TÒA BẠCH ỐC — Thứ hai tới đây, Tổng thống Obama sẽ lên đường đi dự Hội nghị Thượng đỉnh khối G8 ở Bắc Ireland và ghé thăm Berlin. Theo tường thuật của thông tín viên VOA Kent Klein từ Tòa Bạch Ốc, vụ xung đột ở Syria và các chính sách theo dõi của Hoa Kỳ sẽ nằm trong các đề tài thảo luận chính.

Trong khi G8 thường được coi là một hội nghị thượng đỉnh về kinh tế, cuộc họp năm nay tại một khu nghỉ mát ở Bắc Ireland sẽ đề cập đến vụ đổ máu ở Syria.

.. và liệu 8 trong số các nước nhiều thế lực nhất thế giới có thể ngăn chặn được vụ xung đột ấy.

Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhà lãnh đạo G8 duy nhất ủng hộ Tổng thống Bashar al-Assad. Ông Putin được coi là đóng vai trò chủ chốt trong bất kỳ thỏa thuận nào của G8 về Syria, theo nhận định của ông Scheherazade Rehman, giám đốc về nghiên cứu Âu châu tại trường Ðại học George Washington.

Ông Rehman nói: “Ông Purin rất thích chuyện này. Ông là trung tâm điểm chú ý vào thời điểm đặc biệt này. Ông ấy biết rằng, không có ông ấy, thì không thể nào điều giải được một thỏa thuận hòa bình với ông Assad.”

Tổng thống Obama và Tổng thống Putin sẽ họp riêng với nhau tại hội nghị G8 và cũng có nhiều phần chắc Syria sẽ là đề tài chính ở đấy, theo ý kiến của ông James Goldgeier, Hiệu trưởng trường Quan hệ Quốc tế thuộc Viện Ðại học American.

Ông Boldgeier nói: “Ðiều tốt nhất có thể đặt hy vọng vào là một sự thúc đẩy cho một hội nghị quốc tế, trong đó các bên khác nhau trong vụ xung đột Syria sẽ tham dự. Và liệu họ có thể đạt được điều ấy hay không, hoặc liệu các diễn biến ở thực địa có gây trở ngại cho điều đó hay không, ta phải chờ xem.”

Tuy nhiên, ông Goldgeier tin rằng các vị tổng thống Nga và Hoa Kỳ có thể hợp tác về một số vấn đề khác.

Ông Boldgeier nói tiếp: “Cả hai ông đều có mối quan tâm lớn về chống khủng bố. Tôi nghĩ hai bên đều mong muốn nhìn thấy Iran không phát triển vũ khí hạt nhân. Họ đều muốn tìm cách xoa dịu tình hình trên Bán đảo Triều Tiên.”

Trong thời gian ở Bắc Ireland, ông Obama cũng muốn thúc đẩy các cuộc đàm phán hướng tới một thỏa thuận mậu dịch tự do giữa Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu, có thể đẩy mạnh tăng trưởng và công ăn việc làm qua việc xóa bỏ các rào cản thuế khóa và các loại rào cản khác.

Có nhiều phần chắc Tổng thống Obama sẽ phải đối mặt với vấn đề theo dõi của chính phủ Hoa Kỳ, cả ở hội nghị thượng đỉnh lẫn khi ông gặp Thủ tướng Ðức Angela Merkel ở Berlin vào cuối tuần tới.

Ông Scheherazade Rehman cho rằng vấn đề này có thể gây khó khăn cho cuộc hội kiến.

Ông Scheherazade nói: “Cơ quan An ninh Quốc gia NSA đã thực thi chương trình theo dõi tình báo Trung Ðông. Nay chuyện vỡ lở là chương trình còn được thực hiện ở cả châu Âu và nhất là ở Ðức nữa. Và công chúng Ðức đang hơi làm rầm lên về vụ này. Ðiều đó cũng phải bởi vì họ tin rằng Hoa Kỳ đang xâm phạm quyền cơ bản của người dân, không chỉ ở Hoa Kỳ, mà còn mở rộng cả qua Tây Âu nữa.”

Tổng thống Obama cũng sẽ phát biểu tại Cổng Brandenburg, gần nơi ông đã nói chuyện với 200,000 người trong cuộc vận động tranh cử tổng thống năm 2008.

Theo VOA Tiengviet

vietditru

vietditru

Posted by vietditru

: