LITTLE SAIGON, California Trong thời gian gần đây, cộng đồng gốc Châu Á, đặc biệt các phụ huynh Việt Nam ở vùng Little Saigon, xôn xao về Dự Luật SCA 5, cho phép đại học công lập ở California có quyền sử dụng các yếu tố chủng tộc, giới tính, màu da, sắc dân hoặc nguồn gốc quốc gia, trong việc lựa chọn học sinh trung học vào đại học.

Dự Luật SCA 5 (Senate Constitutional Amendment 5) do Thượng Nghị Sĩ Ed Hernandez (Dân Chủ-Ðịa Hạt 24) đưa ra, và được một số dân cử đảng Dân Chủ đồng bảo trợ.

Ðó là năm thượng nghị sĩ Marty Block, Kevin de León, Ricardo Lara, Mark Leno, và Darrell Steinberg, và hai dân biểu Steven Bradford và Cristina Garcia.

Ða số các vị dân cử này đều là người Mỹ gốc Hispanic.

Sinh viên đại học UC Irvine trong một buổi sinh hoạt tại trường. (Hình: uci.edu)

SCA 5 được giới thiệu lần đầu tiên ngày 3 Tháng Mười Hai, 2012, và được thông qua tại ba ủy ban Giáo Dục, Chuẩn Chi, và Tu Chính Hiến Pháp và Bầu Cử.

Ngày 30 Tháng Giêng, 2014, SCA 5 được Thượng Viện thông qua với tỉ lệ phiếu 27 thuận và 9 chống, và chuyển qua Hạ Viện chờ biểu quyết. Tất cả phiếu thuận đều của đảng Dân Chủ và những phiếu chống thuộc đảng Cộng Hòa.

Theo hồ sơ tại Quốc Hội California, SCA 5 được 27 tổ chức ở California ủng hộ, đa số thuộc hai lãnh vực y tế và giáo dục. Phía bên chống chỉ có một tổ chức, đó là American Civil Rights Coalition.

Nếu được Hạ Viện thông qua, SCA 5 sẽ được đưa ra, qua một cuộc trưng cầu dân ý, để cử tri California bỏ phiếu vào Tháng Sáu hoặc Tháng Mười Một năm nay.
Ðạo Luật Prop. 209 là gì?

Trước năm 1996, California, cũng như nhiều tiểu bang khác ở Hoa Kỳ, áp dụng chính sách thiên vị (Affirmative Action) đối với một số nhóm chủng tộc thiểu số trong các lãnh vực việc làm, phân phối hợp đồng, và giáo dục, vì họ bị kỳ thị và bị bất lợi trong xã hội đa số là người da trắng. Ðạo Luật Prop. 209, được cử tri California thông qua năm 1996, chấm dứt hoàn toàn chính sách thiên vị này.
SCA 5 là gì?

Luật hiện hành quy định, khi lập tiêu chuẩn để nhận sinh viên vào các trường đại học thuộc hai hệ thống University of California (UC) và California State University (CSU), giới chức điều hành phải nhắm vào sự công bằng và bàn bạc kỹ lưỡng dựa trên sự đa dạng về văn hóa và chủng tộc trong các cộng đồng tại California.

Mục đích của SCA 5 là tiếp tục thực hiện Ðạo Luật Prop. 209, có nghĩa là tiểu bang California không được thiên vị đối với những cá nhân hoặc nhóm nào dựa trên các yếu tố chủng tộc, giới tính, màu da, sắc dân hoặc nguồn gốc quốc gia, trong việc điều hành hệ thống giáo dục công cộng, NGOẠI TRỪ hệ thống đại học công cộng.
Ủng hộ

Theo Thượng Nghị Sĩ Ed Hernandez giải thích trong Dự Luật SCA 5, ngay sau khi Ðạo Luật Prop. 209 được thông qua, tỉ lệ sinh viên gốc thiểu số giảm nhiều trong hai hệ thống đại học UC và CSU. Các báo cáo mới đây cho thấy, học sinh thiểu số tốt nghiệp trung học với tỉ lệ cao hơn trước đây, nhưng lại không được vào đại học với tỉ lệ cao như vậy.

Cũng theo vị dân cử này, năm 1995, tức là trước khi áp dụng Ðạo Luật Prop. 209, tỉ lệ học sinh thiểu số tốt nghiệp trung học là 38% và có 21% được vào đại học UC, một sự khác biệt 17%. Ðến năm 2009, học sinh thiểu số tốt nghiệp trung học là 52%, nhưng chỉ có 28% được vào hệ thống UC, một con số khác biệt 24%.

“Sự khác biệt này ngày càng lớn trong khi California ngày càng đa dạng,” theo lời tác giả Dự Luật SCA 5.

Cũng theo ông Hernandez, các thay đổi trong tiêu chuẩn nhận vào đại học công cộng ở California hiện nay nhằm mục đích gia tăng số sinh viên gốc thiểu số trong đại học UC cho bằng mức trước khi áp dụng Ðạo Luật Prop. 209 chỉ mang tính “tạm thời.” Dù vậy, số sinh viên thiểu số được vào đại học vẫn chưa phản ảnh đúng tỉ lệ số học sinh gốc Hispanic, Châu Phi, Thái Bình Dương, Philippines và thổ dân, đã tốt nghiệp trung học và đủ tiêu chuẩn vào đại học.

Vẫn theo Thượng Nghị Sĩ Ed Hernandez, với sự kiện California ngày càng đa chủng tộc, cũng như quyết định của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ mới đây cho phép hệ thống đại học tại các tiểu bang khác tiếp tục dùng yếu tố chủng tộc trong việc tuyển chọn sinh viên, là thời điểm tốt nhất để tu chính Ðạo Luật Prop. 209 và xem đây có phải là chính sách tốt nhất cho California hay không.

Ông Hernandez kết luận: “Cải tổ hệ thống đại học công cộng qua việc tu chính Ðạo Luật Prop. 209 phản ảnh mục đích của California, muốn giáo dục và đào tạo một lực lượng lao động cho nền kinh tế tương lai.”

Trả lời phỏng vấn nhật báo Người Việt, Thượng Nghị Sĩ Lou Correa (Dân Chủ-Ðịa Hạt 34), một trong những người bỏ phiếu cho SCA 5, giải thích: “Tôi nghĩ rằng sự đa dạng là rất quan trọng trong một nền dân chủ, vì nó bảo đảm cơ hội công bằng cho tất cả mọi người. SCA 5 áp dụng sự đa dạng trong hệ thống đại học và tôi tin là nó giúp tất cả mọi người có cơ hội vào đại học.”

“Tôi còn nhớ hồi đi học đại học, khi chính sách thiên vị người thiểu số vẫn còn được áp dụng ở California, chính những học sinh gốc Việt, Lào, Cambodia, Trung Hoa, Nhật, Nam Hàn… được hưởng lợi,” ông Correa nói tiếp.

Ông giải thích thêm: “Tuy nhiên, có một thực tế kinh tế mà chúng ta không thể bỏ qua. Ðó là một học sinh sống ở khu trung tâm Orange County không thể học được một trường trung học tốt như ở phía Nam quận hạt này. Trường ở Irvine chắc chắn tốt hơn trường ở Westminster.”

“Thành ra, tôi nghĩ, nếu đọc kỹ, chúng ta sẽ thấy SCA 5 không nhằm mục đích đảo ngược Ðạo Luật Prop. 209, mà chỉ có mục đích ‘cố gắng’ làm cho mọi người có cơ hội vào đại học như nhau,” vị thượng nghị sĩ này nói tiếp.

 



Sinh viên đại học UCLA làm thiện nguyện ở Los Angeles. (Hình: ucla.edu)

Chống đối

Trong một thông cáo báo chí gởi ra cho giới truyền thông, Giám Sát Viên Janet Nguyễn (Cộng Hòa-Ðịa Hạt 1, Orange County) cho rằng SCA 5 là không cần thiết.

Bà viết: “Mỗi khi một học sinh ở California, cho dù thuộc sắc dân nào, giới tính nào, hoặc giàu nghèo ra sao, không vào được đại học, tất cả chúng ta đều bị thiệt hại. Học sinh này mất cơ hội cho một tương lai tốt hơn, và chúng ta, cũng như xã hội, mất tất cả những gì học sinh đó có thể đóng góp lớn lao hơn. Vì thế, chúng ta cần có giải pháp, thế nhưng, SCA 5 không phải là giải pháp đó. Theo thống kê của hai hệ thống UC và CSU, tỉ lệ học sinh gốc thiểu số được nhận vào đại học công cộng rất cao, ngay cả sau khi Ðạo Luật Prop. 209 được thông qua. Vì vậy, tu chính đạo luật này là không cần thiết.”

“SCA 5 đã lái sự chú ý sang một hướng khác, thay vì tập trung vào một thực tế. Ðó là, trong khi ngày càng có nhiều học sinh gốc thiểu số được nhận vào đại học, số lượng đơn xin vào đại học của nhóm này vẫn còn hạn chế. Ðó là do sự kém cỏi của hệ thống giáo dục từ Mẫu Giáo đến lớp 12, chứ không phải do tiêu chuẩn tuyển chọn vào đại học,” Giám Sát Viên Janet Nguyễn viết tiếp.

Bà cho rằng: “Trong vài năm qua, hệ thống giáo dục từ Mẫu Giáo đến lớp 12 của chúng ta thiếu phương tiện cần thiết, để chuẩn bị cho con em chúng ta vào đại học. Cho nên, Dự Luật SCA 5 chỉ đơn thuần nhằm ‘chữa triệu chứng mà không chữa được căn bệnh.’”

Qua một email gởi cho nhật báo Người Việt, Dân Biểu Travis Allen (Cộng Hòa-Ðịa Hạt 72) cho biết: “Mọi người nên có cơ hội để đạt mục tiêu của mình khi họ làm việc cật lực để đạt thành công. Người dân California đấu tranh không mệt mỏi để chấm dứt kỳ thị chủng tộc trong hệ thống giáo dục công cộng sau khi thông qua Ðạo Luật Prop. 209. Tuy nhiên, một lần nữa, những nhà lập pháp đảng Dân Chủ ở Sacramento lại cho thấy vẫn còn ‘màu da’ qua Dự Luật SCA 5, nhằm hủy bỏ sự công bằng và cho phép chính quyền được quyền chọn ‘ai thắng ai thua’ qua chủng tộc của người đó.”

Nữ Dân Biểu Sharon Quirk-Silva (Dân Chủ-Ðịa Hạt 65) viết như sau: “Ða dạng trong đại học là cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải dùng mọi cách để bảo đảm tiêu chuẩn cao và công bằng trong việc tuyển chọn sinh viên. SCA 5 đưa ra một số vấn đề quan trọng cần giải quyết, thế nhưng, tôi không thể ủng hộ dự luật này trong lúc này.”

“Cũng như trong nhiều năm qua, tôi sẽ tiếp tục làm việc với các tổ chức cộng đồng để tìm ra một giải pháp lâu dài để giúp ngày càng có nhiều học sinh được vào đại học. Tôi sẽ tiếp tục ủng hộ dự luật mở cửa cho tất cả học sinh đủ tiêu chuẩn vào đại học,” vị nữ dân biểu này viết tiếp.

Bà Young Kim (Cộng Hòa), phụ tá Dân Biểu Liên Bang Ed Royce và hiện là ứng cử viên chức dân biểu California, Ðịa Hạt 65, cũng phản đối Dự Luật SCA 5.

Bà viết trong một thông cáo báo chí như sau: “Ðạo Luật Prop. 209 là một sự kiện lịch sử chấm dứt tình trạng thiên vị trong giáo dục. Trong khi đó, Dự Luật SCA 5 lại cho phép đại học thiên vị trong việc tuyển chọn sinh viên dựa trên các yếu tố chủng tộc, giới tính, màu da, sắc dân hoặc nguồn gốc quốc gia. Ðiều này đi ngược lại quyền căn bản của người Mỹ chúng ta. Ðó là lý do tại sao tôi phản đối dự luật này. Nếu có thể được, sự thiên vị chỉ nên dành cho các học sinh học hành chăm chỉ.”
Tương lai của SCA 5

Tại Quốc Hội California, đảng Dân Chủ đang kiểm soát cả Thượng Viện và Hạ Viện, với “siêu đa số” (super majority), nên họ có thể thông qua mọi dự luật một cách dễ dàng, cho dù phía Cộng Hòa có chống đối hay không.

SCA 5 đã được thông qua ở Thượng Viện, nhưng chưa biết tình hình ở Hạ Viện ra sao.

Thượng Nghị Sĩ Lou Correa cho biết: “Tôi có nói chuyện với Thượng Nghị Sĩ Ed Hernandez và nói với ông rằng, hãy chậm lại, hít thở không khí trong lành, và xem coi có cách nào tốt hơn hay không.”

“Tôi nghĩ, SCA 5 khó lòng qua khỏi Hạ Viện,” ông Correa nhận xét.

Ông cho biết sẽ mời một số đại diện truyền thông và tổ chức cộng đồng Việt Nam gặp gỡ với ông vào Thứ Sáu để ông lắng nghe thêm ý kiến của họ liên quan đến SCA 5.

Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, ủy viên giáo dục Học Khu Garden Grove, nhận xét: “Khó ai có thể biết trước được SCA 5 sẽ ảnh hưởng như thế nào đối với các cộng đồng gốc Châu Á, đặc biệt là cộng đồng người Mỹ gốc Việt, ngoại trừ các suy đoán của những người vận động chống đối dự luật này.”

“Cho dù có được lưỡng viện thông qua, SCA 5 sẽ gặp nhiều khó khăn đối với cử tri toàn California vì quan điểm chung hiện nay của họ là không muốn dùng các yếu tố như sắc dân hay màu da mà không dựa trên các thành tích cá nhân. Do đó, khó có thể đoán trước được là SCA 5 có được thông qua một cách dễ dàng hay không,” ông Lân viết tiếp.
Nếu SCA 5 thành luật

Giả sử SCA 5 được Hạ Viện thông qua và sau đó được cử tri California chấp thuận, chưa chắc có sự thay đổi nào trong các thành phần sắc tộc thiểu số ở đại học công cộng của California.

Luật Sư Nguyễn Quốc Lân giải thích: “Chưa có một thống kê hay nghiên cứu nào để có thể hiểu rõ hay tiên đoán được ảnh hưởng, nếu có, của Ðạo Luật Prop. 209, cũng như nếu SCA 5 trở thành luật, đối với các cộng đồng gốc Châu Á. Tỉ lệ sinh viên gốc Châu Á tại các trường đại học công cộng vẫn tiếp tục gia tăng trong nhiều năm qua, ngay từ trước khi Ðạo Luật Prop. 209 được thông qua.”

Luật Sư Lân viết tiếp: “Ngay cả cho tới ngày hôm nay, cộng đồng gốc Châu Á vẫn có tỉ lệ học sinh được nhận vào đại học cao hơn nhiều sắc dân khác là vì các sinh viên Châu Á thường có điểm cao hơn và có quyết tâm theo đuổi đại học cao hơn. Không có bằng chứng nào cho thấy là Ðạo Luật Prop. 209 đã giúp nhiều học sinh gốc Châu Á được nhận vào các trường đại học công cộng tại California, nếu có, thì cũng rất giới hạn.”

Vị dân cử gốc Việt trong Hội Ðồng Giáo Dục Học Khu Garden Grove giải thích thêm: “Sau khi thông qua Ðạo Luật Prop. 209, một số học sinh gốc Châu Á, đặc biệt là các học sinh gốc Việt, vẫn được cứu xét ưu tiên vì các hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, văn hóa, xã hội hay thành tích vượt qua nhiều khó khăn để vươn lên. Tỉ lệ sinh viên gốc Châu Á vẫn tiếp tục gia tăng trong nhiều năm qua, cho dù có hay không có Ðạo Luật Prop. 209, phần lớn nhờ vào thành tích học vấn, hoàn cảnh xã hội hay kinh tế khó khăn. Ða số các học sinh gốc Châu Á sẽ không bị ảnh hưởng bất lợi.”
Kết luận

Theo Giám Sát Viên Janet Nguyễn, “SCA 5 cho thấy điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta thiếu một cuộc thảo luận lành mạnh. Mục đích mà SCA 5 nhắm tới có vấn đề, bởi vì nó mâu thuẫn với nguyên tắc của một cuộc thảo luận công bằng và tương xứng, một điều mà quốc gia này luôn tự hào. Thượng Viện California, do đảng Dân Chủ kiểm soát tới 2/3 số ghế, có thể thông qua tu chính Hiến Pháp này mà không thèm nghe ý kiến của phía đảng Cộng Hòa.”

“Các dự luật lớn và quan trọng đối với cư dân California không nên được thông qua tại một cơ quan lập pháp, nơi mà tiếng nói của phía thiểu số không được lắng nghe, bởi vì lá phiếu của họ không còn cần thiết nữa. Hơn nữa, người dân California đã lên tiếng về vấn đề này hồi năm 1996, khi họ thông qua Ðạo Luật Prop. 209. Vậy thì, đưa vấn đề này ra một lần nữa chỉ làm tốn tiền đóng thuế của người dân, nhất là khi số học sinh thiểu số được nhận vào đại học vẫn ngày càng tăng,” vị dân cử gốc Việt cao cấp nhất California viết.

Luật Sư Nguyễn Quốc Lân cho rằng: “Cuộc tranh luận về chuyện nên hay không nên cân nhắc yếu tố sắc dân, màu da hay chủng tộc trong việc cứu xét đơn xin vào đại học là một tranh cãi hữu ích trong một xã hội dân chủ, đặc biệt là trong một xã hội có quá trình kỳ thị, phân biệt chủng tộc hay bất công xã hội như tại Hoa Kỳ. Tuy nhiên, quyết định chống đối hay ủng hộ SCA 5, hoặc như Ðạo Luật Prop. 209 trước đây, nên được cân nhắc dựa trên nhận định riêng của của mỗi người, căn cứ trên nhận xét riêng của mình về hoàn cảnh xã hội và lợi ích, hay bất lợi, khi thi hành chính sách đó. Quyết định này không nên bị chi phối qua những tin tức hay lập luận không có căn cứ hay không chính xác.”

“Tôi nghĩ, bất cứ chính sách nào về giáo dục cũng nên dựa trên sự công bằng, học giỏi thì phải được vào trường tốt, cho dù thuộc sắc dân nào,” Giáo Sư Phạm Thị Huê, khoa trưởng Khoa Cố Vấn đại học Orange Coast College, Costa Mesa, nhận xét.

vietditru

vietditru

Posted by vietditru

: