1

Giới hữu trách Thái Lan hôm nay cho biết họ vừa bắt một nghi can thứ ba trong cuộc điều tra về vụ nổ bom chết người tại một đền thờ ở Bangkok hồi tháng trước. Và lần đầu tiên họ cho biết tên của cả 3 nghi can đang bị câu lưu. Thông tín viên Steve Herman của đài VOA tường trình từ Bangkok.

Cảnh sát cho biết họ đã bắt một người đàn ông thứ ba trong cuộc điều tra về vụ nổ bom hôm 17 tháng 8 tại đền Erawan.

Các giới chức nói rằng nghi can Kamarudeng Saho, một người Thái Lan 38 tuổi, theo đạo Hồi, bị bắt tại tỉnh Narathiwat ở miền nam và đang trải qua cuộc thẩm vấn của quân đội.

Nghi can này bị câu lưu dựa theo Điều 44, thay cho lệnh thiết quân luật và dành cho tập đoàn quân nhân cầm quyền những quyền hạn hết sức rộng rãi.

Trong khi loan báo vụ việc trong chương trình phát hình vào trưa hôm nay, giới hữu trách Thái Lan lần đầu tiên cho biết tên của hai nghi can người nước ngoài đang bị câu lưu.

Đại tá Winthai Suvaree nói rằng hai nghi can này là Adem Karadak và Yusufu Meerailee. Tuy nhiên, ông không cho biết quốc tịch của hai người này.

Đại tá Winthai cũng nói rằng tất cả các trát bắt giữ đã được ban bố với một cách thức hoàn toàn phù hợp với những nguyên tắc quốc tế về điều tra.

Từ khi xảy ra vụ nổ bom cho tới nay, giới hữu trách Thái Lan đã ra trát để bắt 8 người, trong đó có một phụ nữ Thái Lan và 4 người đàn ông ngoại quốc – và trong số 4 người nước ngoài, chỉ có một người được xác định cụ thể là một công dân của Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong cùng chương trình truyền hình toàn quốc, xướng ngôn viên truyền hình quân đội, Thiếu uý Pareya Netrawichien loan báo chính quyền quân nhân “muốn ngăn chận việc loan truyền những ý kiến có thể gây hoang mang cho công chúng.”

“Các giới chức tham gia cuộc điều tra là những người có năng lực và là những chuyên gia đang làm hết sức mình và làm việc một cách thận trọng để giải quyết vụ án. Các giới chức cảnh sát sẽ điều tra thêm để phân tích và tìm ra nguyên do và mạng lưới của những kẻ chủ mưu.”

Truyền thông Thái Lan, lần đầu tiên, công khai đề cập tới mối liên hệ có thể có giữa vụ nổ bom với việc Thái Lan trục xuất hơn 100 người sắc tộc Uighur hồi tháng 7.

Sau khi những người này bị cưỡng bách trả về Trung Quốc, những vụ biểu tình bạo động đã xảy ra ở thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ nhắm vào các phái bộ ngoại giao của Thái Lan và Trung Quốc.

Chính quyền quân nhân Thái Lan đã cố tình né tránh để không gọi vụ đánh bom là một hành vi khủng bố quốc tế. Họ chỉ gọi vụ này là “biến cố Ratchaprasong” theo tên của khu thương mại sầm uất, trong đó có ngôi đền Ấn Độ giáo mà nhiều du khách Châu Á thường lui tới.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: