TN – Cuộc điều trần của cựu giám đốc FBI trước Thượng viện Mỹ ghi nhận một câu chuyện lý thú: Tổng thống Donald Trump yêu cầu “lòng trung thành”, giám đốc FBI trả lời: “Ngài sẽ có sự trung thực từ tôi”.

Tổng thống Donald Trump (trái) và cựu giám đốc FBI James Comey – Ảnh: Reuters

Trong bản báo cáo dài 7 trang liên quan tới cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11 năm 2016, cựu Giám đốc Cục điều tra Liên Bang (FBI) – người bị Tổng thống Mỹ Donald Trump sa thải hôm 9-5 – đã tiết lộ một số thông tin gây sốc liên quan đến bữa tối giữa ông và tổng thống một tuần sau ngày ông Trump nhậm chức.

Ông Comey cũng thừa nhận có thể ông và tổng thống đã hiểu khái niệm “lòng trung thành” theo hai cách khác nhau.

Câu chuyện về “lòng trung thành” đang tạo ra một cơn địa chấn tại Nhà Trắng, một ngày trước khi cựu giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey có buổi điều trần trước Ủy ban tình báo Thượng viện Mỹ (ngày 8-6, giờ Mỹ).

Trung thành và trung thực – chuyện từ một bữa ăn tối

Lâu nay tại Mỹ vẫn xuất hiện cáo buộc nhóm vận động tranh cử của tống thống Donald Trump đã bắt tay với người Nga trong cuộc bầu cử hồi tháng 11 năm 2016. Cáo buộc này đang được FBI điều tra thì đùng một cái, James Comey, Giám đốc FBI, bị sa thải khiến nhiều người bắt đầu hướng sự chú ý nhiều hơn tới lời khai của ông.

Khi ông Comey tiết lộ rằng ông Trump từng kêu gọi ông “trung thành”, càng có lý do để những ý kiến chỉ trích nhắm vào sự trung thực của tổng thống.

Đài CNN mô tả rằng cuộc trò chuyện xoay quanh “lòng trung thành” mà ông Comey kể ra giống y một tiểu thuyết. Một tuần sau khi ông Trump nhậm chức, chính xác là ngày 27-1, James Comey được tổng thống mời ăn tối. Cựu giám đốc FBI viết:

“Khi bữa tối gần xong, tổng thống trở lại với chủ đề công việc của tôi, nói rằng ông rất vui vì tôi muốn ở lại, và nói thêm là ông đã nghe những lời tốt đẹp về tôi từ James Mattis (Bộ trưởng Quốc phòng – PV), Jeff Sessions (Bộ trưởng Tư pháp) và nhiều người khác. Sau đó ông ấy nói “tôi cần lòng trung thành (loyalty)”. Tôi đáp là “ông sẽ luôn có sự trung thực (honesty) từ tôi”. Tổng thống dừng lại rồi tiếp: “Đó là những gì tôi muốn, một lòng trung thành thật trung thực (honesty loyalty”. Đến phiên tôi ngưng lại, và tôi nói “ông sẽ có được điều đó từ tôi”. Cũng như những gì tôi chép lại ngay sau khi kết thúc bữa tối, là có thể chúng tôi đã hiểu khái niệm “lòng trung thành thật trung thực” theo cách khác nhau…”.

Như vậy, theo lời Comey, ông khẳng định Tổng thống Trump đã hỏi rằng mình có muốn tiếp tục làm giám đốc FBI hay không, và đưa ra yêu cầu là “lòng trung thành” như một cách tạo dựng quan hệ kiểu “nâng đỡ”.

Và thêm nữa, ông Trump cũng bị cho là từng yêu cầu ông Comey không điều tra cựu Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Michael Flynn, người bị cáo buộc có quan hệ với phía Nga nhưng đã không khai báo.

Khó có thể phế truất tổng thống Trump

Truyền thông Mỹ xoáy vào đòi hỏi của ông Trump về sự trung thành nơi một người thực thi pháp luật. Đài CNN cũng nhận xét rằng ông Trump, vốn từng bày tỏ sự “thất vọng” với ông Comey – và sa thải, đã ngầm hiểu rằng đề nghị “trung thành” ấy đồng nghĩa với sự nương tay trong vụ điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Câu chuyện trên đã tạo điều kiện cho phe phản đối ông Trump lên án mạnh mẽ cách làm của vị tổng thống này, thậm chí nói như tờ Rolling Stone trước khi vụ việc nổ ra, đây đã là thời điểm nghiêm túc nghĩ tới việc phế truất ông Trump.

Để buộc ông Trump rời ghế tổng thống, ít nhất phải có những bằng chứng rõ ràng nhất về việc ông Trump có “trả giá” với ông Comey để không bị điều tra nghi án bắt tay với người Nga hay không, hoặc nói cách khác rõ ràng hơn là ông Trump có cản trở công lý hay không.

Tuy nhiên, có vẻ như việc phế truất ông Trump không thể xảy ra, ít nhất là nếu chỉ dựa vào những lời khai của ông Comey, theo John Coffee – giáo sư luật tại ĐH Columbia (Mỹ).

Trong khi đó, thượng nghị sĩ Lindsey Graham trong buổi phỏng vấn trên Đài Fox cũng cho rằng ông Comey thừa nhận chẳng có một cuộc điều tra nào nhắm vào cá nhân ông Trump trong mối liên hệ với người Nga.

Thêm nữa, việc công khai trước những lời khai của Comey là bằng chứng cho thấy ông Trump sẽ không bị cáo buộc ngăn cản pháp lý, vì chẳng công tố viên nào để nhân chứng của mình lộ diện trước 20 thượng nghị sĩ nếu thực sự họ cho rằng ông Comey sẽ đóng vai trò quan trọng trong “vụ án” ấy.

Tỉ lệ ủng hộ dành cho ông Trump do Hãng Quinnipiac đưa ra hôm 7-6 đã tụt xuống mức 34%, mức thấp hơn cả 35% trong tháng Tư, theo CNN. Có 57% người được hỏi nói rằng họ không hài lòng về công việc của tổng thống, trong khi hồi giữa tháng 5, thống kê tương tự là 55% không hài lòng, và 37% hài lòng.

Ông Trump “chấm” sếp mới cho FBI

Giữa những căng thẳng với người bị sa thải James Comey, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã lên Twitter “chấm” luật sư 51 tuổi Christopher Wray vào vị trí giám đốc FBI.

Ông Wray là người từng làm việc trong bộ phận phụ trách hình sự của Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời cựu tổng thống Bush. Giới quan sát đánh giá cao ông Wray, cho rằng ông sẽ phù hợp với vị trí của một giám đốc FBI, vì đây là người lặng lẽ, không phô trương và rất nguyên tắc.

Nhật Đăng

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.

Posted by khaihuy

:

Cuộc đời này vốn dĩ là vô thường.