Theo bản báo cáo vừa được công ty tư vấn Wealth-X và ngân hàng Thụy Sỹ UBS công bố, số người siêu giàu tại khu vực Đông Nam Á vẫn tăng mạnh bất chấp khủng hoảng. Trong đó dẫn đầu là Thái Lan và Việt Nam với mức tăng lần lượt 15,2% và 14,7%.

(Ảnh minh họa)

Trong khi các thị trường mới nổi khổng lồ như Trung Quốc và Brazil chứng kiến số lượng dân số siêu giàu sụt giảm trong năm vừa qua, tình hình tại quốc gia Đông Nam Á lại tiếp tục khả quan bất ngờ.

Theo nghiên cứu vừa được công ty tư vấn tài sản Wealth-X và ngân hàng Thụy Sỹ UBS công bố, cả 6 quốc gia ASEAN được khảo sát làSingapore, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam đều chứng kiện sự gia tăng số cá nhân siêu giàu – được định nghĩa là người có tài sản ròng từ 30 triệu USD trở lên.

Thái Lan là nước có sự tăng trưởng mạnh mẽ nhất khi số lượng cá nhân siêu giàu tăng 15,2%, đạt 720 người. Năm 2012, con số này của Thái Lan là 625 người. Tổng giá trị tài sản của nhóm người này cũng tăng, đạt 110 tỷ USD, tăng 15 tỷ USD so với một năm trước. 

Xếp ngay sau Thái Lan là Việt Nam và Indonesia với số lượng cá nhân siêu giàu tăng đáng kể, lần lượt là 14,7% và 10,2%. Tại Indonesia, 865 cá nhân siêu giàu kiểm soát khối tài sản 130 tỷ USD, tăng so với con số 785 cá nhân kiểm soát 120 tỷ USD của năm ngoái. 

Khối lượng tài sản của những người siêu giàu tại quốc gia vạn đảo tiếp tục tăng bất chấp sự giảm tốc của kinh tế Trung Quốc làm sụt giảm nhu cầu đối với hàng hóa của Indonesia, khiến tăng trưởng GDP trong năm 2012 chậm lại so với 2011. 

Tài sản của các triệu phú được khảo sát trong khu vực tiếp tục tăng nhờ sự phát triển mạnh mẽ của tiêu dùng nội địa và sự lớn mạnh của tầng lớp trung lưu, giúp những cá nhân giàu có tại các nước như Indonesia và Philippines tiếp tục phất lên, trái ngược với tình hình ảm đạm của kinh tế những nước này. 

Các thị trường tiên phong như Việt Nam và Myanmar cũng tiếp tục tỏ ra đầy hứa hẹn cho dịch vụ ngân hàng tư nhân, với sự tăng trưởng ổn định của tầng lớp dân cư tiêu dùng và nhóm người thượng lưu tăng nhanh. 

Dù không có mặt tại hai quốc gia này nhưng UBS khẳng định “đang theo dõi rất sát” tình hình, Joseph Poon, trưởng bộ phận khách hàng siêu giàu của công ty quản lý tài sản UBS tại Đông Nam Á cho biết. Ông khẳng định ngân hàng mình sẽ “quan tâm đến việc phục vụ khách hàng”, một khi môi trường pháp lý của ngành tài chính trở nên minh bạch hơn. 

Là nước giàu có hàng đầu ASEAN, nhưng nhóm dân số siêu giàu củaSingapore chỉ tăng khiêm tốn 3,8%,. Dù vậy con số này chỉ bao gồm những cá nhân có hoạt động kinh doanh chính và tài sản tại Singapore, không bao gồm những người nước ngoài sinh sống tại đây. 

So với Hồng Kông, số lượng cá nhân siêu giàu của Singapore chưa bằng một nửa, nhưng bản báo cáo dự báo, Singapore sẽ tiếp tục là điểm đến của các “đại gia” giàu có của thế giới, cả để sinh sống và đầu tư do thuế thu nhập cá nhân thấp và chính sách miễn thuế. 

“Singapore được định vị một cách độc nhất để phục vụ các khách hàng, những người có những vấn đề của nhiều thế hệ”, ông Poon nhận định. “Đất nước này rất phù hợp cho việc lập kế hoạch dài hạn; để bảo toàn tài sản của gia đình trong vòng 70 – 100 năm tới”. 

Quốc đảo sư tử cũng có tỷ lệ dân cư là tỷ phú cao hàng đầu thế giới, khi cứ 200.000 dân lại có một tỷ phú, cao gấp 3 lần Mỹ, dù nền kinh tế lớn nhất thế giới có nhiều cá nhân siêu giàu nhất thế giới. 

Dù tình hình tại Đông Nam Á có sự lạc quan nhất định, xu hướng tăng trưởng chung của tài sản tại châu Á vẫn bị giảm sút do sự giảm tốc tại Trung Quốc, nơi số lượng cá nhân siêu giàu giảm 5,1% so với năm trước. Những cá nhân giàu có tại châu Âu và Bắc Mỹ cũng đang hồi phục với tốc độ tăng tài sản nhanh hơn khu vực châu Á. 

Bất chấp điều đó bản báo cáo dự báo đến năm 2021, số cá nhân siêu giàu tại châu Á sẽ vượt châu Âu, và đến năm 2032 sẽ qua mặt luôn cả khu vực Bắc Mỹ.

Theo dantri.com.vn

binhthanh

binhthanh

Posted by binhthanh

: