Báo Sài Gòn Tiếp thị sẽ sáp nhập vào Thời báo Kinh tế Sài Gòn kể từ 1/3 năm sau

Tập thể cán bộ, phóng viên báo Sài Gòn Tiếp thị (SGTT) vừa gửi đơn “xin cứu xét khẩn cấp” tới ông Lê Thanh Hải, Bí thư Thành ủy TP.HCM và hai ông Lê Hoàng Quân, Hứa Ngọc Thuận – Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND TP.HCM.

Lá đơn yêu cầu các cơ quan chức năng cho phép tờ báo “được tồn tại độc lập”, đồng thời cam kết sẽ “tiếp tục duy trì hoạt động theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà Nước”.

Trả lời phỏng vấn BBC ngày 28/12, ông Nguyễn Xuân Minh, quyền Tổng Biên tập SGTT, xác nhận về lá đơn này.

“Sáng 27/12, tập thể người lao động của báo đã họp với ban biên tập trước khi gửi đơn đi,” ông Minh nói.

“Vì tình hình lúc này đang rất gay go và vì đây là vấn đề quyền lợi của người lao động nên ban biên tập đã tôn trọng quyết định của họ,” ông nói thêm.

‘Xin được tồn tại’

Kể từ ngày 1/3 năm sau, SGTT sẽ ngưng hoạt động và chính thức sáp nhập vào Thời báo Kinh tế Sài Gòn, theo quyết định của các cơ quan chức năng.

Trong lá đơn kêu cứu, tập thể người lao động báo SGTT nói cơ quan chủ quản mới dù sẽ duy trì thương hiệu SGTT nhưng “chỉ tiếp nhận phóng viên, biên tập viên khoảng 10 người”.

“Đơn vị tiếp nhận mới có thể không đồng ý tiếp nhận người lao động đang làm việc tại báo SGTT, không quan tâm đến quyền lợi của họ là trái với Luật Lao động và đạo lý của người Việt Nam,” đơn viết.

“Giao thương hiệu SGTT cho đơn vị khác quản lý mà không xem xét đến nguyện vọng, đời sống, nhu cầu người lao động đã xây dựng và sáng tạo ra tờ báo suốt 19 năm qua là cách làm thuần lý mà thiếu tình người.”

“Vì sao phải buộc tờ báo của chúng tôi tự đình bản, trong khi chúng tôi không vi phạm quy định quản lý báo chí cũng như các quy định khác của Nhà nước?”

Trước đó, ông Minh cho BBC biết đã làm việc với ban biên tập Thời báo Kinh tế Sài Gòn và cơ quan này đang phải “cân nhắc để thu gọn bộ máy nhằm phát huy hiệu quả cao nhất”.

“Tất nhiên họ phải sàng lọc đội ngũ của SGTT mà bộ máy của tôi hiện nay là 107 người,” ông nói.

Trong đơn ngày 27/11, tập thể lao động của SGTT nói “sẽ đồng lòng sát cánh cùng ban biên tập để giải quyết vấn đề tài chính theo phương án mà UBND TP.HCM đã phê duyệt”.

Những người gửi đơn cũng nói sẽ chấp nhận bị “chậm trả lương, trả nhuận bút trong một thời gian” để giúp ban quản lý giải quyết khó khăn tài chính”.

“Chúng tôi xin phép được tiếp tục tồn tại trong vòng 3 đến 5 năm nữa theo thời hạn của giấy phép tiếp tục,” đơn viết.

“Chúng tôi cam kết nếu trong khoảng thời gian đó nếu chúng tôi không đủ sức đảm bảo quá trình hoạt động được nữa, chúng tôi sẽ tự xin đình bản”.

‘Lý do sâu xa’

Về lý do khiến SGTT bị sáp nhập, ông Minh cho biết tờ báo “từ rất lâu đã có lỗ”, nhất là vào năm 2011, khi lãi suất lến đến hơn 23% khiến toàn bộ doanh thu của báo phải trả lãi vay cho ngân hàng.

Ông cho biết thành phố đã cho SGTT được bán trụ sở để trả nợ và tờ báo sẽ được hưởng số tài sản dôi ra, khác với thông tin nói số tài sản này sẽ được sung công quỹ của một số báo trong nước.

Quyền Tổng Biên tập Nguyễn Xuân Minh nói ông sẽ luôn “nhớ thời hoàng kim của SGTT”

Tuy nhiên ông Minh cũng cho rằng việc tờ báo bị buộc ngưng hoạt động có thể là do “có những vấn đề sâu xa hơn” ngoài vấn đề tài chính vì tiền thu từ việc bán nhà cao hơn rất nhiều lần so với số nợ mà tờ báo đang có.

Dù là tờ báo có lĩnh vực đối tượng tin bài về tiêu dùng, kinh doanh, thị trường, nhưng SGTT trong một thập niên qua cũng nối tiếng với các chủ đề chính trị, xã hội mà một vài bài viết trong số đó bị cho là khá ‘nhạy cảm’.

Ông Minh nói tờ báo đã bị Ban Tuyên giáo phàn nàn “rất nhiều lần” và đã phải điều chỉnh “rất nhiều nội dung”.

Hồi tháng 10 năm ngoái, tờ báo đã bị thanh tra toàn diện, với nội dung thanh tra bao gồm vấn đề “thực hiện tôn chỉ, mục đích của báo; tổ chức, hoạt động” bên cạnh việc chấp hành các quy định về tài chính, kế toán.

SGTT là báo của Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM, ra đời từ năm 1995.

Người được cho như có công gây dựng phát triển tờ báo này từ đầu là bà Vũ Kim Hạnh, cựu Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ TP. HCM, người bị cho thôi chức vì ‘phạm khuyết điểm’ năm 1991.

Dưới sự lãnh đạo của bà Kim Hạnh, SGTT cũng quy tập một số nhà báo có kinh nghiệm từ các tờ báo khác, đặc biệt là Tuổi Trẻ.

Cũng chính SGTT đã khởi xướng ra chương trình Hội chợ hàng Việt Nam chất lượng cao được cho là rất thành công.

vietditru

vietditru

Posted by vietditru

: