TPO- Tổng thống Mỹ Obama đã chính thức hủy bỏ cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Nga Putin, nhưng rõ ràng trong vụ Snowden chỉ có một đại kỳ thủ.
Tổng thống Mỹ Barac Obama đã đáp trả nước Nga bằng hành động hủy bỏ cuộc gặp song phương với tổng thống Putin tại Moscow, nhưng vẫn sẽ tham gia cuộc gặp thượng đỉnh G20 tại Saint Peterbourg.
Chỉ có ai thật ngây thơ mới cho rằng ông Putin giờ đây sẽ ít có cơ hội gặp mặt song phương cấp cao với nhà lãnh đạo Mỹ. Liệu nước Nga có thể chờ đợi những kết quả gì từ cuộc gặp gỡ tay đôi như vậy? Nếu cuộc gặp cấp cao diễn ra, người ta không khó đoán nội dung của nó. Ông Putin chắc chắn sẽ phải hứng những lời than phiền của ông Obama về cách xử lý vụ cựu nhân viên CIA Eduard Snowden, về cuộc chiến Syria đại loại như hãy chấm dứt ngay những đợt cung cấp vũ khí có lợi cho các ông, hãy tận dụng ảnh hưởng của mình đối với Assad để đạt được kết quả, rồi về cắt giảm vũ khí hạt nhân, nhân quyền…
Ông Putin chắc chắn có lợi thế vì đã đạt được những điều mình muốn mấy tuần trước đây trong cuộc gặp song phương với ông Obama tại Ireland. Các phương tiện truyền thông đã phát đi những bức ảnh của 2 vị tổng thống với vẻ mặt căng thẳng và thông tin về tình huống bế tắc. Sau đó, ông Putin lại một lần nữa chọc tức Mỹ khi quyết định cho phép Snowden tỵ nạn.
Giờ đây ông Putin không còn mong đợi nhận được từ ông Obama thêm điều gì nữa, hay nói cách khác những gì ông muốn nhận thì ông Obama đã cho ông. Nguyên nhân thất bại của chính sách mà ông Obama thi hành đối với nước Nga là Nhà Trắng do dự, không công nhận những lợi ích hợp pháp của nước Nga. Tại sao Nga phải làm những gì mà Mỹ muốn? Năm 2008 chính quyền của ông Obama đã đúng đắn trong quyết định xây dựng lại các mối quan hệ Nga-Mỹ đang ở trong tình trạng thê thảm sau nhiều năm dài bất đồng, tuy nhiên mọi việc cứ xấu dần đi.
Những Mỹ đã sai lầm khi coi thường một thực tế ở nước Nga thời Putin. Đó là ông Putin hành động và nhận được sự ủng hộ của đại bộ phận nhân dân Nga. Theo cuộc thăm dò ý kiến của trung tâm nghiên cứu Pew, 56% người Nga hài lòng với kết quả bầu cử tổng thống khi Medvedev và Putin hoán đổi vị trí, 72% ủng hộ Putin và chính sách của ông. 57% người Nga cho rằng, người lãnh đạo giỏi quan trọng hơn là dân chủ. Con số này cao hơn 27% so với số người cho nền dân chủ là điều quan trọng sống còn. Ngoài ra, 75% người Nga cho rằng nền kinh tế mạnh quan trọng hơn dân chủ.
Nước Mỹ cần phải thừa nhận một thực tế, đại bộ phận người Nga hài lòng với (tín nhiệm) ban lãnh đạo quốc gia hiện nay. Cuộc thăm dò ý kiến của Pew cho thấy ông Putin được lòng dân là nhờ đất nước có sự tăng trưởng về kinh tế và sự năng động xã hội.
Trong khi đó, Nhà Trắng lại thực thi chính sách đối ngoại theo 3 nguyên tắc cơ bản: 1) Coi sức mạnh như một tiêu chí quan trọng trong việc đánh giá cách hành xử của quốc gia; 2) Sẵn sàng từ bỏ chính sách không có tác dụng bảo vệ lợi ích quốc gia; 3) Sẵn sàng sử dụng những ưu thế để ép buộc các nước khác phải theo ý thích riêng của mình bằng biện pháp đe dọa. Tất cả những nguyên tắc này hoàn toàn không thích hợp trong quan hệ với Nga.
Báo chí Mỹ ghi nhận Nhà Trắng sẵn sàng hy sinh một số lợi ích của nước Mỹ và đồng minh để giữ quan hệ với Nga. Mỹ từ chối can thiệp quân sự vào Syria và các quốc gia khác khi không có những nghị quyết phù hợp của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc, hủy bỏ kế hoạch bố trí các hợp phần đã thỏa thuận với NATO của hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu. Chính quyền của ông Obama cũng buộc phải nhân nhượng trước Nga về một số vấn đề như Iran, Lybia, không tích cực hậu thuẫn lực lượng ly khai Syria để cho ông Assad có đủ thời gian và điều kiện củng cố quyền lực của mình…
Cũng như ở Trung Quốc, xã hội Nga ở trạng thái yên ổn và không dễ bị kích động về chính trị, khi mức sống của người dân được cải thiện một cách rõ rệt. Rõ ràng, Washington không dễ gây áp lực với một nước Nga hùng mạnh đã trở lại vũ đài chính trị thế giới, đặc biệt khi lãnh đạo nước Nga lại là một chính khách cứng rắn, quyền lực và khôn ngoan.
Theo Foreign Policy, chính quyền của ông Obama đang kế thừa và tiếp nối chính quyền Bush trong những vấn đề liên quan tới chính sách đối với nước Nga. Mỹ thể hiện sự trịch thượng, giữ thái độ kẻ cả với nước Nga trong nhiều vấn đề.
Nhưng ông Putin hoàn toàn không phải một đối thủ dễ chơi và tổng thống Nga có sự lựa chọn của riêng mình. Ông Putin đã bỏ ngoài tai những lời đe dọa của Mỹ và việc cho phép Snowden tỵ nạn chẳng khác nào gáo nước lạnh dội vào ông Obama. Rõ ràng qua nhiều vụ việc gần đây cũng như cách giải quyết vụ Snowden, ông Putin đã chứng tỏ mình là một đại cao thủ.
Đỗ Ngọc Inh
Theo “Foreign Policy”, Mỹ