Vào ngày Thứ Ba, 4 Tháng Mười Một, khắp Hoa Kỳ sẽ có một cuộc tổng tuyển cử, từ liên bang đến tiểu bang đến địa phương, trong đó có Orange County, nơi có cộng đồng người Mỹ gốc Việt lớn nhất.

Dù còn tới chín tháng nữa, hiện đang có một chuyện liên quan đến quyền đại diện của một số sắc dân thiểu số.

Một số thành phố địa phương và học khu tại California đang bị kiện vì bị tố cáo vi phạm quyền bầu cử của cử tri gốc thiểu số, làm một số địa phương phải dàn xếp, bằng cách cho bầu các chức vụ nghị viên hoặc ủy viên theo địa hạt (district), thay vì theo toàn thành phố (at large) như hiện nay.

Hai ứng cử viên gốc Việt, Tiến Sĩ Nguyễn Lâm Kim Oanh (trái) và ông John Chương Nguyễn, ứng cử vào Học Khu Garden Grove năm 2008, tại một buổi hội luận.

Theo nhật báo The Orange County Register, ít nhất có sáu thành phố ở Orange County đang bị kiện.

Nguyên đơn bao gồm một số tổ chức cộng đồng, hoặc Liên Ðoàn Ðấu Tranh Dân Quyền Hoa Kỳ (ACLU), dựa trên Ðạo Luật Quyền Lợi Bầu Cử California năm 2001 (California Voting Rights Act of 2001-CVRA).

Bầu cử theo địa hạt có nghĩa là mỗi nghị viên được cử tri trong địa hạt bầu lên, và người nghị viên này chỉ đại diện cho địa hạt đó, ví dụ như San Jose ở Santa Clara County và Seal Beach ở Orange County.

Riêng Santa Ana, dù chia ra làm sáu địa hạt, nhưng lại bầu theo thể thức toàn thành phố.

Bầu cử theo toàn thành phố có nghĩa là cử tri toàn thành phố bầu cho mỗi nghị viên, mà đa số các thành phố ở California áp dụng.
Orange County

Cho tới nay, Anaheim, một trong sáu thành phố bị kiện, đã tốn tới $1.26 triệu chi phí kiện tụng. Bên nguyên đơn đã tốn khoảng $1 triệu. Và nếu bị thua, Anaheim có thể phải trả luôn cả chi phí cho nguyên đơn.

Theo nhật báo The Orange County Register, Anaheim đang thương lượng để xem bên nguyên đơn muốn trả bao nhiêu trong số tiền $1 triệu để chấm dứt vụ kiện.
Ðồng thời, thành phố sẽ để cử tri quyết định có bầu cử theo địa hạt hay không trong cuộc bầu cử vào Tháng Mười Một năm nay.

Trong khi đó, Học Khu Trung Học Anaheim, sau khi bị kiện, đã bỏ phiếu quyết định chuyển sang bầu cử các ủy viên theo địa hạt. Học Khu Tiểu Học Anaheim cũng đang tính đến chuyện làm giống Học Khu Trung Học Anaheim.

Cho tới nay, đã có có 87 học khu ở California chuyển sang bầu cử ủy viên theo địa hạt.

Hiện nay, nhiều thành phố ở Orange County có số người gốc Hispanic đáng kể, nhưng lại không có vị dân cử nào thuộc sắc dân này.

Thay vào đó, đa số là dân cử gốc da trắng. Còn tại Orange County, nhiều thành phố có dân cử gốc Châu Á.

Ví dụ, Anaheim có khoảng 340,000 cư dân, đông dân nhất Orange County. Trong số người ở độ tuổi đi bầu, có tới 35% là gốc Hispanic. Thế nhưng, trong năm thành viên Hội Ðồng Thành Phố, không có người nào gốc Hispanic cả, theo tài liệu của Cơ Quan Bầu Cử Orange County.

Các thành phố Buena Park, Costa Mesa, Fountain Valley, Fullerton, và Garden Grove cũng như vậy, trong khi số cử tri gốc Hispanic đến độ tuổi đi bầu ở những thành phố này đều gần 25%. Riêng Fountain Valley con số này là 12% và Buena Park là 30%.

Vì thế, cử tri gốc Hispanic tại các thành phố nêu trên đang vận động để các địa phương này bầu cử theo địa hạt, để họ có thể có người đại diện trong Hội Ðồng Thành Phố.

Tại sao họ muốn thay đổi luật hiện nay?

Vì dù ngày càng đông, tỉ lệ đi bầu của người gốc Hispanic vẫn thấp hơn người da
trắng và gốc Châu Á. Cho nên, nếu bầu theo toàn thành phố, dân cử gốc Hispanic khó đắc cử.

Hiện nay, Buena Park có 25% cử tri gốc Châu Á và có một dân cử gốc Nam Hàn, Thị Trưởng Miller Oh.

Nghị Viên Art Brown của Buena Park hiện là một trong những người có thể ủng hộ bầu cử theo địa hạt.

“Tôi biết tình trạng dân số hiện nay của thành phố,” ông được nhật báo The Orange County Register trích lời nói. “Nhiều người gốc Mexico từng ra ứng cử, nhưng chưa bao giờ được bầu vào Hội Ðồng Thành Phố.”
Little Saigon

Garden Grove có 41% gốc Châu Á, và có hai vị dân cử gốc Việt, Luật Sư Dina Nguyễn và Luật Sư Chris Phan, trong số năm thành viên.
Fountain Valley có 35% gốc Châu Á, và có một thị trưởng gốc Việt, ông Michael Võ. Ông là một trong số năm nghị viên và được các đồng viện bầu làm thị trưởng.

Westminster có khoảng 48% cư dân gốc Châu Á và có Thị Trưởng Trí Tạ và Nghị Viên Andy Quách. Riêng cử tri gốc Hispanic ở thành phố này là 24% và có Nghị Viên Sergio Contreras.

Như vậy, nếu thay đổi từ bầu cử toàn thành phố sang từng địa hạt thì không có lợi cho cử tri gốc Châu Á, dựa theo những thống kê nêu trên.

Tại Garden Grove, có 175,000 cư dân, Nghị Viên Kris Beard từng đề nghị bầu cử theo thể thức địa hạt vì ông cho rằng như vậy ít tốn kém hơn cho một ứng cử viên.

Trong một lần trả lời phỏng vấn báo Garden Grove Journal hồi Tháng Ba, 2013, nghị viên này nói: “Chi phí để ứng cử cho một địa hạt rẻ hơn là cho toàn thành phố. Ngoài ra, như vậy các sắc dân mới có đại diện đồng đều tại Hội Ðồng Thành Phố.”

Cũng theo Garden Grove Journal, chi phí ứng cử toàn thành phố bây giờ tăng vọt dữ dội. Một người ứng cử chức thị trưởng thành phố phải có ít nhất $100,000. Khi ra ứng cử thị trưởng Westminster, một thành phố có khoảng 90,000 dân, vào năm 2004, Nghị Viên Andy Quách gây quỹ tới $140,000.

Hơn nữa, Nghị Viên Kris Beard nghĩ rằng bầu cử theo địa hạt “làm tăng sự tham gia chính trị một cách dân chủ hơn.”

Từ trước tới nay, Garden Grove chưa bao giờ có nghị viên gốc Hispanic.

Nghị Viên Chris Phan không đồng ý với việc bầu cử theo địa hạt.

Ông được trích lời nói như sau: “Tôi thấy không cần thiết. Garden Grove không phải là thành phố lớn. Tôi từng đi bộ toàn thành phố trong lúc vận động tranh cử chức nghị viên.”

Chuyện bầu cử theo địa hạt cũng từng được Thị Trưởng Bruce Broadwater đưa ra hồi năm 2007, lúc ông đang làm nghị viên, và bị Thị Trưởng Bill Dalton, Nghị Viên Dina Nguyễn, và cả hai ủy viên Học Khu Garden Grove lúc đó, Luật Sư Nguyễn Quốc Lân và Luật Sư Nguyễn Quang Trung, phản đối, theo Garden Grove Journal.

Tại Garden Grove hiện nay, 1/3 cư dân là gốc Châu Á, 1/3 da trắng, và 1/3 gốc Hispanic. Ða số dân gốc Châu Á sống tập trung ở phía Nam, trong khi cư dân gốc Hispanic phần lớn sống ở phía Ðông.

Một số nhà quan sát chính trị địa phương cho rằng, nếu bầu cử theo địa hạt, quyền lực chính trị của người Việt sẽ bị giới hạn ở phía Nam và quyền lực đó của người Hispanic sẽ chỉ ở phía Ðông.

Tại Westminster, Fountain Valley, cũng như những nơi khác, tình hình cũng sẽ như vậy.

Tuy nhiên, tại các thành phố khác hiện chưa có dân cử gốc Châu Á, ví dụ như Santa Ana hiện nay, có thể lần đầu tiên có dân cử không phải gốc da trắng, Châu Phi, hoặc Hispanic, nếu bầu cử theo địa hạt.

Nếu bầu theo địa hạt, Khu Vực 6, thuộc phía Tây Santa Ana, có thể có một nghị viên gốc Á, vì đa số người Việt ở thành phố này cư ngụ từ đường Fairview qua tới đường Euclid.

Sau hết, giả sử một số thành phố đồng ý bầu cử theo địa hạt, lúc đó, ai có quyền vẽ ranh giới địa hạt sẽ là người quyết định người nào ngồi trong Hội Ðồng Thành Phố.

vietditru

vietditru

Posted by vietditru

: