TTO – Chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử nhân loại đang diễn ra với hơn 6,12 tỉ liều vắc xin COVID-19 đã tiêm trên khắp thế giới. Tuy nhiên, vẫn còn 3 quốc gia chưa khởi động chiến dịch tiêm chủng này.

Cháu trai Thủ tướng Campuchia Hun Sen được tiêm vắc xin COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 17-9 – Ảnh: AFP.

Ngày 26-9, trang theo dõi tình hình vắc xin COVID-19 của Hãng tin Bloomberg cho biết tới nay đã có hơn 6,12 tỉ liều vắc xin COVID-19 được tiêm tại 184 quốc gia.

Số liệu từ Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cũng cho thấy số vắc xin COVID-19 đã tiêm trên toàn thế giới đến nay đã vượt mốc 6 tỉ liều. Dân số thế giới hiện khoảng 7,7 tỉ người.

Trong đó, Trung Quốc tiêm nhiều nhất với 2,19 tỉ liều, đạt mức tiêm 3,49 triệu liều mỗi ngày. Kế đến là Ấn Độ với 855,8 triệu liều đã tiêm, đạt mức tiêm 7,3 triệu liều mỗi ngày. Đây là hai quốc gia đông dân nhất thế giới.

Tại Mỹ đã có 213,4 triệu người (tương đương 64,3% dân số) đã tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19 và 183,6 triệu người (tương đương 55,3% dân số) đã tiêm đầy đủ liều vắc xin COVID-19, theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ.

Theo Hãng tin AFP, chiến dịch tiêm chủng toàn cầu hiện nay đã đạt được tốc độ ổn định. Mất 29 ngày để đi từ mốc 5 tỉ liều lên 6 tỉ, tương tự tốc độ để đạt thêm 1 tỉ liều lên mốc 4 tỉ liều (30 ngày) và để đạt thêm 1 tỉ liều lên mốc 5 tỉ liều (26 ngày).

Trước đó, phải mất khoảng 140 ngày để tiêm được 1 tỉ liều vắc xin COVID-19 đầu tiên trên thế giới.

Trong số các nước có dân số trên 1 triệu người, Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) dẫn đầu về số liều tiêm/100 dân khi đã tiêm 198 liều/100 dân. Nước này có hơn 81% dân số đã tiêm chủng đầy đủ.

Tiếp theo là Uruguay với 175 liều/100 dân, Israel (171 liều/100 dân), Cuba (163 liều/100 dân), Qatar (162 liều/100 dân) và Bồ Đào Nha (154 liều/100 dân).

Một số quốc gia, trong đó có Israel, UAE và Uruguay, đã bắt đầu tiêm mũi vắc xin bổ sung cho những người được tiêm chủng đầy đủ. Trong khi đó, có 3 quốc gia vẫn chưa bắt đầu tiêm vắc xin COVID-19 là Burundi (Đông Phi), Eritrea (Đông Phi) và Triều Tiên (Đông Á), theo AFP.

Các quốc gia và khu vực có thu nhập cao nhất đang có tốc độ tiêm chủng nhanh hơn nhiều so với các quốc gia và khu vực có thu nhập thấp nhất.

Các quốc gia có thu nhập cao (theo cách xác định của Ngân hàng Thế giới) tiêm trung bình 124 liều/100 dân, so với chỉ 4 liều/100 dân ở các quốc gia có thu nhập thấp.

Theo Hãng tin Bloomberg, để chấm dứt đại dịch COVID-19, đòi hỏi thế giới phải thực hiện một chiến dịch tiêm chủng có sự phối hợp với nhau. Việc phân phối hàng tỉ liều vắc xin trên toàn cầu đang là một trong những thách thức lớn nhất về hậu cần.

Bình An

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!