bên thông qua đối thoại, và mở rộng hợp tác và các lợi ích chung,” Tân Hoa Xã dẫn lời ông Tập Cận Bình nói với ông Trương Tấn Sang trong chuyến đi của Chủ tịch Việt Nam tới Trung Quốc dự lễ duyệt binh đánh dấu 70 năm kết thúc Thế chiến II tại Á châu.
Về phần mình, Chủ tịch Sang nói: “Việt Nam hy vọng tăng cường sự tin cậy chính trị… xử lý đúng đắn những khác biệt và tăng cường hợp tác hai bên cùng có lợi,” Tân Hoa Xã trích thuật.