TN – Phần Lan và Thụy Điển hôm nay 18.5 chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO tại trụ sở của liên minh này ở Brussels, theo Reuters.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (trái) và Đại sứ Thụy Điển tại NATO Axel Wernhoff bắt tay khi Thụy Điển nộp đơn xin gia nhập NATO tại trụ sở của liên minh tại Brussels, Bỉ ngày 18.5
REUTERS.

Các nhà ngoại giao cho hay việc phê chuẩn đơn xin gia nhập nói trên của các quốc hội của tất cả 30 quốc gia thành viên có thể mất một năm, theo Reuters.

“Việc nộp đơn mà quý vị tạo ra hôm nay là một bước lịch sử. Các đồng minh bây giờ sẽ xem xét những bước kế tiếp về con đường của quý vị đến NATO”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố sau khi nhận đơn từ các đại sứ Phần Lan và Thụy Điển tại trụ sở NATO, theo AFP.

Trong cuộc họp báo với Thủ tướng Thụy Điển Magdalena Andersson hôm 17.5, Tổng thống Phần Lan Sauli Niinisto nhấn mạnh rằng nếu Mỹ phê chuẩn nhanh việc xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển, việc này sẽ hỗ trợ toàn bộ quá trình diễn ra nhanh hơn.

Tổng thống Niinisto và Thủ tướng Andersson dự kiến gặp Tổng thống Mỹ Joe Biden ở Washington D.C vào ngày mai 19.5.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre ngày 17.5 cho biết chính quyền Tổng thống Biden tin rằng NATO có thể đạt được sự đồng thuận về nỗ lực xin gia nhập NATO của Phần Lan và Thụy Điển.

Bất kỳ quyết định về việc mở rộng NATO phải đạt được sự đồng thuận của tất cả 30 nước thành viên, theo Reuters. Tuy nhiên, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 16.5 tái khẳng định ông sẽ không ủng hộ việc Thụy Điển và Phần Lan gia nhập NATO. Ông một lần nữa cáo buộc hai nước là “cái nôi” của các nhóm khủng bố, thậm chí có những phần tử khủng bố trong quốc hội.

Việc nộp đơn nói trên đánh dấu Phần Lan và Thụy Điển lần lượt kết thúc tình trạng không gia nhập bất kỳ liên minh quân sự trong nhiều thập niên và khoảng 200 năm.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh và nhiều thập niên sau đó, không có gì có thể thuyết phục người dân Phần Lan và Thụy Điển rằng họ sẽ tốt hơn nếu gia nhập NATO. Thực tế, hai nước Bắc Âu này kết thúc tình trạng trung lập truyền thống của mình bằng cách gia nhập Liên minh châu Âu (EU) vào năm 1995 và thắt chặt hợp tác với NATO.

Vấn đề đáng chú ý của NATO là Điều khoản số 5 của hiệp ước: “một cuộc tấn công chống lại một hay một số thành viên đều bị xem là cuộc tấn công chống lại toàn bộ liên minh”.

Điều 5 mới chỉ được viện dẫn một lần duy nhất, nhằm đáp trả lại cuộc tấn công khủng bố ngày 11.9.2001 tại Mỹ. Tuy nhiên, NATO có thể tiến hành các biện pháp phòng thủ chung mà không cần viện dẫn Điều 5.

Văn Khoa 

khahan

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!

khahan

Posted by khahan

:

Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng!