SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Ông Lê Thành Ân, tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn, đang có một cuộc vận động để trở thành đại sứ Mỹ gốc Việt đầu tiên tại Việt Nam, theo một bài báo có tựa đề “How (Not) to Become a U.S. Ambassador,” của tác giả Greg Rushford, đăng trên trang web The Rushford Report, một tờ báo mạng chuyên về chính trị trong tài chánh và thương mại quốc tế, hôm 15 Tháng Tư.

Tổng Lãnh Sự Lê Thành Ân (phải) và cựu Thiếu Tá VNCH Nguyễn Đạc Thành, chủ tịch VAF, trong một lần  thăm Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hoà mới đây. (Hình: VAF)

Sau khi đưa ra hai cách “truyền thống” mà tổng thống Hoa Kỳ thường chọn người để đề cử làm đại sứ ở một quốc gia nào đó, tác giả cho rằng những gì Tổng Lãnh Sự Lê Thành Ân và những người ủng hộ ông, đa số là người Mỹ gốc Việt, đang làm là “sự cả gan trơ tráo kiểu Châu Á” (Asian-style chutzpah).

Theo tác giả, thông thường, tổng thống chọn nhân viên ngoại giao chuyên nghiệp hoặc người quen (bạn bè, người ủng hộ tài chánh, người nổi tiếng, người có thể tạo vốn chính trị cho tổng thống…) làm đại sứ, và cho rằng ông Ân “không nằm trong hai trường hợp truyền thống này.”

Cũng theo tác giả, trong danh sách hơn 70 người ủng hộ và vận động cho ông Ân làm đại sứ, có một số nhân vật rất quan trọng. Ðứng đầu danh sách này là Thị Trưởng Rahm Emanuel của Chicago, một người từng là dân biểu liên bang trước khi trở thành chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc trong nhiệm kỳ đầu của Tổng Thống Barack Obama.

Nhưng hai người trực tiếp vận động cho ông Ân là doanh gia David Dương, chủ nhân công ty California Waste Solutions ở Oakland, California, và Bác Sĩ Bùi Duy Tâm, cư dân San Francisco, theo tác giả, và cuộc vận động bắt đầu từ Tháng Bảy năm ngoái.

Tác giả cho biết có tìm mọi cách phỏng vấn tất cả những người liên quan, nhưng chỉ có một người trả lời, và chỉ giải thích tại sao ủng hộ ông Lê Thành Ân. Ðó là ông Trương Ngọc Phương, giám đốc điều hành International Service Center ở Harrisburg, Pennsylvania, một tổ chức bất vụ lợi giúp người tị nạn và nạn nhân bão lụt.

Tác giả kể rằng, qua những email mà ông có được, người vận động mạnh mẽ nhất cho ông Ân là doanh gia David Dương, trực tiếp với Tổng Thống Obama trong lần gây quỹ mới đây nhất, vào ngày 3 Tháng Tư tại San Francisco.
Ông David Dương là người từng ủng hộ hơn $150,000 cho ông Obama và đảng Dân Chủ kể từ năm 2008, tác giả dựa theo báo cáo của Center for Responsive Politics.

Qua các email trao đổi giữa ông Ân và ông David, mà tác giả cho biết có đọc được, vị doanh gia gốc Việt có cho vị tổng lãnh sự biết ông đã nói chuyện thẳng với ông Obama tại một cuộc gây quỹ ở California hồi đầu tháng và nói rằng ông Ân có đủ khả năng làm đại sứ tại Việt Nam.

Cũng theo tác giả, tại buổi gây quỹ này, ông David Dương đã đưa cho tổng thống một lá thư, cùng với một danh sách có tên hơn 70 người ủng hộ ông Lê Thành Ân làm nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ ở Hà Nội. Tác giả có đăng danh sách này ngay dưới bài viết.

Một ngày sau, theo tác giả, ông David Dương viết email báo cho ông Ân biết đã gặp tổng thống lần thứ nhì.
“Tôi có ăn sáng với tổng thống và 27 người khác sáng nay, và tôi có nói về ông và lá thư tôi đưa tổng thống tối hôm trước,” tác giả Greg Rushford trích email của ông David Dương cho biết như vậy.

Rồi ông David Dương cho ông Ân biết tổng thống đáp lại một cách thân thiện, theo tác giả Greg Rushford viết, và ông trích lời ông David thuật lời tổng thống nói như sau: “Chúng ta cần phải làm việc thêm và có hai dân biểu hoặc hai thượng nghị sĩ đề cử. Nếu được như vậy, chắc chắn anh (Lê Thành Ân) sẽ vào được (chức đại sứ).”

Tác giả cũng viết rằng khi về Mỹ nghỉ phép, Tổng Lãnh Sự Lê Thành Ân có ghé nhà Bác Sĩ Bùi Duy Tâm.
Qua các trao đổi bằng email, tác giả còn cho rằng ông Lê Thành Ân không chỉ ngồi khoanh tay quan sát ông David Dương và Bác Sĩ Bùi Duy Tâm “làm cho ông trở thành một ứng cử viên.”

“Ông Ân có tham gia hiệu đính và viết nháp một số thư ủng hộ sự đề cử của cá nhân ông,” tác giả Greg Rushford viết trong bài báo. Tác giả còn viết rằng trước khi ông David Dương đưa lá thư cho Tổng Thống Obama vào ngày 3 Tháng Tư, chính ông Ân có sửa một lỗi chính tả trong đó và email, qua một iPad, cảm ơn ông David Dương.
Không chỉ ông David Dương và Tổng Lãnh Sự Lê Thành Ân không trả lời nhiều email của tác giả gởi tới, Tòa Bạch Ốc và thị trưởng Chicago cũng vậy, tác giả cho biết.

Trong bài viết khá dài, tác giả viết nhiều về ông David Dương hơn là ông Lê Thành Ân.

Ngoài ra, tác giả còn so sánh ông Ân với các đại sứ Mỹ hiện tại và quá khứ ở Việt Nam.

Tác giả nêu ra ba ông Michael Michalak, Michael Marine và Raymond Burghardt, và cho rằng họ đều là ba nhà ngoại giao chuyên nghiệp, lâu năm, và cấp cao. Ðại sứ hiện tại, ông David Shear, cũng vậy. Riêng đại sứ đầu tiên tại Hà Nội, cựu Dân Biểu Douglas “Pete” Peterson, không phải là nhà ngoại giao, “nhưng là một lựa chọn tuyệt vời, được sự ủng hộ mạnh mẽ của Quốc Hội, và là cựu tù binh chiến tranh Việt Nam.”

Tác giả trích email của ông Trương Ngọc Phương cho biết lý do ủng hộ ông Ân như sau: “Chúng tôi là một nhóm đại diện cho cộng đồng và doanh nghiệp, vô tình biết ông Ân đạt được thành tích trở thành tổng lãnh sự Mỹ. Ngoài sự nể phục ông Ân và sự kính trọng vị đại sứ hiện tại, ông David Shear, chúng tôi quyết định tổ chức một cuộc vận động kín đáo để ông Ân làm đại sứ.”

Tác giả Greg Rushford cũng cho biết ông Trương Ngọc Phương nghĩ rằng ông Lê Thành Ân, một người Mỹ gốc Việt, có thể giống như ông Gary Locke, một người Mỹ gốc Hoa, hiện là đại sứ Mỹ tại Trung Quốc.

Nhưng tác giả cho rằng ông Locke vượt trội hơn ông Ân vì “từng là thống đốc tiểu bang Washington và từng là bộ trưởng thương mại.”

Tác giả cũng cho rằng rất khó để ông Ân trở thành đại sứ tại Hà Nội vì ông “không thể đấu tranh cho nhân quyền cho Việt Nam, một điều mà cộng đồng Việt Nam hải ngoại mong đợi” và “Việt Nam sẽ không cho phép ông vận động cho đề tài này.”

Tác giả cũng so sánh ông Ân với một số nhà ngoại giao khác của Mỹ và cho rằng ông Ân chỉ có kinh nghiệm hành chánh chứ không có kinh nghiệm ngoại giao.

Ông cũng nêu trường hợp bà Caroline Kennedy, con gái cố Tổng Thống John Kennedy, dù chưa bao giờ nắm chức vụ gì, nhưng sẽ thay thế ông John Roos làm đại sứ tại Nhật trong thời gian tới. Trước đó, ông Roos ủng hộ cuộc tranh cử của ông Obama tới $500,000.

Tác giả cho rằng chức đại sứ Hoa Kỳ không nên được dùng để mua bán, mặc dù trên thực tế không phải như vậy.
“Nhưng vận động cho một người làm đại sứ ngay tại buổi tiệc gây quỹ là điều không nên,” tác giả kết luận, đồng thời dự đoán rằng ông Ân sẽ không được làm đại sứ tại Hà Nội.

Theo nguoi-viet.com

 

vietditru

vietditru

Posted by vietditru

: