Cuộc sống này có quá nhiều thứ đáng lo, nói trắng ra là đáng sợ. Sợ giá cả, sợ giao thông, sợ mất việc làm, mất ghế… nhưng vẫn có nỗi sợ lén lút gọi là sợ vợ. Không phải vơ đũa cả nắm nhưng không ít đàn ông Việt thường lấm lét không muốn lộ ra “điều ngang trái” này.

Hình minh họa

Số đông thì vẫn duy trì gia đình theo lối gia trưởng coi việc tôn trọng vợ như gia ân. Người chồng nắm quyền sinh sát. Vợ thì cúi cổ cong lưng như nô tỳ thê thiếp. Rất ít phụ nữ vùng lên chiếm quyền hoặc sống độc thân. Nằm trong cái văn hóa nam quyền thì người vợ cũng tự nguyện trở thành hình mẫu hy sinh như một nét đẹp mà truyền thông cổ vũ. Nhiều cô coi việc cưới được chồng đã là thành đạt. Có người khen đức hy sinh thì các bà lại phổng mũi tự hào. Các bà coi các cô gái từ chối đức hy sinh là một khiếm khuyết cần uốn nắn. Bản thân tôi, tuy biết kính vợ nhưng cũng không ít lần tỏ ra quá quắt.

Trong khi đàn ông xứ ta ông nào cũng oai như cóc thì bức tranh đàn ông thế giới sau những cuộc cách mạng bình đẳng giới đã đổi màu. Ở xứ Hoa Kỳ, đàn ông cam chịu khom lưng cúi cổ nấu cơm rửa bát quét nhà, không ai dám hé răng kêu một tiếng. Nói đúng ra họ giống đàn bà Việt ta tự hào đức hy sinh. Ai không hy sinh vì phụ nữ sẽ bị coi là lệch chuẩn. Những đàn ông Mỹ lệch chuẩn tốt nhất là nên sang xứ ta kiếm vợ.

Không chỉ người Mỹ mà Việt kiều cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc đấu tranh bình đẳng giới. Cô Hồng, mới theo chồng sang “bển” (Orange County, nơi nhiều Việt Kiều trú ngụ) được 5 năm. Với hình thức khá xinh, chăm chỉ và khéo tay, cô tạm thời làm vẽ móng tay cũng đủ sống, nhưng chủ yếu là chồng nuôi. Nghe cô điện thoại cho chồng cắt đặt việc gia đình cho chồng như nữ tư lệnh, thấy thầm khâm phục ông xã cô quá. Tiếng ông xã chồng đầu dây cứ hết dạ dạ rồi lại Honey Honey! (từ âu yếm dành cho người tình). Thấy tôi trố mắt. Hồng cười bảo không riêng gì chồng em đâu. Các ông chồng bên này là thế anh ạ. Giống nhau cái là ngoan như cún. Bên này cơ hội của phụ nữ nhiều hơn đàn ông. Được ưu tiên mọi nơi mọi lúc và nhất là cơ hội công việc.

Vợ chồng anh Nansel. Ảnh: Long Hưng.
Vợ chồng anh Nansel. Ảnh: Long Hưng.

Chị Hoàng Anh có một anh chồng đặc biệt. Tuy anh Ngọc, chồng chị sống ở châu Âu và Mỹ tới nửa đời người nhưng vẫn bảo lưu chất gia trưởng truyền thống. Hồi ở Việt Nam, mỗi lần không ưng, anh đập bàn, đá ghế, trừng mắt, chỉ tay thì chị sợ run như cua gặp ếch. Là người đàn bà đẹp nhưng Hoàng Anh cũng không ý thức được bình đẳng giới ra sao.

Từ khi chị sang sống cùng anh bên này thì tương quan đã thay đổi. Chị đã hòa nhập nhanh và biết rõ mình được bảo vệ. Anh Ngọc có lần ra oai cơ bắp, chị Ngọc bốc máy gọi cho cảnh sát. Tiếng tăm chưa thạo, Chị chỉ hét lên: Ông ấy đánh tôi. Giết tôi! Cứu tôi với! Cảnh sát đáp lời: Bà yên tâm, chúng tôi sẽ thực hiện ngay: 1 – Bắt giam ông chồng bà. 2 – Cách ly bán kính 100 mét không được đến gần bà…

Lúc ấy Hoàng Anh rụng rời vì chỉ muốn cầu cứu chứ không nghĩ chồng mình lại bị nhốt. Anh Ngọc vội chuồn lẹ. Dăm phút sau cảnh sát phóng xe hú còi đến lập lòe khắp xóm. Họ làm các thủ tục bảo vệ và đưa giấy cảnh báo ông chồng phải cách vợ ngoài 100 mét trong vòng 2 tuần. Sau cuộc này, mỗi lần anh Ngọc vung tay lên thì đều phải hạ tay xuống từ từ vì vợ chả thiếu gì điện thoại. Hoàng Anh hể hả: Anh ấy dạo này ngoan lắm rồi.

Ngoài việc nóng tính thì anh Ngọc cũng tề gia nội trợ, vun vén gia đình. Vừa là người lo kinh tế, vừa lo bếp núc, giặt giũ sửa nhà dọn vườn, xén cỏ. Hoàng Anh đủ thời gian để làm đẹp, đi giao lưu bạn bè và ca hát ở phòng trà.

Hoàng Anh bảo: Đàn ông bên này ngoan nhưng đôi khi cũng khiến mình sốt ruột. Thí dụ như ở nhà thì người ta thấy mình đẹp là người ta khen. Khen hơi thô chả sao. Nhưng đàn ông bên này muốn ca tụng cũng phải rào đón xin phép. Anh nói câu này em thứ lỗi nha. Em quá đẹp. Trời ơi là trời… Họ cứ nơm nớp sợ nếu ca tụng vồn vã quá biết đâu mình kiện vì tội quấy rối. Ông nào cũng sợ bị kiện tụng. Đâm ra cứ hãm hãm.

Kết quả hình ảnh cho Xứ sở “nhất vợ nhì giời”

Ảnh minh họa.
Dược sĩ Trần Đức và vợ đã trên 80 tuổi, là Hà Nội cổ, tuy xa quê quá nửa đời người nhưng vẫn giữ được giọng nói ngữ điệu Hà Nội xưa. Gia đình cụ thân sinh ông thời Pháp nổi tiếng Hà Thành với thương hiệu “Dầu cù là Hoa Đà Việt Nam”. Nghề thuốc truyền lại nay chỉ có mình ông theo được. Gia đình ông là một trong số các gia đình thành đạt được người bản xứ trọng vọng. Gia đình dược sĩ Trần Đức sống ở khu đại gia, sở hữu vài biệt thự ven bờ biển đầy nắng và giàn hoa.

Hình ảnh thường thấy là bà Đức lịch thiệp tiếp khách, còn ông Đức vào bếp nấu đủ các món và tự tay bưng ra chiêu đãi. Ông không cho ai làm cùng vì đấy là niềm vui của riêng ông. Dược sĩ mà làm bún, phở, nem chẳng khác gì món trong nhà hàng Hà Nội. Tiệc tàn, ông rửa bát (bằng máy) rồi pha trà ngồi tâm tình với bà. Ông bà là hình ảnh câu ngạn ngữ “happy wife, happy life” (vợ vui thì đời mới tươi).

Chuyện khác. Anh Nansel kỹ sư phát triển hệ thống tự động hóa cho tòa các nhà ở thủ phủ bang Cali có một gia đình rất yên ấm với cô vợ người Việt và câu con trai kháu khỉnh. Vợ là chị Kim Nansel vóc dáng như người mẫu. Anh chồng thì cao gần mét chín mươi, như tài tử xi nê. Cả hai đều ở U50 rồi mà trông cứ quấn quýt như mối tình đầu. Ngôi nhà của họ ấm cúng với khu nhà nằm giữa khu vườn nhiều chim chóc và sóc nâu. Câu cửa miệng của Nansel là “Ý của em là ý chúa”. Mỗi khi chị Kim đằng hắng gì đó là Nansel bỏ dở ngay việc của mình để thực hiện yêu cầu vợ. Họ hiểu nhau tới mức, vợ chưa kịp nháy mắt thì chồng đã thực hiện rồi.

Kết quả hình ảnh cho Xứ sở “nhất vợ nhì giời”

Trong nhà Nansel có nhiều khẩu hiệu được chế tác thủ công bằng gỗ hoặc Composite trang trí trau chuốt đề những dòng quy tắc gia đình như: “Giúp nhau, luôn nói thật… Lắng nghe ba mẹ… Hãy tỏ lời yêu thương… Tình yêu – Chia sẻ – Cuộc sống – Nụ cười…” Những khẩu hiệu này trong sảnh tiếp khách, đằm thắm trên tường phòng ngủ và nghiêm cẩn đính trên tường toilet. Có muốn quên cũng khó. Nansel bảo ý tưởng này do vợ dạy. Vợ nói là chân lý. Cấm cãi. Chỉ có học thôi. Hãy nhìn dòng chữ trên áo tôi mặc này “I Don’t Need Google My Wife Knows Everything” (Khỏi cần Google, vợ tôi biết tuốt) . Mỗi lần chị Kim ra một yêu cầu khó méo mặt thì Nansel cười bảo “Tại sao không?”.

Chiều hôm cuối cùng tôi ở thủ phủ bang Cali, vợ chồng Nansel say sưa giới thiệu với tôi về khu phố cổ bên dòng sông Sacramento yên ả với rất nhiều ngỗng trời Canada. Khung cảnh ở đây được tái hiện quá khứ với những cỗ xe bạch mã chạy lóc tóc đưa khách du lịch chạy qua những dãy nhà gỗ kiểu miền tây bên một nhà ga xinh xắn. Vang vang từ quán rượu tiếng gào của ban nhạc Countryrock toàn các tay guitar lụ khụ, tóc bạc râu xồm. Khi nắng chiều sắp tắt, chị Kim bảo chúng tôi trở về. Chị dẫn đường có vẻ không chuẩn nhưng chẳng ai nói gì. Sau một lúc, chị Kim ngẩn người ra và tuyên bố “Lầm đường rồi. Quay lại lối lúc nãy!”. Cả nhóm thở phào. Tôi hỏi: Nansel có biết vợ nhầm đường không? Nansel: Có. Lại hỏi: Sao biết vợ nhầm mà không nhắc? Nansel: Sao phải nhắc? Vợ đi đâu là phải đi theo đấy.

Nghe vợ dường như là một giáo phái mới. Paul, Kỹ sư hàng đầu về giải pháp truyền dữ liệu siêu tốc độ lại luôn tìm mọi giải pháp gia đình theo lời vợ. Giải pháp của công ty ông đã hỗ trợ cho Google, Facebook… và nổi tiếng khi truyền dữ liệu cho EURO. Paul có một bà vợ Việt Nam và luôn mồm nói việc lấy được bà Nga là một siêu may mắn. Ông là người giàu có nhưng giản dị, chẳng tiêu xài gì. Gần đây ông sắm một chiếc Audi thể thao 100.000 USD. Ông bảo, Nga khuyên rằng Hãy tận hưởng cuộc sống. Chết đi cũng chẳng mang theo được đồng nào. Vợ tôi nói là chân lý. Điều đó tôi không nghĩ ra cho tới tận 60 tuổi.

Hình ảnh có liên quan

Ở bờ đông nước Mỹ, trên triền đồi New England thuộc Boston có ông giáo sư Thomas cũng vậy. Cho dù bận rất nhiều dự án phải hoàn thành, ông vẫn tròn bổn phận nấu cơm, rửa bát, quét nhà. Ông biểu diễn khá nhiều món phải nói là rất ngon. Bà vợ ông là sếp của một tổ chức đào tạo của Đại học Harvard cả ngày bà đi làm, tối thì đánh tenis, về nhà thì ăn suất ông nấu sẵn và đọc báo. Bà Thomas có phong cách rất quý tộc. Nói chuyện với gia đình như diễn thuyết trước ngàn người. Thomas vừa nội trợ vừa không ngừng tặng bà những lời có cánh.

Xứ này lạ thế. Nếu trên máy bay có tiếng trẻ khóc thì người bế bé đi rong dỗ dành chắc chắn không phải phụ nữ. Đẩy xe cho bé ở công viên cũng không phải phụ nữ. Mày râu giải quyết hết.

Xứ này người ta cưa cẩm nhau, hoặc bà mối muốn vun vén cho đôi nào thì không bao giờ khoe anh ấy có bằng Harvard hay thu nhập cỡ nào bởi nó chẳng có ý nghĩa gì. Họ chỉ nói anh ấy biết nấu món cơm trộn Cuba siêu đẳng, anh ấy biết làm món Tacos tuyệt vời hay biết làm bánh kẹp cá da trơn chiên giòn thơm điếc mũi…

Mẫu đàn ông bia rượu, súng ống ngang tàng chỉ thấy trên phim. Ngoài đời chỉ thấy mày râu uống nước lọc và hơi nhút nhát. Phần lớn thói hút thuốc rơi vào các quý bà. Việc hút thuốc cũng dường như là sự khẳng định quyền bình đẳng chứ chẳng phải nghiện ngập. Nhiều phụ nữ vẫn kiên quyết nói không với thuốc lá. Vợ anh tài xế taxi John Meles gốc Ethiopia bảo: Thuốc lá và em, anh chọn đi! John biết nếu từ bỏ thuốc lá anh sẽ rơi vào tình cảnh dở sống dở chết nhưng cuối cùng thì John bảo: Tôi chọn vợ tôi. Tôi đã bỏ thuốc lá được 14 năm rồi.

Lệnh ông không bằng cồng bà. Obama phu nhân cũng không ưa thuốc lá. Trong một câu chuyện hành lang, Tổng thống Barack Obama đã thổ lộ: “Tôi đã không hút lấy một điếu thuốc lá nào trong sáu năm qua bởi vì tôi sợ vợ tôi”.

Nếu hỏi người Mỹ: “Ông có bao giờ đánh vợ không?”. Câu trả lời sẽ là “Không bao giờ. Nhưng nếu có thì đó là trường hợp tự vệ”. Nói vậy thôi chứ khả năng tự vệ cũng bị triệt tiêu.

Thời cựu tổng thống Bin Clinton vướng vụ lùm xùm với cô thực tập sinh. Vợ ông đã nện ông bằng ít nhất 20 cuốn sách khác nhau. Cuốn nào cũng có nhiều lời hay ý đẹp, nhưng sự va đập của nó khiến ông bị rách da, chảy máu.

Hình ảnh có liên quan

Ở xứ ta thì phụ nữ vừa nhẫn nhịn hy sinh cũng có lúc được tôn vinh, còn bên Mỹ thì đàn ông khom lưng cúi cổ cũng chẳng ai ca ngợi cả. Có lẽ lịch sử quay vòng. Mỹ đang trở về thời bộ lạc mẫu hệ. Đàn bà Mỹ chứ nhởn nhơ mà tận hưởng chứ họ chẳng biết họ đang sở hữu ông chồng đáng giá cỡ nào đâu. Lẽ ra bên ta đang đấu tranh nữ quyền thì bên Mỹ cũng phải đấu tranh đòi nam quyền chứ nhỉ. Đàn ông Mỹ chịu khổ mãi sao?

Sau khi đi một vòng nước Mỹ với hơn chục thành phố lớn nhỏ, tai nghe, mắt thấy những cảnh “nhất vợ nhì giời” như vậy, chợt thấy mình quá oai so với vợ. Những điều mình đã tỏ ra quá quắt và vợ phải âm thầm chịu đựng thì có thách vàng cũng không có người đàn ông Mỹ chẳng ai dám làm. Ngồi trên chuyến bay trở về từ nửa vòng trái đất, tôi tạm quên những những người đàn bà Mỹ mà chỉ nghĩ đến bà vợ tội nghiệp của tôi.

Thương quá. Vợ ơi.

Tổng hợp

vietditru

vietditru

Posted by vietditru

: