TTO – Khảo sát của Tổ chức Minh bạch quốc tế (TI) tại 107 quốc gia cho thấy người dân thế giới đánh giá tình trạng tham nhũng đang ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong hai năm qua.
Phong trào Năm Ngôi Sao biểu tình chống tham nhũng và lãng phí trước cửa tòa nhà Quốc hội Ý ở Rome – Ảnh: Reuters
heo AFP ngày 8-7, mới đây TI đã công bố kết quả khảo sát Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu 2013 (GCB). Đây là cuộc khảo sát về tham nhũng lớn nhất thế giới. Các chuyên gia TI đã phỏng vấn 114.000 người ở 107 quốc gia trên toàn thế giới.
Kết quả cho thấy 27% số người được hỏi cho biết đã phải hối lộ cảnh sát hoặc tòa án hoặc đảng chính trị ở nước mình trong vòng 12 tháng qua. Con số này không hề giảm đi so với những khảo sát trước đây.
Có một sự liên hệ rõ ràng giữa cái nghèo và nạn tham nhũng. Khảo sát cho thấy 8/10 nước có tỉ lệ đút lót cao nhất nằm ở châu Phi. Ở 36 nước, người được hỏi đánh giá cảnh sát là lực lượng tham nhũng nhất, trong khi người dân 20 nước khác coi ngành tư pháp là hủ bại nhất. Tại 51 quốc gia, những người được hỏi cho rằng các đảng chính trị tha hóa nhất.
Tỉ lệ ủng hộ của người dân đối với các nỗ lực chống tham nhũng của chính phủ các nước hiện chỉ còn 31%, thấp hơn 22% so với kết quả khảo sát trước cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Tuy nhiên, tâm lý chống tham nhũng cũng gia tăng. Khảo sát cho thấy có 2/3 người được hỏi cho biết họ từng từ chối đút lót để bôi trơn công việc. “Tình trạng đút lót vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao khắp thế giới, nhưng ngày càng nhiều người tin rằng họ có đủ sức mạnh để chấm dứt nạn tham nhũng. Số người sẵn sàng đấu tranh chống tham nhũng và những hành vi lạm dụng chức quyền là rất đáng kể” – chuyên gia Huguette Labelle thuộc TI khẳng định.
Bà Labelle kêu gọi chính phủ các nước thành lập và duy trì các cơ quan độc lập, có đủ thẩm quyền để chống lại nạn tham nhũng.
Nguyệt Phương