Hải quân Trung Quốc trên tàu sân bay Liêu Ninh ở Biển Đông.

Tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã trở về căn cứ sau một loạt diễn tập tại Biển Ðông.

Đây là chuyến diễn tập đường dài đầu tiên của tàu Liêu Ninh kể từ khi được đưa vào hoạt động hồi năm ngoái, giữa những mối quan tâm về sức mạnh trên biển ngày càng tăng của Trung Quốc.

Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc cho biết tàu sân bay của Ukraina thời Xô Viết được tân trang “đã thử nghiệm toàn bộ hệ thống chiến đấu và thao dượt đội hình.”

Tân Hoa Xã trích lời một nguồn tin ẩn danh của hải quân cho biết chuyển hải hành 37 ngày đã “đạt được mục tiêu dự trù” và tất cả các thử nghiệm đều hoàn thành một cách tốt đẹp như kế hoạch đã định.”

Hạm trưởng tàu Liêu Ninh Trương Tranh cũng cho biết mọi việc đều suôn sẻ trong chuyến đi này.

“Chúng tôi cố gắng phối hợp tất cả việc thử nghiệm, huấn luyện và chiến đấu của tàu sân bay trong chuyến công tác nghiên cứu khoa học và huấn luyện ở Nam Hải. Và chúng tôi chú trọng đến việc nghiên cứu những biện pháp bảo vệ tàu và khả năng chiến đấu của tàu.”

Máy bay, tàu chiến và tàu ngầm của Trung Quốc đã hộ tống tàu Liêu Ninh tới Biển Đông và tham gia vào các cuộc diễn tập.

Vào ngày 5 tháng 12, một trong những chiếm hạm hộ tống tàu Liêu Ninh đã suýt đụng nhau với một chiến hạm của Hoa Kỳ. Các giới chức Mỹ nói chiếc USS Cowpens đã phải lách qua một bên vào phút chót để tránh đụng tàu Trung Quốc.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Chuck Hagel sau đó tuyên bố Trung Quốc đã hành động “một cách vô trách nhiệm” trong vụ đối đầu, xảy ra khi tàu Mỹ theo dõi nhóm tàu sân bay Trung Quốc trên hải phận quốc tế.

Tuy nhiên, Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc “hành động theo đúng thủ tục” và cho biết tàu Mỹ đã làm ngơ trước những cảnh báo và đến quá gần tàu sân bay Trung Quốc.

Giáo sư Carl Thayer thuộc trường đại học New South Wales, Australia nói vấn đề nằm ở chỗ Trung Quốc “đã có cách giải thích khác về luật quốc tế và về những điều gì được cho phép tại biển khơi hay trên hải phận quốc tế.”

Giáo sư Thayer nói với Đài VOA là Trung Quốc nên làm việc với Hoa Kỳ để thiết lập những luật lệ thích hợp về cách hành xử trong hoạt động thu thập tình báo, như là Washington đã làm với Moscow trong thời kỳ chiến tranh lạnh.

“Hoạt động thu thập tình báo loại này được ổn định khi các quốc gia đối đầu với nhau và có vũ khí hạt nhân. Tôi nghĩ Liên bang Sô Viết và Hoa Kỳ hiểu rõ việc này. Và Trung Quốc…cũng nên học thêm một ít về cách thức tiếp xúc với Hoa Kỳ trong những hoạt động quân sự  trên biển để tránh xảy ra những vụ việc như vậy.”

Giáo sư Thayer nói Bắc Kinh không muốn xảy ra xung đột với Hoa Kỳ, nhưng họ hy vọng sử dụng sức mạnh hải quân ngày càng tăng để giữ cho lực lượng Mỹ tránh xa Hoa Lục càng nhiều càng tốt.

Về phần mình, Trung Quốc mô tả vai trò của tàu sân bay Liêu Ninh là “thí nghiệm,” và các nhà phân tích đồng ý khả năng của tàu giới hạn.

Ông Peter Dean, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc phòng trường đại học Quốc gia Australia, nói với Đài VOA là tàu sân bay Trung Quốc chỉ lớn bằng một nửa loại siêu tàu sân bay mới thuộc lớp Gerald Ford của Mỹ. Tuy nhiên ông nói tàu Liêu Ninh đại diện cho những tham vọng rộng lớn hơn của Trung Quốc.

“Tàu này có liên hệ đến hoạt động thương mại của họ và khả năng hành sử nhiều quyền hạn hơn trong khu vực. Và như một trong những đô đốc Trung Quốc tuyên bố mới đây, tàu sân bay là tàu các cường quốc phải có. Và Trung Quốc tự xem là đang tiến đến giai đoạn phát triển để trở thành một cường quốc quốc tế.”

Tuy nhiên nhiều nước láng giềng Trung Quốc quan ngại về tình trạng lớn mạnh của nước này, và cáo buộc Trung Quốc ngày càng hung hăng trong những năm gần đây trong việc bảo vệ tuyên bố chủ quyền trên biển.

Việc Trung Quốc chọn Biển Ðông để cho tàu Liêu Ninh diễn tập dài hạn dường như không làm hạ giảm những quan ngại này, vì Bắc Kinh có tranh chấp lãnh thổ với các nước láng giềng ở khu vực này.

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: