(NLĐO) – Thượng viện Mỹ hôm 27-6 đã thông qua dự luật cải tổ nhập cư, trong đó bao gồm việc mở đường cho 11 triệu người nhập cư trái phép trở thành công dân hợp pháp của nước này.
Một cuộc tuần hành ủng hộ cải tổ nhập cư ở thành phố Atlanta – Mỹ hồi đầu năm nay
Ảnh: AP
Dự luật trên nhận được 68 phiếu thuận và 32 phiếu chống sau nhiều tháng tranh luận và một thỏa thuận gần đây về việc tăng cường đáng kể chi tiêu cho an ninh biên giới.
Dù vậy, dự luật được dự báo sẽ đối mặt với chặng đường khó khăn sắp tới tại một Hạ viện bảo thủ hơn. Chủ tịch Hạ viện John Boehner từng khẳng định ông sẽ không thúc đẩy dự luật của Thượng viện do thiếu sự ủng hộ của hầu hết thành viên Đảng Cộng hòa. Thay vào đó, ông cho biết Hạ viện sẽ xem xét một dự luật của riêng mình, thể hiện ý chí của đa số thành viên và ý chí của người Mỹ.
Tổng thống Barack Obama nhận định kết quả cuộc bỏ phiếu trên đã đưa nước Mỹ tiến gần hơn đến việc chỉnh sửa toàn diện hệ thống nhập cư đang gặp trục trặc, đồng thời thúc giục Hạ viện làm điều tương tự như Thượng viện. Ông Obama xem việc cải tổ hệ thống nhập cư là ưu tiên hàng đầu trong nhiệm kỳ hai của mình khi yêu cầu quốc hội trình cho ông một dự luật để ký ban hành vào mùa thu năm nay.
Cuộc bỏ phiếu ở Thượng viện diễn ra không lâu sau khi hai thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa làm trung gian cho một thỏa thuận mang tính thỏa hiệp, theo đó chi tiêu cho an ninh biên giới sẽ được tăng lên 38 tỉ USD. Ngoài ra, thỏa thuận còn bổ sung thêm 20.000 nhân viên an ninh, dựng thêm hàng rào, lắp đặt hệ thống giám sát điện tử và triển khai máy bay không người lái tại biên giới.
Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính dự luật trên, nếu không tính khoản chi tiêu gia tăng cho an ninh biên giới, sẽ giúp thâm hụt ngân sách của Mỹ giảm 175 tỉ USD trong 10 năm, đồng thời góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước. Bên cạnh đó, theo các nhà phân tích, nhiều thành viên Đảng Cộng hòa thừa nhận rằng việc ủng hộ dự luật đóng vai trò quan trọng đối với triển vọng trúng cử sau này của họ bởi tầm quan trọng ngày càng tăng của khối cử tri nói tiếng Tây Ban Nha.
P.Võ (Theo BBC)
Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!
:
Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!