WASHINGTON, DC (Washington Post) – Hôm Thứ Tư, qua yêu cầu của Tổng Thống Barack Obama, ông Steven T. Miller, quyền giám đốc Sở Thuế (IRS), đã từ chức vì vụ làm khó các tổ chức bảo thủ trong việc khai thuế, gây tai tiếng trong nhiệm kỳ thứ nhì của ông Obama.

Tòa nhà John Weld Peck Federal Building ở Cincinnati, Ohio, nơi có văn phòng địa phương của IRS. Chính văn phòng này làm khó các tổ chức bảo thủ khi họ xin miễn thuế. (Hình: AP Photo/Al Behrman)

Cũng trong ngày Thứ Tư, Tòa Bạch Ốc đưa ra hơn 100 email do các giới chức cao cấp thông tin qua lại liên quan vụ tấn công Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Benghazi, Libya, hôm 11 Tháng Chín, 2012 làm thiệt mạng vị đại sứ và ba nhân viên ngoại giao Hoa Kỳ.

Hành động của tổng thống cho thấy đây là dấu hiệu đầu tiên của ông trong việc bày tỏ thái độ liên quan đến vụ IRS bị tố cáo nhắm vào các nhóm bảo thủ khi họ nộp đơn xin miễn thuế để làm khó.

Sự kiện này tạm thời “hạ hỏa” dư luận trong một ngày mà Tòa Bạch Ốc bị dồn vào thế “phòng ngự” qua hai vụ khác cũng tai tiếng không kém. Thứ nhất là vụ Bộ Tư Pháp tịch thu hồ sơ một số cuộc gọi điện thoại của hãng thông tấn AP mới đây. Thứ nhì là hồ sơ liên quan đến vụ tấn công Tòa Lãnh Sự Mỹ ở Benghazi hồi năm ngoái.

Trong một bài phát biểu ngắn gọn, nhưng đầy giận dữ, tại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Obama nói rằng hành động của IRS là “không thể bào chữa được.”

“Người dân có quyền giận dữ về chuyện này, và tôi cũng rất giận,” ông nói, và thêm rằng ông “sẽ không dung thứ cho hành động này xảy ra ở bất cứ cơ quan nào, nhất là tại IRS, vì đây là một cơ quan có nhiều quyền lực và ảnh hưởng.”

Tòa Bạch Ốc cũng đưa ra lá thư của ông Jack Lew, bộ trưởng Tài Chánh, yêu cầu ông Miller từ chức để “lấy lại niềm tin của công chúng đối với IRS.”

Phản ứng của Tòa Bạch Ốc cho thấy vụ IRS làm hại uy tín của chính quyền Obama và có thể làm hỏng một số chương trình nghị sự của tổng thống mà ông muốn thực hiện trong nhiệm kỳ hai.

Trong những ngày qua, Tổng Thống Barack Obama và các cộng sự bị cả đối thủ lẫn đồng minh chỉ trích là phản ứng quá chậm chạm và có vẻ như “ngồi khoanh tay” khi người dân Mỹ chú ý vào các vụ tai tiếng này.

Cũng hôm Thứ Tư, Tòa Bạch Ốc đưa ra hơn 100 email trong đó có chi tiết liên quan đến những gì được giới chức cao cấp bàn bạc trong vụ tấn công cơ sở ngoại giao của Mỹ tại Libya.

Ðây là một cố gắng của bên hành pháp nhằm ngăn chặn chỉ trích của phía lập pháp Cộng Hòa là Tòa Bạch Ốc sửa nội dung bản báo cáo về vụ tấn công, cho rằng đây có thể không phải là một hành động khủng bố.

Trước đó, Tòa Bạch Ốc hàm ý cho biết có thể ủng hộ một dự luật của các nhà lập pháp nhằm bảo vệ giới truyền thông không bị yêu cầu nộp những gì cơ quan điều tra muốn biết. Ðây là hậu quả của vụ Bộ Tư Pháp xem hồ sơ các cuộc gọi điện thoại của AP để tìm ra manh mối hoạt động của các tổ chức khủng bố, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.

Dù vậy, phía Cộng Hòa vẫn chưa hài lòng.

“Hơn hai năm sau khi vấn đề xảy ra, và hơn một năm kể từ khi IRS nói với chúng tôi là không có vấn đề gì cả, bây giờ tổng thống mới hành động,” Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Cộng Hòa-Kentucky), trưởng khối thiểu số tại Thượng Viện, nói. “Nếu tổng thống quan tâm đến vấn đề mà ông nói là ông có quan tâm, ông nên công khai làm việc với Quốc Hội để giải quyết rốt ráo – không cản trở, không trả lời nước đôi, và không che giấu nhân chứng.”

Vụ IRS đổ bể sau khi một tổ chức giám sát hoạt động chính quyền phát giác rằng cơ quan liên bang này liệt kê các nhóm hoạt động xin miễn thuế mà tên gọi có chữ “tea party” hoặc “patriot” vào danh sách đặc biệt để kiểm tra kỹ lưỡng hơn. (Ð.D.)
Theo nguoiviet online

HungViet

HungViet

Posted by HungViet

: