TT – Triển lãm hàng không vũ trụ Paris air show năm nay cho thấy xu hướng phát triển mới của thiết bị bay không người lái (UAV). Không chỉ hứa hẹn trong các lĩnh vực dân sự, xu hướng này có thể biến các chiến đấu cơ của quân đội thành những cỗ máy giết người táo tợn hơn.

Một máy bay không người lái trưng bày ở Paris air show, Pháp – Ảnh: Reuters

Trong lúc cả ngành hàng không đang phải thắt lưng buộc bụng, các công ty sản xuất máy bay đã đem đến Paris air show tháng 6-2013 những dòng máy bay thế hệ cũ nhưng có thể bay mà không cần người trong buồng lái. Đó có thể là các dòng máy bay thương mại hoặc thậm chí máy bay phun thuốc trên những cánh đồng.

Trên CNN, Bill Sweetman, biên tập viên mảng quốc phòng quốc tế của Aviation Week, nhận xét khủng hoảng kinh tế và việc chấm dứt chiến tranh lạnh đã dẫn đến xu hướng mới trong ngành hàng không. Thay vì chế tạo một máy bay hoàn toàn mới, “các công ty đang hiện đại hóa, chỉnh sửa các máy bay mà họ đã có thành một thứ khác, bởi nhu cầu của ngành công nghiệp này hiện không giống như thời chiến tranh lạnh và sẽ có những thứ khác nữa trong 10 năm tới”.

Lợi ích dân sự

UAV có nhiều tiềm năng phát triển cho các mục đích từ chiến đấu đến giám sát cháy rừng, chăm sóc mùa màng, tìm kiếm nạn nhân trong các thiên tai, giám sát các mỏ và đường ống dẫn dầu, khí đốt… Các quan chức và lãnh đạo ngành công nghiệp hàng không khẳng định đã đến thời các UAV sẽ được ứng dụng nhiều hơn trong đời sống.

Tại Paris air show từ ngày 17 đến 23-6 ở Pháp, Piaggio Aero đem đến chiếc máy bay thương mại HammerHead cải tiến với các thiết bị phục vụ việc giám sát và hệ thống lái điều khiển từ xa. Piaggio Aero cho biết HammerHead hi vọng sẽ được phép sử dụng từ năm sau, cho một cái nhìn gần vào “những hệ thống bay không người lái trong tương lai”.

Còn chiếc ArchAngel của Iomax, vốn là một máy bay phun hóa chất trong nông nghiệp, được trưng bày với chức năng cải tiến là… tuần tra biên giới. Công ty Thụy Sĩ SenseFly trình làng chiếc UAV giúp vẽ bản đồ địa hình trong khi một công ty của Mỹ giới thiệu một chiếc máy bay dùng năng lượng mặt trời có thể đưa những mặt hàng nhỏ, như thuốc men, đến những khu vực hẻo lánh. Một nhóm nghiên cứu đi xa hơn khi phát triển sản phẩm chim robot có chuyển động sống động như một con chim thật sự.

Thật ra, nhiều nước như Mỹ đã sử dụng UAV với mục đích chính là thu thập thông tin cháy rừng, sự cố hạt nhân, sự di cư của động vật, giúp giải cứu tàu thuyền, trồng rừng… Chi phí để phát triển UAV được cho là rẻ hơn việc phát triển một đội trực thăng để tiếp cận các khu vực hiểm trở. Tại châu Âu, Financial Times đưa tin ba “ông lớn” hàng không là EADS, Finmeccanica và Dassault mới đây cũng hối thúc các lãnh đạo khu vực phát triển một chương trình UAV như Mỹ.

Nhưng để ngành công nghiệp UAV thật sự cất cánh, các quan chức cần làm việc lại về các đạo luật hàng không. Các nhà làm luật trên thế giới cần cho các nhà sản xuất biết họ được tung hứng sáng tạo đến đâu và khi nào, AP nhận định. Cơ quan hàng không Mỹ đang có ý định mở rộng việc sử dụng UAV khi dự kiến hoàn thành bộ luật cho các thiết bị này vào năm 2015, quy định cụ thể về những khu vực UAV được bay, cách đào tạo người điều khiển, các quy định an toàn bắt buộc, mục đích sử dụng… Cơ quan này đã công bố sáu điểm thử nghiệm UAV trên toàn quốc.

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!